Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:12 (GMT +7)
"Ngôi nhà" đa dạng sinh học
Chủ nhật, 02/06/2024 | 10:50:16 [GMT +7] A A
Thuộc vùng trung tâm Di sản thế giới, khu vực áng Bù Xám có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, đặc sắc và được các nhà khoa học đánh giá là “ngôi nhà” của ĐDSH Vịnh Hạ Long.
Nằm trên đảo Bù Xám, áng Bù Xám nằm gần hang Trống - Trinh Nữ, cách Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khoảng 13km. Khu vực áng Bù Xám gồm áng, các hồ và khu vực phụ cận. Áng Bù Xám nằm giữa trái núi to, như một dạng hồ nước mặn, bị tách biệt với vùng biển bao quanh, phía ngoài áng là một vụng biển. Có lẽ vì thế, mà hệ sinh thái được bảo tồn nguyên vẹn và có nhiều nét đặc thù.
Theo khảo sát của Viện Tài nguyên Môi trường biển giai đoạn 2015-2017, các nhà khoa học đã khẳng định đây là nơi được ghi nhận là có sự ĐDSH cao. Ngoài vẻ đẹp cảnh quan, nơi đây còn mang đầy đủ các giá trị ĐDSH của Vịnh Hạ Long. Thậm chí, hệ sinh thái ở đây là một dạng sinh cảnh đặc thù cho quần đảo đá vôi Vịnh Hạ Long mà các nơi khác không thể có được.
Trước hết, ở “ngôi nhà” ĐDSH này tập trung nhiều loại thực vật đặc hữu quý hiếm của Vịnh Hạ Long cũng như một số loại cây có giá trị dược liệu. Đây cũng là khu vực tập trung quần thể cây bông mộc - loài đặc hữu đẹp của Việt Nam, vừa có giá trị cho khoa học, vừa có giá trị tạo cảnh quan đẹp.
Ở điều kiện sinh cảnh khá đặc biệt, Bù Xám có thực vật phong phú, đặc sắc ở các tầng, lớp; thảm thực vật ở chân núi, vách đá cho tới đỉnh núi. Ngay ở khu vực đường vào áng đã có thảm thực vật phong phú, gồm các loại cây bụi, gỗ thấp, là thực vật đặc hữu của Di sản như: Móng bò thơm, phất dụ núi, mang, trôm, ngũ gia bì Hạ Long, tuế Hạ Long, móng tai Hạ Long. Ngoài ra, còn một số loài có giá trị dược liệu như: Cốt toái bổ, củ bình vôi, giảo cổ lam…
Trên đỉnh núi và các vách đá cao là trạng thái thảm cây bụi thấp, cây gỗ nhỏ mọc rải rác, gồm các loài đặc hữu như: Cọ Hạ Long, sung Hạ Long, màng kiên, sảng… Theo lý giải, rất có thể ở nơi tương đối kín gió, thực vật sinh trưởng trên nền đá vôi có đất mùn lại ít chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt nên tồn tại trạng thái thảm thực vật rừng kín, thường xanh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, áng Bù Xám có ĐDSH cao với nhiều loại động vật, thực vật dưới nước quý hiếm. Đây cũng là nơi duy nhất trên Vịnh Hạ Long tồn tại trữ lượng rong cầu lục Caulerpa racemosa, là loại rong có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, nơi đây còn có cả các loài phân bố tại các rạn san hô và vùng biển nông ven bờ khu vực Hạ Long và chỉ ghi nhận tại áng Bù Xám mà không thấy phân bố tại các hồ và hang xung quanh. Đây cũng là khu vực có san hô và được khoanh vùng thành khu vực bảo tồn sinh thái rạn san hô rộng chừng 30.000m2.
Đặc biệt, chương trình giám sát giai đoạn 2016-2018, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã giám sát và phát hiện ra sự xuất hiện của quần thể thạch sùng mí Cát Bà - Goniurosaurus catbaensis, loài đặc hữu khu vực Hạ Long - Cát Bà, trong danh lục đỏ thế giới IUCN bậc nguy cấp. Đây là phát hiện quan trọng và cũng được công bố trên nhiều tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Lê Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam từng tham gia giám sát ĐDSH ở Vịnh Hạ Long nhận định: Qua giám sát ban đầu, quả thật Di sản thế giới Vịnh Hạ Long đang sở hữu một kho báu thực sự với hệ sinh thái đa dạng, các nguồn gen quý mà ít nơi có được. Các giá trị này càng làm giàu thêm cho ĐDSH Kỳ quan, Di sản Vịnh Hạ Long.
Có thể nói, Bù Xám là nơi lưu giữ nhiều giá trị, nguồn gien quý hiếm của Vịnh Hạ Long. Hệ sinh thái ở đây là một dạng sinh cảnh đặc thù cho quần đảo đá vôi Vịnh Hạ Long mà các nơi khác không thể có được. Vì thế, nhiều nhà khoa học còn ví đây là "ngôi nhà" của ĐDSH Vịnh Hạ Long.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()