Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:27 (GMT +7)
Ngôi chùa được đặt tên từ hoa khói mùa xuân
Chủ nhật, 20/02/2022 | 08:28:17 [GMT +7] A A
Chùa Hoa Yên còn có tên là chùa Cả, chùa Chính, ở độ cao 535m so với mực nước biển, là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa ở Yên Tử. Xuất xứ tên gọi cũng như dòng chảy thơ ca viết về ngôi chùa này đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của danh thắng Yên Tử.
Tương truyền, hơn 700 năm trước, chùa chỉ là một thảo am để cho Đệ nhất tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông giảng đạo. Chùa Hoa Yên khi đó có tên là Vân Yên, trong nghĩa Hán tự, “vân” là mây, còn “yên” là khói. Vì chùa ở lưng chừng núi cao khói mây mù mịt nên gọi là Vân Yên tự.
Chùa được xây khang trang vào thời Đệ nhị tổ Pháp Loa. Sách xưa ghi lại: Chùa Hoa Yên ngoài tiền đường, thượng điện để thờ Phật, tả hữu còn có viện Phù Đồ, có lầu trống, lầu chuông, nhà dưỡng tăng, nhà khách nghỉ... tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn. Cả ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều đã trụ trì tại chùa này. Đến thế kỷ XV, đức vua Lê Thánh Tông lên viếng cảnh gặp mùa xuân hoa nở rộ quá đẹp nên mới đổi tên chùa thành Hoa Yên.
Kiến trúc chùa cổ hiện không còn. Năm 2002, chùa Hoa Yên được tôn tạo lại, gồm tòa tam bảo (chính điện) nhà thờ Tổ, hành lang tả hữu kiêm lầu trống, lầu chuông. Cột bằng gỗ lim lõi, lợp ngói mũi hài kép, các họa tiết, điêu khắc đều mang đặc trưng thời Trần, tượng pháp đều bằng đồng. Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm rồng. Đôi mắt rồng ở ngôi Tháp Tổ, hai dãy núi Tây, Đông vươn về Nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng.
Ngoài những tượng, bia, tháp cổ, chùa Hoa Yên còn lưu lại những di vật quý giá như: Gạch hoa cúc, ngói mũi hài kép thời Trần, những bức phù điêu chạm trên đá hình sư tử, đầu rồng, bệ tượng tam thế, chậu hoa, tay vịn tầng bậc, đá trang trí kiến trúc (khối chạm rồng cuộn, khối chạm nghê). Các hiện vật có công năng và niên đại khác nhau. Đầu rồng có niên đại sớm hơn cả - khoảng cuối thế kỷ XII, chiếc tay vịn thành bậc chạm sóc mang phong cách nghệ thuật Lê Sơ thế kỷ thứ XV.
Trong dòng chảy văn học trung đại Việt Nam, đã có rất nhiều bài hay viết về ngôi chùa này. Biết bao lần chùa được các hoàng đế, vương hầu, các nhà lãnh đạo quốc gia, các bậc thiện trí thức, các danh nhân về thăm, lưu lại bút tích.
Tại chùa có quả chuông được đúc vào thời Minh Mệnh thứ 14, ghi lại bài minh ngợi ca Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Yên Tử sơn, có đoạn dịch nghĩa như sau: "Từng nghe, tiếng chuông khánh có ích lợi làm tỉnh giấc mê, tiếng chuông gióng giả ngân lên vang vọng chốn xa xăm, ấy là tiếng thanh đại pháp nơi cửa thiền. Chùa ở núi này, từ ngày Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi vua đi tu hành đạo đến nay, lửa thiền truyền còn lưu rực rỡ, vẫn là chùa núi nổi tiếng bậc nhất của nước Việt...”.
Đệ Tam Tổ Huyền Quang đã từng trụ trì ở đây, để lại câu chuyện oan tình hư huyễn với nàng Điểm Bích. Tuy nhiên, câu chuyện nàng Điểm Bích lên chùa Vân Yên thử giới hạnh sư Huyền Quang đã tô điểm thêm vẻ đẹp hấp dẫn của thắng cảnh Yên Tử.
Bên cạnh bài kệ nổi tiếng mà nhiều người cho rằng thực chất là Điểm Bích đã tự sáng tác ra để gán cho ngài, thiền sư Huyền Quang còn có bài phú rất hay về ngôi chùa này, mở đầu bằng những câu như sau: “Buông niềm trần tục/ Náu tới Vân Yên/ Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy/ Gió tiên đưa đôi bước thần tiên”. Trong bài thơ "Vịnh cảnh chùa Vân Yên", ngài không nói một chữ "xuân" nào nhưng người đọc vẫn nhận ra tín hiệu mùa xuân: “Cảnh tốt hòa lành/ Đồ tựa vẽ tranh/ Chỉn ấy trời thiêng mở khéo/ Hèn chi vua Bụt tu hành/ Hồ sen giương tán lục/ Suối trúc bấm đàn tranh”.
Giống như Huyền Quang, sau này, Thiền sư Chân Nguyên không nói thẳng mùa xuân nhưng người đọc vẫn nhận ra xuân qua hoa lá: “Suối đàn tiếng nhạc rành rành/ Chim kêu vượn hót đã thanh lòng thiền/ Bước lên đến chùa Hoa Yên/ Bốn bề cảnh giới động tiên khác thường/ Trăm hoa đua nở mùi hương”.
Đại thi hào Nguyễn Trãi cũng từng qua đây và có bài thơ “Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự” (Đề chùa Hoa Yên ở núi Yên Tử) cho thấy ông rất am hiểu Yên Tử cũng như Côn Sơn.
Mây vốn là biểu tượng nổi trôi, thoát tục, còn khói lại xuất phát từ cuộc đời, chùa Hoa Yên vốn được đặt tên là Vân Yên thể hiện sự giao hòa giữa trời đất. Cùng với toàn bộ hệ thống chùa Yên Tử nằm hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ là một dẫn chứng rõ nét về sự dung hợp hai quan niệm đạo và đời của dân tộc ta.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()