Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:28 (GMT +7)
Ngọc Vừng: Khó xây dựng thương hiệu cho thủy sản đặc trưng
Thứ 7, 31/07/2021 | 08:17:07 [GMT +7] A A
Từ khai thác tự nhiên, các sản phẩm ốc và nhuyễn thể ở Ngọc Vừng được quan tâm phát triển quy củ hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững cho sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn.
Từ lâu, xã đảo Ngọc Vừng được coi là địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt các loại ốc đặc sản. Là xã đảo tiền tiêu, phía Đông Nam huyện Vân Đồn, Ngọc Vừng được thiên nhiên ưu đãi có nhiều đảo nhỏ, nhiều ghềnh đá tự nhiên, nguồn thức ăn phong phú, phù hợp cho ốc và nhuyễn thể phát triển. Và trong khoảng 10 năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của Ngọc Vừng liên tục tăng gần gấp đôi, đạt gần 2.100 tấn, trong đó, sản lượng lẫn giá trị từ ốc và nhuyễn thể chiếm phần nhiều.
Có điều kiện thuận lợi, tuy nhiên việc nuôi trồng, phát huy giá trị các sản phẩm này trước năm 2006 chủ yếu là tự phát. Bởi trước đó, người dân xã đảo chủ yếu khai thác tự nhiên, dẫn tới cạn kiệt, khiến nguồn lợi suy giảm đáng kể. Để tạo thuận lợi cho việc nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi, tạo thu nhập bền vững, các hộ dân được tạo điều kiện giao mặt nước, khoanh vùng các diện tích chăm nuôi. Nhờ đó, các khu vực có ghềnh, đảo đá có điều kiện nuôi trồng tốt ở các đảo như: Phượng Hoàng, Nứt Đất, Nứt Đá, Hạ Mai… trở thành “vựa” nuôi các giống ốc đặc sản như: Ốc đá, ốc màu, ốc vôi…
Dần dần, việc nuôi trồng được quan tâm hơn, định hướng phát phiển quy củ hơn. “Phát huy thế mạnh nuôi trồng, người dân được quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình, dự án của Nhà nước để phát triển quy củ, trọng tâm hơn” - ông Vũ Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Theo đó, thường niên, xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, tỉnh thực hiện tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ thuật về nuôi trồng, phát huy thế mạnh các loại thủy sản đặc trưng của xã đảo. Đặc biệt năm 2016, Dự án thí điểm ốc giống, trị giá trên 400 triệu đồng được xã phối hợp đưa về triển khai cho các hộ dân ở xã đảo.
Ngoài phát huy nguồn giống tự nhiên, dự án cung cấp nguồn giống tốt, kết nối với các cơ sở, điểm cung cấp giống ốc cho người nuôi trồng. Theo đó, nguồn giống tốt từ các cơ sở giống ốc ở Vân Đồn, Cô Tô và các địa phương khác được cung cấp. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, người nuôi trồng nắm vững được kỹ thuật, đa dạng thêm nguồn giống. Các loại ốc cho thu hoạch chỉ sau 6-8 tháng chăm nuôi. Nhờ đó, quy mô, sản lượng, chất lượng sản phẩm đặc sản này ngày càng được gia tăng.
Theo đó, nguồn giống được các hộ nuôi trồng lựa chọn đều là giống tốt hoặc có nguồn gốc tự nhiên. Khu vực nuôi trồng cũng được mở rộng ra như các đảo: Phượng Hoàng, Pháo Đài, Nứt Đất, Hạ Mai… Đây là các đảo có rạn, ghềnh rộng, có môi trường nước trong sạch, nguồn thức ăn phong phú.
Nhờ đó, ốc Ngọc Vừng dần xác lập được vị trí, được thị trường đánh giá cao, coi là đặc sản, có hương vị thơm ngon, trở thành nguồn hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm được thương lái thu mua bán nội địa hoặc xuất khẩu với giá trung bình 100-150 nghìn đồng/kg, cá biệt, ốc màu có thời điểm đạt trên 200 nghìn đồng/kg. Nhờ đó đưa lại thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng/năm cho các hộ nuôi trồng. Số hộ, số điểm nuôi trồng loại đặc sản này cũng tăng lên với gần 100 điểm với khoảng 130 tấn giống thả/năm.
Đồng thời với các giống ốc, từ năm 2017 trở lại đây, Ngọc Vừng cũng đưa thêm nhiều loại nhuyễn thể khác vào nuôi trồng như: Hàu, ngao, thưng... Đây là các vật nuôi nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đưa lại thu nhập khá cho người dân xã đảo.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc sản này khá bấp bênh, giá thành cũng thiếu ổn định, có thời điểm giảm 50%. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 tới nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường trong nước và xuất khẩu với sản phẩm này đang bị chững lại...
Nhằm định hướng lâu dài, xã Ngọc Vừng cũng tính toán đưa ốc và các nhuyễn thể đặc trưng vào xây dựng các sản phẩm chính trong Chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng sản phẩm địa phương. Năm 2017, xã cũng định hướng xây dựng sản phẩm địa phương này thành sản phẩm OCOP, nhưng chưa thể hiện thực hóa định hướng này do sản phẩm... không nằm trong danh mục.
Được biết, trong Nghị quyết Đảng bộ xã giai đoạn 2021-2025, Ngọc Vừng xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những định hướng chính trong phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo. Vì thế, trong thời gian tới, Ngọc Vừng cần tính toán và linh hoạt, quy củ hơn trong việc phát triển nuôi trồng thủy hải sản cũng như các sản phẩm thế mạnh đặc trưng này.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()