Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:49 (GMT +7)
Người cao tuổi là động lực cho sự phát triển của xã hội
Thứ 2, 01/10/2018 | 22:26:17 [GMT +7] A A
Suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, người cao tuổi Việt Nam đóng vai trò quan trọng, là động lực cho sự phát triển của xã hội.
Người cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Trong thời kỳ đổi mới, người cao tuổi không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho thế hệ trẻ, mà còn phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của mình trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Chỗ dựa tinh thần vững chắc trong gia đình
Thống kê gần đây của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương 11% dân số; riêng số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, gia đình là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ kia như một cầu nối giữa cá nhân và xã hội, bảo đảm tính liên tục của văn hóa. Chính vì vậy, người cao tuổi không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong gia đình, mà còn có vai trò khởi nguồn, là trụ cột tác động thường xuyên và có tính quyết định trong việc hình thành, lưu giữ và truyền thụ các giá trị văn hóa cho các thế hệ sau.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thời gian, sự trải nghiệm và cách sống mẫu mực hàng ngày chính là bài học về văn hóa có sức truyền cảm trực tiếp, mạnh mẽ và thâm sâu vào các thế hệ. Thông qua lời nói, việc làm, ứng xử với các thành viên trong gia đình và xã hội... những giá trị và chuẩn mực của gia đình được nuôi dưỡng, gìn giữ…
Nhờ những kinh nghiệm và tri thức sống, người cao tuổi trở thành cột trụ hướng dẫn, uốn nắn cho các thành viên trong gia đình hành động theo nền nếp đã được định sẵn. Chính những điều đó hình thành nên cách sống, “gia phong” của gia đình. Từ đó, mỗi gia đình, làng xóm có những tập quán, nét văn hóa riêng. Tất cả những điều đó tạo thành thói quen, nét đẹp và văn hóa.
Phong trào "Tuổi cao nêu gương sáng" được phát động trên toàn quốc những năm gần đây đã khẳng định những đóng góp quan trọng của người cao tuổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người cao tuổi ở các địa phương tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể từ thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, vận động gia đình, xã hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và động viên con cháu học tập tốt, không bỏ học giữa chừng.
Trong Hội nghị biểu dương vai trò của người cao tuổi, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, với tư cách là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tiếng nói có uy tín trong cộng đồng, người cao tuổi có thể phát huy vai trò là người vận động tư vấn, giám sát, phản biện, tổ chức các hoạt động tự quản trong dân cư. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục dành sự quan tâm ủng hộ động viên người cao tuổi phát huy vai trò vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, thông qua sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cần tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể ý nghĩa, thiết thực, phát huy trí tuệ sức mạnh của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tấm gương trong phát triển kinh tế
Trong 5 năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi đã được người cao tuổi trên khắp mọi miền Tổ quốc hưởng ứng, phát triển sâu rộng, thu được nhiều kết quả thiết thực, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, khắp các vùng miền trong cả nước. Người cao tuổi làm giàu cho gia đình, động viên, hỗ trợ con cháu thực hiện chương trình khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người nghèo ngày càng thiết thực, có hiệu quả.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thị Hải Chuyền cho biết, đến nay, cả nước đã có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Phong trào xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu, xuất sắc, nhiều người cao tuổi được phong tặng các danh hiệu, bằng khen, phần thưởng cao quý của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi được tôn vinh ở các cấp. Điểm sáng chung nhất của các điển hình là ý chí và nghị lực, tinh thần quyết tâm vượt khó, biết tận dụng thời cơ để làm kinh tế có hiệu quả, làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình, cho quê hương, đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Chuyền, những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã xuất hiện trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại... đúc kết nhiều bài học sâu sắc về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp, phát triển gắn với an sinh xã hội...
Hầu hết người cao tuổi làm kinh tế giỏi gắn bó mật thiết với cộng đồng, xã hội, luôn mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ những người còn khó khăn; quan tâm tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Phát biểu tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, người cao tuổi không chỉ là chỗ dựa về tinh thần mà còn làm ra của cải vật chất, quan trọng hơn là làm ra những điều tốt đẹp nhân rộng trong xã hội. Phó Thủ tướng mong rằng những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi nói riêng và tất cả hội viên của Hội Người cao tuổi nói chung tiếp tục làm thật tốt vai trò phát triển kinh tế, đồng thời chú ý đến môi trường và đặc biệt các vấn đề xã hội.
Hơn lúc nào hết, những tấm gương làm kinh tế giỏi góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nhân rộng những giá trị tốt đẹp của cơ sở, doanh nghiệp mình là vô cùng thiết thực, đáng quý. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện để Hội Người cao tuổi nói chung và các điển hình có khát vọng làm kinh tế ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới
Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng và bảo vệ biên cương của Tổ quốc, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai chương trình "Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, vùng biển".
Tổng kết giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) cho thấy uy tín, vai trò quan trọng của đội ngũ người cao tuổi ở địa phương ngày một nâng cao. Thông qua chương trình phối hợp đã có hơn 1.200 cán bộ Hội người cao tuổi các cấp được tập huấn về tình hình và kiến thức biên giới, biển, đảo; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình, dòng họ, con, cháu tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo, với hơn 3 triệu lượt người tham dự.
Đặc biệt, trong 5 năm, đã có hơn 28.000 tổ tự quản, gần 794.000 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản biên giới, bờ biển. Hội Người cao tuổi của 1.000 xã thuộc 44 tỉnh, thành phố có biên giới, biển đảo đã ký kết chương trình phối hợp với các đồn Biên phòng và cung cấp hơn 9.000 tin có giá trị phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự và đấu tranh với các loại tội phạm; vận động tố giác 420 vụ tội phạm; ngăn chặn 230 vụ tuyên truyền đạo trái pháp luật; phối hợp giáo dục, cảm hóa 518 đối tượng vi phạm pháp luật...
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho biết, chương trình phối hợp giữa Hội Người cao tuổi với Bộ đội Biên phòng đã thực hiện được nhiều nội dung hiệu quả, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được âm mưu, thủ đoạn, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; thấy được tầm quan trọng của công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hiểu rõ chủ trương xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn. Qua việc những việc làm thiết thực này, người cao tuổi đã giúp cho hội viên cũng người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm bảo vệ biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới...
Theo Đỗ Bình (TTXVN)
Liên kết website
Ý kiến ()