Người bị viêm thanh quản nên ăn uống nhiều nước, rau quả, thức ăn mềm, tránh dùng thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, caffein.
BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, việc lựa chọn các thực phẩm phù hợp không chỉ hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm thanh quản mà còn giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng và sớm hồi phục.
Thực phẩm nên ăn
Bệnh viêm thanh quản gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như các cơn ho dai dẳng, tình trạng khô, ngứa, đau rát cổ họng, khàn tiếng, khó nuốt... Để giảm kích thích và tổn thương vùng cổ họng, người bệnh cần ưu tiên các loại thực phẩm mềm, giàu dinh dưỡng, nhất là cung cấp đủ nước cho cơ thể để luôn giữ ẩm cho vùng họng thanh quản.
Uống nhiều nước
Người bị viêm thanh quản cần uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Bác sĩ Hằng khuyên người bệnh nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể cần. Nếu trong điều kiện thời tiết nóng bức, đổ mồ hôi nhiều, bạn sẽ cần uống thêm để bù lại lượng nước thất thoát. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống nước ép trái cây, rau củ hoặc nước dùng để làm giảm tình trạng khô, đau rát họng thanh quản.
Ăn thức ăn mềm
Việc ăn uống của người bệnh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi các món ăn được chế biến ở dạng mềm, lỏng, dễ nhai. Các món cháo, súp, nhất là súp gà với rau củ cắt nhỏ vừa giúp giảm đau vùng cổ họng, vừa cung cấp protein dồi dào cho người bệnh.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa (loại ít béo) rất tốt cho người bệnh viêm thanh quản vì chúng bổ sung protein, vitamin D và canxi dồi dào cho cơ thể. Người bệnh được khuyên dùng sữa chua vì thực phẩm này không chỉ dễ ăn mà còn chứa nhiều lợi khuẩn có tác dụng tốt trong hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm tình trạng trào ngược dạ dày lên vùng họng thanh quản.
Trái cây và rau xanh
Các loại trái cây và rau xanh như cải bó xôi, cải xoăn, khoai tây, cà rốt, đu đủ, dâu tây, chuối... cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất, giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Khi chế biến các loại rau củ, bạn nên cắt nhỏ và nấu chín để dễ nhai và dễ tiêu hóa, đồng thời hạn chế cho quá nhiều gia vị để tránh gây kích thích đến vùng cổ họng.
Mật ong
Mật ong là một trong những thực phẩm được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến những món ăn cho người bị viêm thanh quản. Không chỉ đơn thuần là một nguyên liệu trong nấu nướng, mật ong còn được biết đến như một vị thuốc tự nhiên với tác dụng phòng chống viêm, kháng khuẩn và giảm ho.
Người bệnh có thể uống mật ong nguyên chất, thêm mật ong vào các món ăn hoặc pha mật ong với nước ấm, nước chanh hoặc cam để uống hàng ngày.
Gừng
Gừng có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn mạnh, sử dụng gừng thường xuyên có thể giúp làm dịu cơn đau họng và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, loại gia vị này còn có tác dụng tăng cường miễn dịch và sức đề kháng.
Người bệnh có thể sử dụng gừng theo nhiều cách khác nhau. Đơn giản nhất là lấy gừng tươi gọt vỏ, giã nát, cho vào nước sôi để uống mỗi sáng hoặc pha trà gừng mật ong, vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe.
Thực phẩm nên kiêng
Ngoài những thực phẩm nên bổ sung, người bệnh cũng cần biết viêm thanh quản kiêng ăn gì để tránh vùng cổ họng tổn thương nặng hơn. Bệnh nhân cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm sau:
Thực phẩm cay, chua, nóng
Thức ăn cay, nóng như ớt, tiêu, mù tạt, cà ri, nước sốt nóng, nhiều axit... có thể gây kích ứng cổ họng, ảnh hưởng dạ dày, khiến tình trạng viêm thanh quản trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh nên tránh những thực phẩm này, ít nhất là cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
Thực phẩm gây dị ứng
Ăn phải thức ăn mình bị dị ứng khi đang mắc viêm thanh quản có thể kiến bệnh nặng hơn. Trong trường hợp dị ứng nặng, gây phù nề thanh môn, khó thở, người bệnh có thể gặp phải cơn sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh nên kiểm tra kỹ thực đơn xem có thành phần nào bản thân bị dị ứng hay không. Một số loại thực phẩm gây dị ứng thường gặp bao gồm cá, hải sản, lạc (đậu phộng), các loại hạt, sữa bò... Các tác nhân gây dị ứng đến từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, mạt bụi... cũng nên cẩn thận.
Thức ăn có nhiều dầu mỡ
Các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ như đồ chiên, xào... sẽ gây kích ứng cổ họng, khiến bệnh kéo dài và khó hồi phục. Chúng còn chứa nhiều chất béo gây hại và nhiều calo, gây tăng cân và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan khác của cơ thể.
Thức uống có cồn hoặc caffeine
Rượu, bia, cà phê là các chất kích thích, có thể khiến cơ thể bị mất nước khiến cổ họng thêm khô, ngứa và đau rát. Người bệnh cũng nên hạn chế các loại nước có gas vì chúng có thể dẫn đến hoặc làm nặng thêm tình trạng trào ngược axit dạ dày - một trong những nguyên nhân thường gặp gây viêm thanh quản cấp và mạn tính.
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý khi mắc viêm thanh quản là rất quan trọng để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Kết hợp điều trị nội khoa đúng cách và nghỉ ngơi, viêm thanh quản cấp ở người trưởng thành thường sẽ khỏi hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Đối với viêm thanh quản cấp ở trẻ em, bệnh sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn vì có thể gây ra tình trạng khó thở và nguy hiểm cho trẻ.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản
Bác sĩ Hằng khuyến cáo, để chăm sóc tốt trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần giúp trẻ kiêng nói, tránh la khóc. Trẻ cần uống nhiều nước ấm và ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng để tăng sức đề kháng. Bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ một loại thuốc nào cho trẻ, kể cả thuốc hạ sốt không kê đơn.
Bố mẹ cần theo dõi trẻ liên tục để kịp thời nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ có những dấu hiệu như thở rít ngay cả khi nằm yên; có dấu hiệu khó thở, thở bất thường, phập phồng cánh mũi; há miệng khi thở và chảy nước miếng; mệt nhiều hoặc sốt cao trên 39 độ C; tình trạng viêm thanh quản không thuyên giảm sau 3 ngày.
Ý kiến ()