Tất cả chuyên mục

Theo nghiên cứu của WHO, hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 9 trong số 10 người đang hít thở không khí có chứa mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo.
Năm chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong không khí
Theo UNEP hằng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh lý, nhiễm trùng liên quan đến ô nhiễm không khí. Số người tử vong do ô nhiễm không khí cao hơn năm lần số người tử vong do tai nạn giao thông, và nhiều hơn số người tử vong chính thức do COVID-19.
Ô nhiễm không khí cũng liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu vì các chất gây ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn như: metan, carbon đen và ozone mặt đất…
Theo UNEP có năm chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong môi trường không khí đó là: bụi mịn PM2.5, ozone mặt đất, nitơ dioxide, carbon đen, metan.
Trong đó các hạt bụi mịn PM2.5 sinh ra từ việc đốt nhiên liệu không sạch để nấu ăn hoặc sưởi ấm, đốt chất thải - phụ phẩm nông nghiệp, các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải... Lo ngại hơn khi các hạt PM2.5 xâm nhập sâu vào máu, phổi sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh tim, phổi, đột quỵ, ung thư.
Bên cạnh đó việc tiếp xúc với ozone mặt đất gây ra ước tính 472.000 người tử vong sớm mỗi năm trên thế giới.
Không chủ quan với ô nhiễm không khí
Trong khi đó, nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Văn Phước (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cùng các cộng sự công bố với nhiều con số đáng chú ý.
Cụ thể, trong tổng 1.397 ca tử vong tại TP.HCM năm 2017, số người tử vong do bệnh tim và phổi là cao nhất (841 người, chiếm 60,20%), đứng thứ hai là bệnh tim thiếu máu cục bộ (483 người, chiếm 34,57%) và cuối cùng là ung thư phổi (73 người, chiếm 5,23%).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bụi mịn PM2.5 có ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe, là nguyên nhân tử vong của 1.137 người (81,32%), sau đó đến NO2 (171 người, chiếm 12,31%) và cuối cùng là SO2 (88 người, chiếm 6,37%).
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong khoảng 13,46% số ca tử vong tại TP.HCM.
Theo nghiên cứu của WHO cũng cho thấy hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Trao đổi với PV, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Vũ Văn Giáp cho hay bên cạnh việc thực hiện biện pháp phòng tránh, mỗi người dân cần chung tay góp một việc nhỏ để bảo vệ môi trường sống trong lành hơn.
Ý kiến ()