Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:45 (GMT +7)
Ngộ độc do tự bổ sung vitamin, đâu phải cứ uống là bổ?
Thứ 4, 12/06/2024 | 16:47:28 [GMT +7] A A
Mới đây, hai mẹ con ở tỉnh Phú Thọ nhập viện trong tình trạng nôn, khó thở, co quắp chân tay sau khi tự bổ sung vitamin A để 'tăng cường sức khỏe'.
Các bác sĩ khuyến cáo không tự ý bổ sung vitamin quá liều, không xem chúng là "thuốc bổ, uống là bổ" khi thực tế nhu cầu bổ sung vitamin hằng ngày ở người bình thường rất ít.
Nhập viện vì uống vitamin "tăng cường sức khỏe"
Ngày 23-5 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Phú Thọ tiếp nhận hai bệnh nhân nhập viện do ngộ độc vitamin A. Theo bác sĩ Phùng Thị Thúy Nga, khoa cấp cứu - hồi sức tích cực và chống độc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, 30 phút sau khi uống 4 viên vitamin A để "tăng cường sức khỏe", người phụ nữ 43 tuổi và con trai 17 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, co quắp chân tay.
Người nhà cho biết vitamin A được họ tự mua uống với mục đích tăng cường sức khỏe. May mắn, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời, sau khi điều trị sức khỏe đã ổn định. Theo bác sĩ Nga, nếu bệnh nhân đến muộn có thể dẫn đến tình trạng suy gan, thận.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận hai bệnh nhi là hai anh em (3 tuổi và 18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. Qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin D, suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài.
Gia đình cho biết, mong muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho hai bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Tuy nhiên, bà thấy cháu thích uống và nghĩ vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định, bà lại cho hai cháu uống tùy thích.
Cả hai bé uống trực tiếp tại lọ, không sử dụng dụng cụ đong thuốc hoặc qua dụng cụ đong nhưng lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài.
Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, hai anh em đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8 - 9 lần/ngày. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ ngộ độc vitamin D, suy thận cấp. Trẻ được ngưng sử dụng vitamin D và các chế phẩm có vitamin D, đồng thời được truyền dịch.
Bên cạnh những loại vitamin phổ biến như vitamin A, D, C, thì nhiều loại vitamin như vitamin E nếu sử dụng liều cao đều có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
Lợi bất cập hại
Nhiều người cho rằng việc bổ sung các loại vitamin cho cơ thể sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng, đủ các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên các bác sĩ khẳng định việc tự ý bổ sung khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ dẫn tới những hệ lụy.
ThS Nguyễn Thị Ngọc, khoa thận - lọc máu Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết các loại vitamin, trong đó có vitamin D, tuy rất cần thiết và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, song nó không phải là thuốc bổ có thể sử dụng tùy tiện hoặc dùng càng nhiều càng tốt.
Việc sử dụng vitamin nên được tuân thủ chặt chẽ liều lượng theo đơn thuốc của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể và cần có sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế để tránh nguy cơ gây ngộ độc hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, một số loại vitamin không được lưu trữ trong cơ thể như vitamin C. Việc bổ sung quá liều loại vitamin này có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy.
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Vân Anh, khoa dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay vitamin C là một loại vitamin hòa tan trong nước. Trái ngược với vitamin tan trong chất béo, vitamin tan trong nước không được lưu trữ trong cơ thể.
Thay vào đó, vitamin C sẽ được vận chuyển đến các mô thông qua dịch cơ thể và bất kỳ lượng bổ sung nào sẽ được bài tiết qua nước tiểu, vì cơ thể không dự trữ hoặc tự sản xuất vitamin C. Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết mọi người không cần bổ sung vitamin C, vì cơ thể có thể dễ dàng nhận đủ bằng cách ăn thực phẩm tươi, đặc biệt là trái cây và rau quả.
Việc bổ sung vitamin C quá liều sẽ gây tác dụng phụ phổ biến nhất là khó tiêu hóa, tiêu chảy và buồn nôn, trào ngược axit dạ dày. Bổ sung vitamin C quá liều có thể gây ứ sắt, dẫn đến tình trạng thừa và lắng cặn sắt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, bổ sung vitamin C với liều lượng cao có thể dẫn đến sỏi thận.
Nên bổ sung qua ăn uống
Bác sĩ Dương Công Minh, trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), cho biết nhu cầu hằng ngày về vitamin cho cơ thể người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Nhưng nếu thiếu sẽ gây những rối loạn từ nhẹ đến trầm trọng và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Ông khuyến cáo muốn tránh được các hậu quả do dùng không đúng vitamin cần phải hiểu rõ nguyên tắc: không dùng vitamin nếu không bị thiếu, không được coi vitamin là "thuốc bổ" dùng cho khỏe.
Khi nghi ngờ sức khỏe không tốt, biện pháp tốt nhất là đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa. Thầy thuốc sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng sức khỏe và có các chỉ dẫn cần thiết. Tuyệt đối không nên tự ý dùng các vitamin, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày.
Vitamin có ở đâu? Bác sĩ Dương Công Minh cho biết vitamin chia làm hai loại: loại tan trong dầu (A, D, E, K) và loại tan trong nước như vitamin nhóm B, C... Do cơ thể người không thể tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ khi phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D dưới da thành vitamin D), nên chúng ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin. Trong đó: * Thực phẩm giàu vitamin A: thực phẩm nguồn gốc động vật (gan, thịt, trứng, chế phẩm từ sữa béo nguyên kem (sữa, kem, bơ...)). Thức ăn nguồn gốc thực vật có thể kể đến những loại củ quả màu vàng/đỏ đậm (cà chua, cà rốt, đu đủ chín...), rau xanh đậm (rau ngót, rau muống, rau dền...), các loại dầu thực vật được bổ sung vitamin A. * Thực phẩm giàu vitamin C: rau xanh, quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi, cà chua, bông cải xanh, xoài... * Thực phẩm giàu B1: B1 có nhiều trong cám gạo, hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan và tim. Không nên nấu rau, ngũ cốc quá chín vì vitamin B1 sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao. * Thực phẩm giàu vitamin D: Trong tự nhiên rất ít thực phẩm chứa vitamin D, tuy nhiên cũng có thể kể đến dầu gan cá, trứng gà... Nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể là do cơ thể tổng hợp vitamin D từ các tiền vitamin D ở dưới da, dưới tác động quang hóa trong ánh sáng mặt trời. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()