Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 14:03 (GMT +7)
Ngôi trường của những nhà khoa học nhí
Chủ nhật, 07/04/2024 | 15:02:41 [GMT +7] A A
Khi nhắc đến điểm sáng trong phong trào sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng (TTN, NĐ) và chất lượng giảng dạy tin học trong nhà trường tại Quảng Ninh, Trường THCS Mạo Khê I, TX Đông Triều là một điểm sáng. Ngôi trường ngay từ rất sớm đã được ghi danh tại các Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ và Tin học trẻ toàn quốc. Tại nơi được mệnh danh là vườn ươm cho những nhà khoa học nhí, việc nghiên cứu khoa học, lập trình và viết phần mềm không chỉ được thực hiện chuyên nghiệp và bài bản mà còn là bề dày truyền thống.
Tỏa sáng những tài năng trẻ
Trong số những gương măt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Hoàng Phú (lớp 9D4, Trường THCS Mạo Khê I) gây ấn tượng vì là đại diện nhỏ tuổi nhất. Với thành tích đáng ngưỡng mộ: Giải Nhì Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIX năm 2023, Giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ năm 2023, Nguyễn Hoàng Phú và đồng tác giả là Phùng Khôi Nguyên (học sinh lớp 9D3, Trường THCS Mạo Khê I) trở thành niềm tự hào của nhà trường. Ngược trở lại việc ươm mầm, bồi dưỡng những học sinh xuất sắc như Phú và Nguyên là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sứ mệnh giáo dục của nhà trường: “Xây dựng được môi trường thân thiện, kỷ cương, chất lượng giáo dục cao, để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển trí tuệ và năng lực tư duy khoa học.”
Sẽ không quá khi nói rằng chính môi trường giáo dục mở, lấy học trò làm trung tâm và cổ vũ động viên học trò thể hiện năng khiếu, khả năng sáng tạo của Trường THCS Mạo Khê I đã giúp sản sinh ra những nhân tố sáng giá như Nguyễn Hoàng Phú và Phùng Khôi Nguyên. Trước khi bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và sáng tạo, cậu bé Nguyễn Hoàng Phú vẫn chưa biết đam mê của mình là gì. Gia đình không có truyền thống làm khoa học, bố của em là công nhân mỏ, mẹ là shipper nên nhà trường chính là môi trường đưa Phú đến với con đường nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Chỉ khi vào cấp 2, được học tập tại ngôi trường THCS Mạo Khê I, em mới phát hiện ra năng lực và đam mê của bản thân.
Chia sẻ về những thành tích của con trai, anh Nguyễn Văn Ánh xúc động nói: “Phú về nhà cũng chia sẻ là con học cái này, học cái kia, đang làm cái này, cái kia ở trường. Mình nghe thì cũng biết vậy, ủng hộ con với những gì con theo đuổi chứ thực ra là cũng không hỗ trợ hay định hướng được nhiều cho con. Tất cả là nhờ thầy cô, nhà trường. Từ ngày tham gia CLB Tin học, nghiên cứu Khoa học của trường, Phú mới có được những thành tích đáng tự hào như vậy. Gia đình rất vui và rất cảm ơn các thầy cô và nhà trường”.
Từ những giờ học tin học và STEM ở trường, Phú đã được làm quen với các ngôn ngữ lập trình, biết cách hiện thực hóa ý tưởng thành một sản phẩm tin học hữu ích. Trường THCS Mạo Khê I không chỉ có phòng tin học được trang bị hệ thống máy tính hiện đại mà còn có cô giáo phụ trách tâm huyết, có chuyên môn cao và có thầy cô trong Ban Giám hiệu nhiệt tình ủng hộ, tạo mọi điều kiện cần thiết để các em học sinh làm nghiên cứu khoa học.
Tại Trường THCS Mạo Khê I, rất nhiều học sinh như Hoàng Phú đang được nhen nhóm tình yêu và niềm đam mê với sáng tạo khoa học. Ngay từ những năm 2010, nhà trường đã có đại diện tham gia các cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ các cấp. Năm 2017 đã được ghi lại trong truyền thống của trường với dấu son, khi lần đầu tiên nhà trường có học sinh đại diện tham dự và đạt giải cao tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc. Sản phẩm đạt giải Nhì hội thi là phần mềm sáng tạo “Lịch sử và du lịch Việt Nam” của các em Lô Vũ Bình Minh và Trần Thị Yến Nhi, học sinh lớp 8 của trường.
Truyền thống làm nghiên cứu khoa học của Trường THCS Mạo Khê I được bắt đầu từ đó và cứ thế được nối dài qua các thế hệ học sinh, trở thành thương hiệu về chất lượng giáo dục và đào tạo.
Sáng tạo chuyên nghiệp
Tại Trường THCS Mạo Khê I, học sinh khi tham gia nghiên cứu khoa học đều được vạch sẵn một lộ trình phát triển rất rõ ràng. Các em được làm quen với lập trình, viết phần mềm ngay từ khi học lớp 6. Đến lớp 7, các em sẽ bắt tay thực hiện ý tưởng từ cấp trường. Lớp 8 thường là thời gian để những học sinh có cùng ý tưởng thành lập nhóm, hoàn thiện ý tưởng từ các năm trước hoặc thực hiện các ý tưởng mới, khác biệt. Lớp 9 là giai đoạn các nhóm nghiên cứu gặt hái thành quả.
Cô Nguyễn Thị Bích, giáo viên phụ trách CLB Tin học, Trường THCS Mạo Khê I, cho biết: “Các em khi bắt đầu tham gia CLB tin học sẽ được làm quen với môi trường lập trình. Môi trường trực quan sẽ giúp các em nhìn thấy thiết kế của mình. Điều đó giúp các em hứng thú hơn. Khi làm những sản phẩm tương tự và giống thì các em sẽ đưa ra được những ý tưởng riêng cho mình. Việc thấy các anh, chị lớp trước làm sáng tạo và đạt được những thành tích cao cũng là nguồn động viên, cổ vũ các em làm nghiên cứu khoa học và sáng tạo tin học”.
Thật ngạc nhiên khi tại một ngôi trường cấp 2, việc làm khoa học và nghiên cứu khoa học lại được thực hiện bài bản với phương pháp khoa học và chuyên nghiệp đến vậy. Cũng theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Bích, trước khi thực hiện bất cứ dự án tin học nào, điều đầu tiên các em được hướng dẫn là khảo sát xem trên thị trường đã có những ứng dụng như vậy hay chưa? Tìm hiểu xem những ứng dụng đã có trên thị trường đã có những chức năng gì? Tìm ra những tính năng còn thiếu, có thể phát triển và hoàn thiện thêm. Từ đó tập trung phát triển “tính mới” của ứng dụng. Trong các tiết học STEM, khi các bạn học sinh lớp dưới được sử dụng những phần mềm do chính các anh, chị khóa trên viết, các em cũng có thể phát hiện ra tính mới của đề tài.
Có thể nói, việc lập trình phần mềm tại Trường THCS Mạo Khê I có tính kế thừa và phát triển khá cao. Với mỗi sản phẩm các em đang thực hiện đều là sự cải tiến, làm mới, hoàn thiện những sản phẩm trước đó. Nhờ đó, sản phẩm của các em sẽ có tính ứng dụng và hiệu quả khi sử dụng hơn. Việc “nuôi” các ý tưởng, dự án và đề tài cũng đặc biệt được quan tâm. Một đề tài, một ý tưởng tiềm năng khi không đạt giải tại các cuộc thi sáng tạo cấp thị xã, cấp tỉnh hay quốc gia, sẽ được nhà trường lưu giữ và cổ vũ học sinh tiến hành nghiên cứu sâu hơn, nâng cấp dự án, ý tưởng để trở thành những sản phẩm hữu ích, được đánh giá cao sau này.
THCS Mạo Khê I có Quỹ tài năng trẻ của trường, được huy động từ nguồn đóng góp của các bậc phụ huynh, nguồn xã hội hóa. Cô giáo Phạm Thị Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê I, cho biết thêm: “Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cho các đề tài, dự án tiềm năng và để khen thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi, hội thi các cấp… Sự khen thưởng kịp thời chính là nguồn động viên quý báu, giúp các em học sinh thêm vững tin trên con đường nghiên cứu khoa học còn rất dài và gian nan phía trước.”
Chia sẻ về dự định tương lại, em Nguyễn Hoàng Phú nói: “Sau sản phẩm The Deaf People hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp mà nhóm em đã đạt giải tại các cuộc thi quốc gia và của tỉnh, dự kiến trong tương lai em sẽ thực hiện một ứng dụng về tỉnh Quảng Ninh, cung cấp thông tin, lịch sử phát triển, sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua… Em mong muốn viết ra những phần mềm giúp ích cho cộng đồng, đất nước.”
Những ngày này, tại CLB Tin học của Trường THCS Mạo Khê I, các nhóm học sinh đang chạy nước rút, đóng gói sản phẩm để dự thi Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ cấp thị xã. Khoảng gần chục dự án tiềm năng như Phần mềm hỗ trợ học môn hóa học, phần mềm hỗ trợ cung cấp thông tin tham quan nhà truyền thống, phần mềm giáo dục địa phương 8… đang được hoàn thành và được kỳ vọng sẽ tiến xa hơn nữa trong các vòng thi cấp tỉnh và quốc gia.
Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, sáng tạo, đam mê làm nghiên cứu khoa học tại Trường THCS Mạo Khê như dòng suối vẫn không ngừng chảy, đóng góp làm nên thành tích chung của giáo dục Quảng Ninh và hơn hết góp phần tạo dựng những thế hệ tài năng trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và đất nước.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()