Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:15 (GMT +7)
Nghiện game thời trực tuyến: Hệ lụy nhãn tiền
Thứ 4, 10/11/2021 | 16:00:28 [GMT +7] A A
Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, để trẻ sa đà vào nghiện game, gia đình thiếu kỹ năng và phương pháp xử lý sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như: tự tử, giết người cướp tiền chơi game.
Ma túy điện tử hay trò chơi giải trí?
Ngày 23/10, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM thông tin, đã tiếp nhận một bệnh nhân là học sinh 14 tuổi ở tỉnh Đồng Tháp uống thuốc sâu tự tử. Nguyên nhân được cho là, sau một thời gian học online, cậu bé này nghiện game, gia đình phát hiện ngăn cản thì cậu tìm đến cái chết.
Trước đó, cũng đã có nhiều câu chuyện đau lòng như: trẻ nghiện game cướp giật tiền người thân, giết người thân vì nghiện game…
TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm lý giải, khi trẻ sử dụng thiết bị công nghệ sẽ bị thu hút bởi mạng xã hội, game là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vì trẻ chỉ biết làm theo sở thích, không tiết chế được như người lớn, dành quá nhiều thời gian vào chơi game trở thành nghiện và làm mất cân bằng cuộc sống.
Sở dĩ, mỗi trẻ phát triển cần cân bằng được thời gian học tập, vui chơi, hoạt động và ăn ngủ. Khi nghiện game, nhiều em bị cuốn hút, mê muội cả ngày đêm để được chơi. Không ít trẻ chơi game đến quên ăn, quên ngủ và không thiết tha tham gia các hoạt động vận động lẫn học tập. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần của trẻ. Nhiều em bị hồi hộp, giảm trí nhớ, tinh thần hoảng loạn, tăng tính hung bạo.
“Ví dụ, thực tế nhiều em nghiện game khi bị cha mẹ cấm cản đã nổi nóng phản kháng; có trẻ sẵn sàng ra tay sát hại cả bà của mình để lấy tiền đi chơi game…Hành động đó đều do chơi game nhiều đến mức mê muội, trẻ không làm chủ được hành vi dẫn đến những hậu quả rất đau lòng và đáng tiếc”, TS Tùng Lâm khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội cảnh báo, qua tương tác nhiều trường hợp nghiện game cho thấy, trẻ bị giảm sút trí nhớ, kết quả học tập tụt giảm, teo não, rối nhiễu cảm xúc, rối nhiễu tâm trạng… Hệ quả kéo theo đương nhiên làm trẻ bỏ lỡ cơ hội phát triển tài năng, đánh mất đi tương lai...
Theo điều tra của Cơ quan nghiên cứu Sức khỏe & Sử dụng thuốc Hoa Kỳ (NSDUH) gần đây cho thấy, trên 43 triệu người trên 18 tuổi và người lớn gặp rối nhiễu thần kinh (AMI) do chơi games điện tử hành động trong thời gian dài. Thực tế tại Việt Nam, chưa có điều tra chính thức nhưng hiện tượng rối nhiễu tâm lý liên quan tới hành vi chơi game trực tuyến tìm tới sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý đã gia tăng đột biến trong 5 năm gần đây. Nhiều trường hợp rất nặng phải can thiệp ngay cả sau khi phụ huynh quyết định đưa con tới bệnh viện gặp bác sĩ khoa tâm thần và đã dùng thuốc cho con. Nhưng khi cắt được cơn, gia đình cũng vẫn cần quay lại liệu pháp tâm lý. Có trường hợp một học sinh cấp 2 tại Hải Phòng đã dùng thuốc được hơn một năm nhưng cứ tỉnh thuốc bạn đó lại bỏ nhà đi chơi.
Phụ huynh ứng xử sai lầm
Cũng theo ông Sơn, một trong những cách tiếp cận sai lầm của phụ huynh khi phát hiện con nghiện game là quan tâm đến mức độ trầm trọng của sự việc đó. Điều này giống như lời kết tội sớm và rất phổ biến. Trong bất cứ trường hợp nào, cần xác định một đứa trẻ liệu đã thật sự rơi vào tình trạng bị nghiện game hay chưa.
Theo ông Sơn, ở góc độ tư vấn thực hành, các chuyên gia khuyến nghị phụ huynh quan sát và tự xác định các dấu hiệu: Chơi game với thời lượng quá lâu nên được xác định là trẻ bị nghiện game. Cụ thể, trẻ chơi dưới 2 tiếng là ham mê, trên 2 tiếng là ham mê quá mức và nguy cơ nghiện; từ 4 tiếng trở lên là dấu hiệu đã nghiện game. Về thời gian, hành vi ham mê quá mức kéo dài quá 4 tuần là dấu hiệu nghiện game nặng có thể dẫn tới mắc chứng rối nhiễu cảm xúc.
Ông Sơn lý giải, trẻ từ ham mê game dễ chuyển sang nghiện vì nhà cung cấp thu hút người chơi bằng nhiều cơ chế tác động thần kinh như: Âm thanh và hình ảnh, cơ hội khẳng định bản thân, thế giới ảo, trải nghiệm không hồi kết, cơ chế thưởng...
Các chuyên gia cảnh báo, cha mẹ và giáo viên có thể nhận biết qua quan sát, phát hiện trẻ nghiện game giống như nghiện các chất khác. Khi hạn chế chơi trong 10 ngày trẻ có dấu hiệu như: bồn chồn, khó tập trung và hay cáu giận, ngáp ngủ. Với đặc điểm tâm lý của tuổi dậy thì, các em sẽ đấu tranh đòi được chơi theo ý thích, bỏ bê học tập và dễ dàng nổi cáu … Một số trường hợp xung đột với gia đình cực điểm, có thể đập phá đồ cá nhân, bỏ nhà, dọa tự tử…
Một số giáo viên cho rằng, học sinh nghiện game rất dễ nhận biết, ví dụ lên lớp học không tập trung, thường xuyên ngủ gật, bỏ học để chơi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trẻ có điện thoại, máy tính nên các em thường chơi sau giờ học, buổi tối ở nhà thay vì lén chơi trong lớp hoặc trốn ra quán internet.
Ở góc độ quản lý, hiệu trưởng Trường THCS Thanh Trì, quận Hoàng Mai (Hà Nội) Đặng Thị Thu Hà nói rằng, khi học trực tuyến, giáo viên và học sinh chỉ tương tác qua màn hình nên rất khó nhận diện được các em có chơi game hay không. Tuy nhiên, đã có trường hợp học sinh chiêu trò, dùng màn hình avata giả giống như đang ngồi học nhưng thực chất em đang làm việc riêng hoặc điểm danh cho có, giáo viên hỏi bài đến lập tức tài khoản bị thoát ra. Cũng có giáo viên đã dùng thêm một tài khoản đăng nhập vào lớp học trực tuyến thử nghiệm việc vừa chơi game vừa học để quản lý học sinh nhưng kết quả cho thấy, thiết bị phát hiện tài khoản chơi game có màn hình đen kịt nhưng cũng có tài khoản không có dấu hiệu bất thường.
Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho rằng, khi cha mẹ giao cho con thiết bị điện tử sẽ rất khó để kiểm soát hết việc con sẽ làm gì ở đó. Nhà trường, giáo viên có những buổi sinh hoạt, trao đổi về tác hại của game tuy nhiên để hạn chế được việc chơi game của trẻ rất cần sự giám sát, đồng hành của phụ huynh. “Nếu đi học trực tiếp trên lớp, nhà trường dành một ngăn tủ yêu cầu tất cả học sinh để điện thoại vào đó, hết giờ mới được sử dụng sẽ không có tình trạng các em chơi game trong giờ học. Khi về nhà, cha mẹ cũng cần có quy định với trẻ, ví dụ như, đến giờ đi ngủ nộp điện thoại cho bố mẹ chẳng hạn”, bà Hiền nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()