Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:08 (GMT +7)
Người dân bức xúc khi giếng cổ Đường Lâm bỗng nhiên 'khoác áo' mới
Thứ 4, 10/11/2021 | 22:04:57 [GMT +7] A A
Một đoàn làm phim về quay hài Tết tại làng cổ Đường Lâm đã tự ý tô vẽ giếng cổ ở đình làng Mông Phụ, khiến người dân vô cùng bức xúc và lo lắng liệu có thể hoàn trả diện mạo cũ cho di sản?
Giếng làng là nơi “tụ thủy tích phúc” đối với người dân, là một phần trong di sản “cây đa, giếng nước, mái đình” mà người Việt Nam trân trọng. Vậy mà, mới đây, một đoàn làm phim ngang nhiên tô vẽ lên giếng làng Mông Phụ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) khiến bà con vô cùng bức xúc.
Tô vẽ giếng cổ để quay phim
Theo phản ánh của người dân xã Đường Lâm, đoàn làm phim hài Tết “Chuyện làng Bồm” thuộc Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Thăng Long về làng Mông Phụ để quay phim. Đoàn phim này đã nhiều năm quay hài Tết ở làng cổ Đường Lâm nên họ chỉ "xin phép miệng" với chủ tịch xã.
Song lần này, đoàn phim gây bức xúc cho người dân địa phương khi tự ý tô vẽ giếng cổ trong khuôn viên ngôi đình Mông Phụ đã được xếp hạng di tích quốc gia. Với người dân Đường Lâm, những giếng cổ trong làng được coi là không gian linh thiêng, người dân luôn giữ cho giếng vẻ cổ kính quý giá.
Giếng ở đình Mông Phụ vốn là giếng gạch có trát vữa, lớp vữa theo năm tháng bong tróc làm loang những màu gạch đỏ lấp ló giữa những mảng xanh của rêu, cỏ dại, dương xỉ bám kín bờ giếng, nhìn đậm màu di sản.
Ngày 7/11, người dân Mông Phụ “tá hỏa” khi phát hiện giếng cổ của thôn bỗng đổi màu, trở nên vô hồn, lòe loẹt bởi những nét tô vẽ thô vụng biến bờ giếng gạch thành giả đá tổ ong mới tinh.
Lâu nay, người dân Đường Lâm vẫn “kêu trời” vì “bị” sống trong không gian di sản khiến họ không được phép tu sửa nhà cửa dù đã dột nát. Danh hiệu di sản "bó buộc" người dân trong những ngôi nhà cổ chật hẹp song họ vẫn luôn tôn trọng, bảo tồn nguyên trạng di tích.
"Ở đây người dân muốn đổ một xe cát cũng khó khăn, phải trình bày, xin phép, vậy mà họ [đoàn làm phim-PV] từ đâu tới, ngang nhiên tự tiện làm biến dạng di tích quốc gia vốn bình thường phải được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phê duyệt mới được động vào," một người dân trong làng bức xúc.
Không những vậy, đoàn phim còn gây lo lắng cho người dân khi cả đoàn mấy chục người hầu như không đeo khẩu trang khi quay phim ở địa phương.
Sau phản ánh của dân làng, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường để lập biên bản, giải quyết vụ việc.
Xâm phạm "mắt rồng"
Theo biên bản, đoàn làm phim đã xin phép chính quyền địa phương (bằng miệng) để thực hiện các cảnh quay tại di tích làng cổ Đường Lâm. Trong quá trình quay phim, đoàn đã tự ý vẽ lên thành giếng đình thôn Mông Phụ bằng vật liệu vôi màu. Việc này chưa báo cáo và chưa được sự đồng ý của Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng như chính quyền địa phương.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đường Lâm, đề nghị đoàn làm phim dừng các cảnh quay, bổ sung đầy đủ các hồ sơ pháp lý về việc quay phim theo quy định pháp luật và hoàn trả nguyên trạng giếng làng Mông Phụ.
Đại diện người dân địa phương, chị Giang Thị V.A lo lắng rằng việc trả lại nguyên trạng cho giếng không hề dễ dàng.
“Hành vi của đoàn làm phim đã vi phạm Luật Di sản, khiến người dân vô cùng bức xúc,” chị cho hay.
Là người trực tiếp làm du lịch tại địa phương, rất trân trọng những vốn quý mà cha ông để lại, chị V.A mong muốn việc bảo vệ các di tích cổ của làng sẽ được làm tốt hơn từ cả phía người dân, cán bộ địa phương và du khách.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một người con của “đất Hai Vua” bày tỏ sự đau xót trước hành vi “vô cảm” của đoàn làm phim.
“Ngay cả khi đoàn làm phim có thể xóa bỏ cái màu mè phủ lên di tích cổ đi được thì họ vẫn sai vì đã vi phạm Luật Di sản. Trong tâm thức của bà con, Đình Mông Phụ được đặt trên đầu rồng mà hai giếng cổ hai bên là con mắt rồng, giờ vẽ bậy lên đó, là không thể nào chấp nhận được về mặt tâm linh,” nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.
Trên trang cá nhân, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đăng nhiều bức ảnh cũ về vẻ đẹp cổ kính trác tuyệt của làng cổ Đường Lâm. Ông đau xót khi đưa ra để so sánh với cái giếng bị tô vẽ thành “đạo cụ làm phim” hiện tại.
“Đụng vào các giá trị muôn một và mong manh của di sản quý, sẽ như bát nước đầy đổ đi, như một tình yêu thiêng liêng đã chết, làm sao mà hồi sinh được,” ông trăn trở.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích (Bích “giếng”), người đã chụp ảnh giếng cổ hơn 10 năm nay cũng xót xa khi thấy giếng làng Mông Phụ được “khoác tấm áo mới.”
“Chúng ta thường nhìn giếng để nhớ về làng, về dòng họ hay những ký ức tuổi thơ. Giếng làng là một hệ giá trị tâm linh thật sự, nhất là giếng trong khuôn viên đình làng như giếng Mông Phụ, các cụ vẫn coi giếng đình là ‘mắt rồng’,” anh nói.
Anh cho rằng giếng làng Mông Phụ vốn đã rất đẹp rồi, thật khó hiểu là đoàn làm phim lại tô vẽ thêm màu mè, vừa tốn kém, vừa xâm phạm di sản, khiến người dân bức xúc.
“Có cả một văn hóa giếng không chỉ ở các miền quê mà ngay trong lòng Hà Nội, nơi mình sống. Giếng cổ không chỉ thu hút tôi bởi cách xếp gạch, vết chạm khắc trên thành giếng, màu nước hay lớp rêu phong. Xa hơn thế, dù là giếng hình tròn, chữ nhật, bán nguyệt hay bát giác, dù là giếng có thành xây bằng gạch, bằng đá ong, xếp đá hay giếng đất đơn sơ, tất cả đều là chứng nhân của những câu chuyện đặc biệt về cách con người ứng xử với kiến trúc này,” anh chia sẻ.
Ông Trương Đức Thắng, đại diện đoàn làm phim, thừa nhận thiếu sót và sẽ rút kinh nghiệm. Ông mong được hoàn tất các cảnh quay song không được người dân và chính quyền địa phương chấp thuận. Ông Thắng cam kết trong ngày 9/11 sẽ xóa vôi màu, trả lại nguyên trạng cho giếng làng.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()