Ngày 14/3 thường được cộng đồng chờ đợi xem có thay đổi nào từ Pi Network, nhưng năm nay tình hình trầm lắng, tương tác trên mạng xã hội giảm.
Trên một số nhóm về Pi Network từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, nhiều người cho biết họ không còn vào ứng dụng để "kích tia sét" vì mất niềm tin vào dự án, lượng Pi kiếm được ít, xác thực danh tính (KYC) khó khăn, quên mã ví.
"Tôi thấy nản khi nhà phát triển Pi Network không có động thái gì mới thời gian qua", Hồng Phương (Đăk Lăk) nói.
Cô "đào" Pi từ những ngày đầu khi được bạn bè trên mạng giới thiệu và hiện có hơn 3.000 Pi sau ba năm chăm chỉ "điểm danh". Cô cho biết đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hy vọng, háo hức, chờ đợi đến thất vọng.
Năm ngoái, Phương định từ bỏ, nhưng rồi vẫn vào "kích tia sét" khi đọc thông tin mạng chính thức (mainet) sẽ khởi chạy từ 14/3/2022. Tuy nhiên, ba tháng sau, đội ngũ Pi Network mới bắt đầu mainet kín, có nghĩa người tham gia chỉ có thể giao dịch với nhau dựa trên sự đồng thuận. Nó khác mainet mở, tức có thể giao dịch với các tiền số khác. Đến đầu năm nay, Phương một lần nữa hy vọng Pi có giá trị khi một số sàn tiền sốbắt đầu niêm yết, nhưng chỉ theo hình thức ghi nợ IOU.
"Như hàng loạt cú lừa liên tiếp. Tôi ngừng truy cập ứng dụng từ đó", cô nói.
Hoàng Nam (Quảng Trị) cũng không vào ứng dụng bốn tháng nay do liên quan đến vấn đề xác thực danh tính KYC. Anh cho biết đã làm các bước như hướng dẫn từ giữa năm ngoái, nhưng hiện vẫn mắc kẹt ở trạng thái "Đang xác minh".
Bên cạnh đó, nhiều người chuyển sang đầu tưchạy nodenhằm kiếm được nhiều Pi hơn cũng khiến người "điểm danh" bằng điện thoại kém mặn mà. "Nhóm tôi ban đầu có hơn 300 người tham gia thường xuyên, nhưng giờ còn chưa đến 10 người", anh Nam cho hay.
Ngày 14/3 các năm trước được cộng đồng Pi chờ đợi với hy vọng nhà phát triển sẽ có thay đổi nhằm chào mừng "ngày số Pi". Tuy nhiên năm nay, không khí trên các hội nhóm trở nên trầm lắng.
Theo Ngô Bằng, quản trị viên nhóm Pi Network với gần 200.000 thành viên, so với 2022, dịp 14/3 lần này không sôi động trong cộng đồng "Pi thủ" vì đội ngũ Pi Network thời gian qua gần như không có động thái gì. Người đang nắm giữ Pi tiếp tục chờ đợi, còn gần như không có người mới tham gia.
Dữ liệu từ SimilarWebcho thấy, lượng truy cậpminepi,website chính thức của dự án Pi Network, giảm hơn 50% từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023. Việt Nam vẫn nằm top 3 về truy cập, nhưng tỷ lệ thấp và giảm hơn 37%. Còn theo Google Trends, số lượt tìm kiếm nội dung liên quan đến Pi Network tại Việt Nam cũng giảm hơn 70% tính từ tháng 1.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mất niềm tin. Tài Bùi, từngđầu tư hàng trăm triệu đồngđể chạy node năm ngoái, hiện đã mở rộng số lượng PC từ 50 lên 250 máy với mục đích kiếm nhiều Pi hơn. Ngoài ra, anh cũng đang hỗ trợ hơn 1.000 người cài Node khác. "Với máy chạy trên 9 tháng, đặt cơ chế khóa Pi 90-100%, mỗi ngày có thể đem về 30-40 Pi", anh nói. "Với máy mới vận hành, số Pi ít hơn, nhưng vẫn cao hơn sử dụng điện thoại điểm danh".
Theo Pi Network, Pi Node, hay nút mạng Pi, là phần mềm chạy trên máy tính với vai trò tạo và lưu trữ Pi. Không giống ứng dụng Pi Network trên smartphone chỉ đóng vai trò đăng ký, đăng nhập, phục hồi tài khoản và "điểm danh" để nhận Pi, Pi Node còn làm nhiệm vụ xác nhận giao dịch trong hệ thống blockchain của Pi.
Ngoài ra, việc mua bán hàng hóa bằng tiền ảo làvi phạm pháp luậtViệt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàngnhận thanh toán bằng Pi. Để lách luật, người đào Pi chia sẻ nhau cách dùng từ "trao đổi" thay cho "thanh toán". Tuần trước, một khách sạn ở Phan Thiết (Bình Thuận) đã bị yêu cầu dừng thanh toán bằng Pi.
Pi Network xuất hiện từ 2019 và rộ lên tại Việt Nam đầu 2021. Ứng dụng nhiều lần bị các chuyên gia cảnh báo về sự thiếu tính minh bạch, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng. Tiền ảo Pi đến lúc này vẫn vô giá trị, còn trạng thái của dự án vẫn là "mainet kín".
Ý kiến ()