Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:40 (GMT +7)
Người Châu Á đón Giáng sinh như thế nào?
Thứ 4, 14/12/2022 | 21:39:21 [GMT +7] A A
Không giống như các nước Châu Âu, người Châu Á đón Giáng sinh theo cách riêng nhưng cũng vô cùng thú vị và hấp dẫn.
Nhật Bản
Phần lớn người Nhật theo đạo Phật và theo đạo Shinto nên Giáng sinh là dịp tụ tập vui vẻ và lãng mạn hơn là thánh lễ. Các gia đình thường quây quần trong dịp này, cùng trao đổi quà tặng hoặc cùng nhau đi chơi. Trong khi đó, các cặp đôi coi Giáng sinh gần giống như ngày lễ tình nhân và làm điều gì đó đặc biệt với nhau, bao gồm cả quà tặng.
Các cửa hàng, trung tâm thương mại được trang trí đẹp mắt theo mùa, bán các mặt hàng theo chủ đề và các set ăn độc đáo cho thực khách thưởng thức. Đặc biệt, KFC đồng nghĩa với Giáng sinh ở Nhật Bản. Đó là nhờ chiến dịch thành công vang dội năm 1974, khi KFC liên kết gà rán với mùa Giáng sinh, giống như gà tây ở phương Tây. Ngày nay, suất ăn cố định Giáng sinh của KFC Nhật Bản phổ biến đến mức người dân phải đặt hàng trước nếu muốn thưởng thức vào ngày này.
Hàn Quốc
Những người theo đạo Cơ đốc chiếm khoảng 30% dân số Hàn Quốc, do đó Giáng sinh sẽ có các lễ kỷ niệm ở nhà thờ, với trẻ em hát mừng. Tuy nhiên, 70% còn lại chỉ coi đây là một ngày lễ để vui vẻ, nghỉ ngơi. Sau đó, họ sẽ có kỷ nghỉ đông kéo dài 1 tuần vào đầu năm mới.
Ở Hàn Quốc, việc trao đổi quà tặng không quá phổ biến vào dịp Giáng sinh. Nhưng họ sẽ tổ chức những bữa tối thịnh soạn bên gia đình và những người thân yêu. Các món ăn thường bao gồm thịt bò nướng Bulgogi, kim chi, mỳ khoai lang, bánh Giáng sinh trái cây hay tiệc bánh ngọt tráng miệng theo kiểu Hàn Quốc...
Ngoài ra, Giáng sinh còn có nhiều sự kiện độc đáo ở Seoul và Busan. Everland và Lotte World - hai công viên giải trí nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc sẽ trang trí theo chủ đề Giáng sinh tuyệt vời và tổ chức các hoạt động lễ hội. Các sự kiện như Lễ hội Ánh sáng Đảo Herb ở Pocheon, Lễ hội Cây Giáng sinh Busan ở Nampodong với đường hầm dài 300m chứa những tấm thiệp ước nguyện hay Cây Điều ước tuyệt đẹp và ý nghĩa, các cuộc biểu diễn đường phố, hòa nhạc, cuộc thi chụp ảnh... sẽ khiến du khách thích thú ở ngoài cả ngày mà không biết chán.
Trung Quốc
Mặc dù không phải là một ngày lễ chính thức ở Trung Quốc, nhưng ý tưởng tổ chức lễ Giáng sinh đã bắt đầu tại nước này trong những thập kỷ gần đây. Các khu vực chức Giáng sinh chủ yếu ở các thành phố giàu có, ven biển quốc tế, đặc biệt là ở Thượng Hải.
Giáng sinh "Tây hóa" chủ yếu được tổ chức ở Hong Kong, Macao và Đài Loan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn ở nhiều đô thị của Trung Quốc cũng treo đèn và đồ trang trí lộng lẫy, bày bán các mặt hàng quà tặng đặc biệt. Những quả táo Giáng sinh được bọc giấy bóng kính đầy màu sắc là một trong số đó.
Ở đây, ông già Noel được gọi là "ông già Giáng sinh" và đi cùng với hai yêu tinh nữ trong các buổi biểu diễn. Một số ông già Giáng sinh thậm chí còn chơi nhạc với các nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc. Có thể bạn chưa biết, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu đồ trang trí Giáng sinh lớn nhất thế giới.
Thái Lan
Tương tự như nhiều nước châu Á, Giáng sinh là một ngày làm việc bình thường ở Thái Lan. Khoảng 85% người Thái theo đạo Phật, 14% theo đạo Hồi, chỉ 1% theo đạo Thiên Chúa và các tôn giáo khác. Nhưng tại các điểm tập trung khách du lịch, đặc biệt là ở Bangkok vẫn trang trí lộng lẫy, tô điểm cho các đường phố và trung tâm thương mại nổi tiếng ngày Giáng sinh. Tại đây cũng tổ chức các buổi biểu diễn đặc biệt thu hút người dân và du khách.
Malaysia và Singapore
Có lẽ Malaysia và Singapore là hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất tổ chức kỷ niệm cho tất cả các tín ngưỡng.
Singapore trang hoàng Giáng sinh hào nhoáng và rực rỡ hơn, nhưng cả hai quốc gia đều tổ chức chỉn chu và có lễ hội ở các điểm thương mại nổi tiếng. Bên cạnh những món quà, bữa tối tập thể và tiệc tùng nói chung, pháo hoa cũng là thứ không thể thiếu trong đêm Giáng sinh. Đối với những người không theo tôn giáo đặc biệt, đó là một đêm dành cho một số bữa tiệc hoành tráng.
Philippines
Trong số tất cả các nước Đông Nam Á, Giáng sinh được tổ chức nhiều nhất ở Philippines vì nhiều người theo đạo Thiên chúa ở đây. Trên thực tế, người ta bắt đầu trang trí nhà cửa, đường phố, bật những bài hát mừng từ tháng 9. Các lễ hội chính thức sẽ khởi động từ ngày 16.12 và tiếp diễn đến hết Giáng sinh.
Những chiếc đèn lồng hình ngôi sao truyền thống làm bằng tre và giấy được gọi là "parols" ở khắp mọi nơi, Ngôi sao Bethlehem được coi như một biểu tượng của hy vọng và thiện chí. Các cuộc diễu hành và biểu diễn đường phố lớn cũng là một hoạt động không thể thiếu trong dịp Giáng sinh ở các thành phố trung tâm của Philippines.
Việt Nam
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người Việt Nam theo đạo Thiên chúa và Giáng sinh không phải là ngày nghỉ lễ ở nước ta. Nhưng, lễ kỷ niệm vẫn diễn ra náo nhiệt tại đây, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Mọi người hòa mình vào không khí Giáng sinh bằng cách trang hoàng nhà cửa, tổ chức các buổi tụ họp nhóm lớn và ăn uống, hay dạo chơi, chụp ảnh quanh các công trình trang trí đẹp mắt trong thành phố.
Một số khu dân cư Công giáo dựng cảnh Chúa giáng sinh khổng lồ trước nhà của họ. Những người trẻ tuổi cũng thích trao đổi quà tặng, thiệp mừng, thưởng thức những chiếc bánh kem socola hình khúc gỗ vào dịp đặc biệt này.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()