Đây là kết quả nghiên cứu "Điều tra nền kinh tế 2030" do tổ chức tư vấn Resolution Foundation và Trung tâm Hiệu suất Kinh tế (Trường Kinh tế London) vừa công bố. Theo đó, các hộ gia đình thông thường ở Anh có thu nhập trung bình thấp hơn 8.300 bảng (khoảng 10.500 USD) so với các hộ ở Pháp, Đức, Hà Lan, Australia và Canada. Nếu tính giữa các hộ gia đình nghèo nhất thì khoảng cách đến 37%.
Những năm 1990 và đầu 2000, Anh đã bắt kịp năng suất với Pháp, Đức và Mỹ. Tuy nhiên, từ giữa những năm 2000, hiệu suất giảm dần. Suốt 13 năm qua, tốc độ tăng năng suất nước này chỉ bằng một nửa so với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Kinh tế trì trệ đã khiến một lao động trung bình ở Anh mất khoảng 10.700 bảng (khoảng 13.570 USD) mỗi năm do sự chậm trễ trong tăng trưởng lương thực tế. Khoảng 9 triệu lao động trẻ chưa từng làm việc trong một nền kinh tế có sự tăng trưởng lương trung bình liên tục. Hiện mức sống ở Anh thấp hơn 3% so với mức đỉnh vào năm 2020 và đang tiếp tục giảm.
Cùng với đó, bất bình đẳng trong xã hội Anh và chênh lệch về năng suất lớn giữa các địa phương cũng là nguyên nhân lớn. Ví dụ, London có năng suất cao hơn Manchester đến 41%, trong khi Paris chỉ có năng suất cao hơn Lyon 26%.
Nghiên cứu đề xuất chính phủ Anh tăng chi tiêu vốn lên 3% GDP để bắt kịp khoảng cách mức sống với các láng giềng châu Âu, bằng nguồn tiết kiệm nội địa chứ không nên vay mượn từ nước ngoài. "Nếu đầu tư kinh doanh của Anh ngang bằng với mức trung bình của Pháp, Đức và Mỹ kể từ năm 2008, GDP của chúng ta sẽ cao hơn gần 4% so với hiện tại, và tăng trưởng lương khoảng 1.250 bảng mỗi năm", nghiên cứu đánh giá.
Torsten Bell, CEO Resolution Foundation cho rằng đã đến lúc Anh bắt đầu đầu tư vào tương lai thay vì sống dựa vào quá khứ. "Bị tụt lại phía sau rất xa, giờ đây chúng ta có một lợi thế rất lớn là tiềm năng bắt kịp. Thu hẹp khoảng cách với các nước như Australia, Pháp và Đức sẽ gia tăng mức sống rất lớn", ông nhận định.
Khi các hộ gia đình ở Anh tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, Thủ tướng Rishi Sunak sẽ phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào năm tới trong bối cảnh áp lực xung quanh thành tích điều hành kinh tế của đảng Bảo thủ.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer nói rằng đang có những hạn chế về tài chính. "Bất kỳ ai mong đợi chính phủ sắp tới của đảng Lao động sẽ nhanh chóng kích hoạt các khoản chi tiêu đều sẽ thất vọng", ông tuyên bố. Ông cũng lập luận rằng vị thế của Anh đã giảm sút trong những năm gần đây.
Ý kiến ()