Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:25 (GMT +7)
Ngừng việc tập thể dịp đầu năm: Nguyên nhân chủ yếu vì tiền lương
Thứ 4, 16/02/2022 | 16:52:39 [GMT +7] A A
Tính chất và quy mô các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra đầu năm nay không phức tạp so với các năm trước đồng thời đã giảm 20% so với năm 2021.
Đã có 3 cuộc ngừng việc tập thể xảy ra ngay sau Tết Nguyên đán, nguyên nhân của các cuộc ngừng việc tự phát này đều liên quan đến vấn đề tiền lương, phúc lợi của người lao động. Mặc dù vẫn xảy ra ngừng việc tập thể nhưng nhìn chung tình hình tranh chấp lao động trong phạm vi cả nước thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay đã giảm so với năm 2021.
28 cuộc ngừng việc trong 6 tuần
Ba cuộc ngừng việc sau Tết diễn ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Viet Glory (Nghệ An) với 5.000/5.000 người lao động tham gia; tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Vienergy (Ninh Bình) với 5.300/5.300 người lao động tham gia ngừng việc; tại trụ sở xưởng sản xuất chính và chi nhánh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Mậu (Thái Bình) đã xảy ra tình trạng người lao động tự phát ngừng việc…
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 6 tuần đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 12 tỉnh, thành phố, giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2021 (xảy ra 35 cuộc), tương đương với mức giảm 20%.
Trong dịp đầu năm nay, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với Tết 2021, điều kiện trả thưởng…
Trong số các cuộc ngừng việc tập thể dịp đầu năm, điển hỉnh nhất là cuộc ngừng việc xảy ra trước Tết Nguyên đán tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouchen Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai. Cuộc ngừng việc kéo dài 4 ngày với sự tham gia của hơn 16.000 lao động. Tập thể người lao động không đồng ý việc công ty ra thông báo giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%.
Các vụ ngừng việc của người lao động đều có nguyên nhân là người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc COVID-19; phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng; thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…
Ngoài các nguyên nhân trên, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng để xảy ra mâu thuẫn còn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp; điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém...
Tăng cường đối thoại, thương lượng
Ngay khi các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra, tổ chức công đoàn đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết. Với sự vận động, thuyết phục, hỗ trợ của tổ chức công đoàn cùng các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ của người lao động để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, toàn bộ người lao động tại các công ty đã quay trở lại làm việc.
Theo ông Phan Văn Anh, năm 2022 với chủ đề năm là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động,” các cấp công đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quan hệ lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đã yêu cầu các các cấp công đoàn thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, nhừng việc tập thể.
Các cấp công đoàn phải tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động.
Đặc biệt, tổ chức công đoàn cần tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ công đoàn, doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.
Đối với các địa phương, đơn vị có đông người lao động, các cấp công đoàn chủ động nắm thông tin về số lượng, địa chỉ, tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động… Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên cần thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất theo vụ việc.
Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các cấp công đoàn phải kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan; thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng Zalo hoặc hình thức phù hợp nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình.
Theo ông Phan Văn Anh, các cấp công đoàn cần chủ động phối hợp với chính quyền, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()