Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:14 (GMT +7)
Nghiên cứu đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Chủ nhật, 10/11/2024 | 21:49:02 [GMT +7] A A
Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá, nghiên cứu để trình Chính phủ nếu phù hợp sẽ đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho dân.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9/2024, cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá, nghiên cứu để trình Chính phủ nếu phù hợp sẽ đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho dân.
Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 4 tỷ người có nguy cơ nhiễm arbovirus (các virus lây truyền qua các động vật chân khớp) trên toàn thế giới và con số này ước tính sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2050. Các trường hợp mắc sốt xuất huyết đã tăng vọt trên tất cả sáu khu vực của WHO và số ca mắc đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021. Tính đến cuối tháng 8/2024, cả thế giới có hơn 12,3 triệu ca - gần gấp đôi so với 6,5 triệu ca được báo cáo trong cả năm 2023.
Sốt xuất huyết lưu hành ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và cũng đáng lo ngại ở châu Phi...
Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới đã khởi động Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược toàn cầu (SPRP) để giải quyết bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác do muỗi Aedes truyền. Bằng cách thúc đẩy phản ứng phối hợp toàn cầu, Kế hoạch nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sốt xuất huyết và các bệnh do arbovirus khác do muỗi Aedes truyền như Zika và Chikungunya...
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9/2024, cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 15,5%, số ca tử vong giảm 14 trường hợp.
Hiện Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%.
Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
Các chuyên gia y tế cho biết, một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.
Vũ khí mới trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Tại Việt Nam, vaccine phòng, chống sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và phát triển để giúp ngăn ngừa bệnh này.
Hiện tại, đã có vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, thuộc danh mục vaccine được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308/QĐ-QLD ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược, đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.
Một số nghiên cứu vaccine trong nước và quốc tế cũng đang tiếp tục được phát triển và thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn phòng, chống bệnh cho người dân.
Vaccine phòng, chống sốt xuất huyết - một vũ khí mới trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do sốt xuất huyết, góp phần đạt được mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Theo Cục Y tế dự phòng, việc đưa vaccine phòng, chống sốt xuất huyết vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vaccine vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tiêm miễn phí cho người dân.
Cùng đó, để đưa vào tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vaccine phòng, chống sốt xuất huyết.
Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp sẽ đưa vào tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho dân.
Theo các chuyên gia dịch tễ, trước đây, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Nhưng gần đây, tháng nào các cơ sở y tế cũng ghi nhận các ca bệnh, bao gồm cả các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, nếu trước đây các ổ dịch thường tập trung tại khu vực miền Trung và Nam thì nay, sốt xuất huyết đã dần được ghi nhận ở miền Bắc. Thực trạng này cho thấy cần phải gia tăng nguồn lực và bổ sung biện pháp dự phòng sốt xuất huyết chủ động như tiêm chủng khi có vaccine./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()