Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:34 (GMT +7)
"Mở biển" đầu năm
Thứ 6, 10/02/2023 | 08:22:36 [GMT +7] A A
Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, người dân làm nghề đánh bắt thủy, hải sản trên địa bàn Quảng Ninh đã sẵn sàng ra khơi để thu “lộc biển” đầu năm. Với các ngư dân, chuyến đi biển đầu năm chứa đựng nhiều ý nghĩa, là chuyến khởi hành mở biển suôn sẻ, thuận lợi, hứa hẹn một năm đánh bắt bội thu.
Kỳ vọng một năm bội thu
Có mặt tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá thôn Tiến Tới, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà vào những ngày này có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngư dân tại đây đang chuẩn bị tàu, thuyền, đồ dùng để ra khơi đánh bắt thủy, hải sản, khởi đầu cho một năm mới. Không khí tại cảng khá nhộn nhịp, tiếng cười nói xen lẫn lời chúc mừng năm mới của ngư dân khiến cảng cá những ngày đầu năm thêm phần rộn rã.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Tân, Bí thư Chi bộ biển (Đảng bộ xã Đường Hoa): Hiện nay, trên địa bàn xã có 134 phương tiện tàu thuyền khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ. Ngày từ mùng 6 tháng Giêng, nhiều ngư dân trên địa bàn đã bắt đầu chuẩn bị tàu thuyền, ngư cụ, thực phẩm, đồ dùng… để ra khơi chuyến đầu tiên sau Tết. Đến hết tháng Giêng là tất cả tàu cá trên địa bàn xã Đường Hoa sẽ đồng loạt ra khơi. Năm mới, ai cũng hy vọng mang về nhiều thắng lợi cho gia đình để có một khởi đầu thuận lợi.
Anh Lê Khắc Minh, chủ tàu QN 90092TS (thôn Tiến Tới, xã Đường Hoa), cho biết: Dù vui xuân, đón Tết, nhưng những ngày qua tôi cùng mọi người trên tàu cũng đã tranh thủ chuẩn bị nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho chuyến nhổ neo ra khơi đầu năm. Dự kiến tàu chúng tôi sẽ khởi hành vào chiều 15 tháng Giêng và sẽ thả neo đánh bắt tại vùng biển phía Đông đảo Trần (Cô Tô) trong 5 ngày. Hy vọng, chuyến đi biển này sẽ thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng, trúng được nhiều "lộc biển” để khởi đầu một năm thuận lợi.
Cũng theo nhiều ngư dân chia sẻ, năm nay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời tiết rất đẹp, thuận lợi, có thể sẽ cho một vụ mùa bội thu thủy sản. Ông Đinh Như Đoàn, chủ tàu QN 90919TS (thôn 9, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà), cho biết: Năm nay chi phí dầu máy, thực phẩm đã ổn định hơn, nên chúng tôi cũng yên tâm khi chuẩn bị ra khơi. Tôi gắn bó với nghề biển gần 20 năm nay, đã trải qua rất nhiều vui buồn trong công việc, vì vậy mỗi lần ra khơi được thời tiết ủng hộ, chúng tôi rất vui mừng. Đối với những ngư dân như chúng tôi, ra khơi bám biển cũng là mong muốn góp phần giữ gìn biển đảo quê hương, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
“Mở biển” từ sớm và vừa trở về sau một chuyến đi dài ngày, gia đình anh Hoàng Văn Phúc (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà), chia sẻ: Năm nay, nhận thấy thời tiết ủng hộ, gia đình tôi quyết định ra khơi sớm từ mùng 4 Tết. Chuyến đi kéo dài hơn 10 ngày và rất thuận lợi, gia đình tôi thu hoạch được rất nhiều tôm, cá, ghẹ, ruốc… các loại. Sau khi trừ chi phí ra khơi, chuyến ra khơi đầu năm nay gia đình cũng thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Toàn huyện Hải Hà có 282 tàu cá trên 6m và dưới 12m; 72 tàu cá có chiều dài 12m đến dưới 15m; 40 tàu cá có chiều dài 15m trở lên. Dự kiến, trong tháng Giêng, tất cả các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản xa bờ trên địa bàn huyện có đủ điều kiện đều sẽ ra khơi khai thác chuyến đầu năm. Các phương tiện ra khơi phải thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính, khai báo với cơ quan chức năng về hành trình, điểm đến… Đồng thời, lực lượng chức năng của huyện cũng thực hiện nghiêm việc nhắc nhở chủ tàu thực hiện kỹ lưỡng công tác kiểm tra đảm bảo phương tiện an toàn; tuyên truyền và nhắc nhở chủ tàu, các thuyền viên thực hiện khai thác thủy, hải sản đúng quy định, tuyệt đối không vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).
Thời điểm này, cùng với ngư dân trên địa bàn Hải Hà, ngư dân tại các địa phương khác như: Móng Cái, Đầm Hà, Quảng Yên, Vân Đồn… cũng đang tất bật chuẩn bị tất cả những điều kiện cần thiết để ra khơi, mang theo kỳ vọng về một năm tàu, thuyền đầy tôm, cá...
Quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Quảng Ninh có vùng biển hơn 600km2, trên 200 hòn đảo lớn, nhỏ, với nhiều bến bãi, vụng, vịnh, luồng, lạch. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 6.252 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, 1.676 tàu cá có chiều dài dưới 6m; 3.610 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 964 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên và 210 tàu từ 15m trở lên.
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm soát việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, từ đó ý thức của ngư dân trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Ngư dân có ý thức hơn trong việc đưa tàu cá về cảng để thực hiện việc khai báo, bốc dỡ sản phẩm thủy sản; 100% tàu cập cảng ghi chép nhật ký khai thác; toàn bộ tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình và được cấp giấy chứng nhận ATTP, đạt 100% tàu cá phải thực hiện theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đã được cập nhật thông tin vào hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tỷ lệ ngư dân chấp hành nghiêm chỉnh việc khai thác thủy sản đúng theo quy định đạt trên 97%...
Anh Vũ Văn Chuyển, chủ tàu QN 90584TS (TX Quảng Yên), cho biết: Tôi đã làm nghề đánh bắt thủy sản được hơn 20 năm. Trước kia, việc đánh bắt thủy sản còn tràn lan, xảy ra rất nhiều tình trạng khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, được các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, bản thân tôi đã hiểu thêm nhiều điều về những quy định trong khai thác thủy sản. Tôi luôn ý thức, nếu ai cũng đánh bắt thủy sản tận diệt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đến sự phát triển chung của giống thủy sản và ảnh hưởng chính đến thu nhập, cuộc sống của bản thân, gia đình, chính vì vậy, tôi sẽ luôn thực hiện nghiêm túc việc khai thác thủy sản theo quy định. Đồng thời, sẽ tuyên truyền cho các ngư dân khác không khai thác thủy sản trái phép, tận diệt và kịp thời báo cáo với lực lượng chức năng những trường hợp vi phạm để xử ký kịp thời.
Hiện nay phần lớn ngư dân trên địa bàn tỉnh đều có ý thức tốt, tuân thủ nghiêm luật khai thác, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn số ít ngư dân bất chấp, dùng các ngư cụ cấm để thực hiện khai thác trái phép thủy sản. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới nguồn lợi thủy sản, môi trường đánh bắt tự nhiên chung. Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc chung tay cùng ngành Thủy sản Việt Nam quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” về IUU, của Ủy ban châu Âu.
Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản... Trong quá trình xử lý vi phạm, chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền, giáo dục, để ngư dân hiểu được hành vi vi phạm và tác hại của việc sử dụng công cụ cấm đối với môi trường. Từ đó, giúp họ chủ động nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và ý thức cao hơn trong khai thác, bảo vệ môi trường biển.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, với sự ủng hộ của thời tiết và sự chủ động ra khơi của ngư dân, tổng sản lượng khai thác thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 11.728 tấn, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 35,36% kịch bản tăng trưởng quý I/2023. Trong đó, riêng sản lượng khai thác ước đạt 5.623 tấn, đạt 943% so với cùng kỳ, bằng 31,63% kịch bản tăng trưởng.
Trong thời gian tới, để ngư dân yên tâm bám biển, tỉnh cùng các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích, vận động và hỗ trợ các chủ phương tiện cải hoán tàu thuyền, nâng cấp đội tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển, phấn đấu khai thác đạt và vượt chỉ tiêu 75.000 tấn thuỷ, hải sản các loại trong năm 2023.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()