Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:29 (GMT +7)
Người bị viêm loét dạ dày có uống cà phê được không?
Thứ 5, 22/12/2022 | 11:19:09 [GMT +7] A A
Cà phê là thức uống không thể thiếu của rất nhiều người để bắt đầu một ngày mới. Tuy nhiên, theo bác sĩ người mắc bệnh lý dạ dày không nên uống vì chất cafein trong cà phê có thể gây hại dạ dày.
Hiện nay, cuộc sống với nhiều lo toan bộn bề, căng thẳng, ức chế khiến dạ dày của chúng ta nhiều lần "biểu tình". Vậy chúng ta nên tiếp tục sở thích này hay lắng nghe cơ thể mình để thay đổi?
Theo ThS.BS Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K (Hà Nội) cà phê là thức uống phổ biến ở nhiều người, nhiều lứa tuổi, ở cả 2 giới, tuy nhiên với những người có bệnh lý dạ dày rất không nên uống. Lý do vì cafein và các axit trong cafe có khả năng làm gia tăng tiết các dịch vị khiến các tổn thương của bệnh lý viêm loét dạ dày nặng hơn.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết cà phê là một đồ uống được liệt vào chất kích thích không khuyến khích uống quá nhiều, không nên uống liên tục trong một ngày. Theo đó, có thể thay thế các đồ uống khác có lợi cho sức khỏe chứ không nên chỉ uống cà phê.
Người bình thường có thể uống khoảng 250- 400mg cafein (tương đương 2-3 ly) một ngày. Tuy nhiên, người mắc các bệnh lý mãn tính (như bệnh lý tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) khi dùng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ. Vì cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Đáng lưu ý, người Việt chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ cứ tưởng mình bình thường mà không hề hay biết đang có bệnh tiềm ẩn. Khi đó nếu sử dụng quá nhiều các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… thì rất nguy hiểm.
Tác hại của việc uống nhiều cà phê
Cà phê là thức uống có giá trị dinh dưỡng. Cà phê chứa lipid, protid, chất khoáng. Nó cũng chứa cafein nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch. Trong cà phê lượng cafein là 0,6-2,4%.
Vì vậy, khi chúng ta dùng nhiều cà phê thì không có lợi cho sức khỏe. Hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt đối với những người bị tim, tăng huyết áp không nên dùng cà phê.
Cafein giúp tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên, ở liều cao hơn, nó có thể dẫn đến lo lắng và hồi hộp. Tiêu thụ hàng ngày quá cao từ 1.000 mg trở lên mỗi ngày đã được báo cáo là gây ra căng thẳng, bồn chồn và các triệu chứng tương tự ở hầu hết mọi người, trong khi ngay cả một lượng vừa phải cũng có thể dẫn đến tác dụng tương tự ở những người nhạy cảm với cafein.
Ngoài ra, liều lượng khiêm tốn đã được chứng minh là gây thở nhanh và tăng mức độ căng thẳng.
Cà phê cũng có thể khiến bạn mất ngủ. Điều quan trọng là, lượng cafein bạn có thể tiêu thụ mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn sẽ phụ thuộc vào di truyền và các yếu tố khác.
Ngoài ra, cafein tiêu thụ muộn hơn trong ngày có thể cản trở giấc ngủ vì tác dụng của nó có thể mất vài giờ. Bạn nên dùng cà phê vào buổi sáng, không nên dùng trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, một tách cà phê buổi sáng có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, bản thân cafein dường như cũng kích thích nhu động ruột bằng cách tăng nhu động ruột, các cơn co thắt để di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa của bạn. Với tác dụng này, không có gì ngạc nhiên khi liều lượng lớn cafein có thể dẫn đến phân lỏng, thậm chí tiêu chảy ở một số người.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()