Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan tranh cãi tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, sau khi Baku có thắng lợi quân sự tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh.
Pháp hôm 21/9 triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sau khi lực lượng Azerbaijan tiến hành "các hoạt động chống khủng bố" tại Nagorno-Karabakh. Đây là nơi có dân số chủ yếu là người Armenia và do phe ly khai kiểm soát từ những năm 1990.
Azerbaijan trước đó cho biết 6 công dân nước này đã thiệt mạng do mìn trong hai sự việc riêng biệt và đổ lỗi cho "các nhóm vũ trang phi pháp người Armenia". Nhóm ly khai ở Nagorno-Karabakh ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Azerbaijan, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng sau chiến dịch quân sự của Azerbaijan.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan kêu gọi thế giới không tiếp tục sử dụng cách gọi "hai bên".
"Không còn phe nào trong xung đột mà chỉ có thủ phạm và nạn nhân. Không còn xung đột nữa mà là mối nguy hiểm thực sự của sự tàn bạo", ông nói. "Theo nghĩa đen, toàn bộ lãnh thổ Nagorno-Karabakh đã hứng chịu các cuộc pháo kích dữ dội, bừa bãi với tên lửa, pháo hạng nặng, trong đó có bom chùm bị cấm".
Ngoại trưởng Armenia cáo buộc Azerbaijan muốn "thanh lọc sắc tộc đối với người dân Armenia". Những người ly khai sắc tộc Armenia nói rằng cuộc tấn công kéo dài 24 giờ của Azerbaijan đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng và làm bị thương 400 người.
Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov, người cho đến gần đây vẫn tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với người đồng cấp Mirzoyan, cáo buộc Armenia đưa tin sai lệch.
"Nỗ lực của Armenia nhằm lợi dụng Hội đồng Bảo an trong chiến dịch đánh lừa cộng đồng quốc tế thật đáng đáng trách", Bayramov nói, đồng thời cáo buộc Hội đồng Bảo an thiên vị và Armenia từ lâu đã "thúc đẩy chủ nghĩa ly khai" ở Nagorno-Karabakh, trong đó có hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy.
Phát biểu tại cuộc họp, các cường quốc phương Tây kêu gọi Azerbaijan bảo vệ người dân.
"NếuAzerbaijanthực sự muốn đạt giải pháp hòa bình, họ phải ngay lập tức đưa ra những đảm bảo hữu hình", Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho hay.
Bà kêu gọi Baku "tham gia một cách thiện chí các cuộc thảo luận" về việc bảo vệ người dân và "loại trừ sử dụng vũ lực". Bà cũng kêu gọi mở hoàn toàn hành lang Lachin, tuyến đường bộ duy nhất từ Armenia đến Nagorno-Karabakh.
"Cuối cùng họ phải chấp nhận sự hiện diện nhân đạo quốc tế. Đây là điều không thể thiếu khi mùa đông đến. Nếu không có những đảm bảo này thì sẽ không thể có giải pháp", Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh.
Pháp, quốc gia có cộng đồng người Armenia hải ngoại lớn, và Mỹ, quốc gia dẫn đầu nỗ lực ngoại giao giữa hai bên, đều lên án hoạt động quân sự của Azerbaijan. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng chỉ trích Azerbaijan, nói với Hội đồng Bảo an rằng Baku "quyết định tạo ra thực tế trên thực địa bằng lực lượng quân sự".
Chiến dịch quân sựnhanh chóng ở vùng ly khai được coi là chiến thắng lớn của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong nỗ lực đưa Nagorno-Karabakh trở lại dưới sự kiểm soát của Baku. Trong khi đó, tại Yerevan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bị chỉ trích nặng nề và đối mặt những lời kêu gọi từ chức.
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Hai bên nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Armenia tháng 11/2020 chấp nhận ký thỏa thuận ba bên với Azerbaijan và Nga để chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh.
Theo thỏa thuận Karabakh,Armeniatrả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát cho Azerbaijan, Nga triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình vào hành lang kiểm soát rộng khoảng 5 km ngăn giữa khu vực Nagorno-Karabakh và Armenia trong 5 năm.
Căng thẳng ở Nagorno-Karabakh leo thang từ năm ngoái, khi Nga tập trung nguồn lực cho chiến sự ở Ukraine và suy giảm ảnh hưởng ở vùng Kavkaz, nơi được coi như "sân sau" của Moskva.
Ý kiến ()