Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:24 (GMT +7)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền cần tầm nhìn dài hạn, tư duy đột phá
Thứ 5, 09/09/2021 | 21:36:32 [GMT +7] A A
Ngày 9/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo rà soát, đôn đốc tiến độ triển khai xây dựng Đề án.
Tham dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan thực hiện Đề án.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, đến nay đã có 10/14 cơ quan tham gia xây dựng Đề án ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công. Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo, 1 số cơ quan đã khẩn trương triển khai các công việc cụ thể như: Đảng đoàn Quốc hội thành lập 4 Tiểu ban để giúp Ban Chỉ đạo xây dựng 4 chuyên đề được phân công, Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề của Bộ Nội vụ đã họp thông qua đề cương chuyên đề thuộc trách nhiệm của Bộ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã triển khai đặt bài các chuyên gia để tổ chức 3 tọa đàm liên quan đến nội dung các chuyên đề được phân công; Hội đồng lý luận Trung ương đã tổ chức 1 tọa đàm chuyên sâu có sự tham gia của các Ủy viên Hội đồng và các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thảo luận các vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu.
Ban Nội chính Trung ương đã có công văn trao đổi, đôn đốc các cơ quan tham gia xây dựng Đề án trong việc xây dựng, hoàn thiện các chuyên đề được phân công, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án về nội dung và tiến độ thực hiện; chủ động xây dựng Dự thảo Kế hoạch tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ việc xây dựng đề án; gửi xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Tổ biên tập để tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch để ban hành. Đến nay, có 10/14 cơ quan đã ban hành Kế hoạch nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quán triệt Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng phát triển đất nước đã được Bộ Chính trị giao cho Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng để trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2022. Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất thông qua kế hoạch xây dựng, đề cương đề án, quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và Chủ tịch nước đã ký ban hành các văn bản nói trên để làm cơ sở phân công, triển khai cụ thể.
Chủ tịch nước đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng các chuyên đề trong thời gian qua dù công việc bận rộn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, tích cực, khẩn trương, chủ động triển khai bài bản, công phu như xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, tổ biên tập, căn cứ đề cương và theo sự phân công đã xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung các chuyên đề, phân công nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu, điển hình là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Nội vụ... khẳng định bước khởi đầu thuận lợi, tạo đà hoàn thành đề án đúng tiến độ.
Nhấn mạnh đề án lớn và khó, phạm vi, nội dung nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều chuyên đề có tính chuyên sâu, thời gian nghiên cứu gấp, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân được phân công tập trung nghiên cứu các chuyên đề bảo đảm hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ đề ra theo Kế hoạch số 2 ngày 20/7 của Ban Chỉ đạo.
Các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng các chuyên đề cần bám sát yêu cầu, nội dung đề cương đề án, tập trung cho mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền và nội dung của từng chuyên đề, đề ra mục tiêu, lộ trình, thời gian thực hiện. Việc nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kế thừa những thành tựu đã đạt được trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những nghiên cứu căn bản hiện nay phải được nâng lên tầm cao mới, sát thực tiễn, đáp ứng mục tiêu tối thượng của Nhà nước của dân, vì nhân dân
Chủ tịch nước lưu ý phải có phương pháp tiếp cận khoa học, hệ thống, đồng bộ, toàn diện, có tư duy đổi mới, đột phá với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế của Việt Nam và quốc tế, khu vực, nhất là trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra vũ bão trong thời gian tới. Dựa trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống về lý luận, thực tiễn, kế thừa các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng tránh “bổn cũ chép lại”. Trong quá trình nghiên cứu cần huy động được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các hội thảo, tọa đàm lắng nghe ý kiến tham gia 1 cách bài bản, hệ thống, qua đó tiếp thu, chắt lọc được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, bảo đảm các chuyên đề chất lượng, hiệu quả, khả thi và đúng tiến độ đề ra. Tổ biên tập là khâu kết nối quan trọng giữa các chuyên đề, bảo đảm đồng bộ, góp phần xây dựng đề án có cơ cấu phù hợp, hệ thống nghiên cứu chặt chẽ nên cần được củng cố, bổ sung nhân sự giỏi tham gia, có sự phân công hợp lý.
Chủ tịch nước yêu cầu Ban Nội chính Trung ương thường xuyên đôn đốc các cơ quan thực hiện chuẩn bị các chuyên đề theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, nắm tình hình, xử lý kịp thời vướng mắc có tính liên ngành; khẩn trương phối hợp Văn phòng Trung ương bảo đảm kinh phí và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác phục vụ cho việc triển khai xây dựng Đề án.
Cho rằng, khối lượng công việc còn lại rất lớn, thời gian còn lại không nhiều, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng đề án quan trọng này bảo đảm đề án logic, mang hàm lượng trí tuệ lớn, dễ hiểu, dễ vận dụng thực tiễn trong tổ chức thực hiện, kịp trình tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII).
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()