Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:49 (GMT +7)
Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa các loại đồ uống có cồn với COVID-19
Thứ 2, 24/01/2022 | 09:20:31 [GMT +7] A A
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã phân tích mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các loại đồ uống có cồn với những rủi ro liên quan đến COVID-19.
Theo đài RT (Nga), các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Kangning Thâm Quyến và Bệnh viện Tây Nam Trung Quốc đã thực hiện phân tích 473.957 người, độ tuổi trung bình là 69 tuổi, từ cơ sở dữ liệu Biobank của Anh. Trong đó, có 16.559 người mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã chia những đối tượng này thành nhiều nhóm, theo tình trạng uống rượu (người không uống rượu, người từng uống rượu và người đang uống rượu) và theo tần suất uống rượu (dưới 3 lần một tuần, trên 3 lần/tuần và không bao giờ uống rượu). Sau đó, họ đã áp dụng các hướng dẫn hiện tại về sử dụng rượu bia của Anh để làm mức tham chiếu.
Theo chỉ dẫn của Anh, mỗi người chỉ nên uống dưới 14 đơn vị cồn/tuần. Một ly rượu nhỏ có 1,5 đơn vị cồn và một vại bia có 2 đơn vị cồn. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất trong dung dịch uống - tương đương với 3/4 lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng rượu vang đỏ, rượu vang trắng và rượu sâm-panh đều có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Họ cho biết uống rượu vang đỏ nhiều hơn hoặc nhiều gấp đôi so với hướng dẫn, uống rượu vang cường hoá khoảng 1–2 ly/tuần trong phạm vi hướng dẫn và uống rượu vang trắng hay sâm-panh nhiều hơn mức hướng dẫn, đều đóng vai trò bảo vệ chống lại COVID-19.
Song các nhà khoa học nhấn mạnh rằng uống nhiều rượu hoặc bất kỳ loại đồ uống có cồn đều không có lợi cho sức khỏe.
“Tình trạng người uống rượu, tần suất, lượng uống và các loại đồ uống có cồn không liên quan đến tỷ lệ tử vong vì COVID-19”, báo cáo đăng trên tạp chí Frontiers in Nutrition kết luận thêm.
Trong khi tác dụng bảo vệ của rượu vang đỏ chống lại COVID-19 là đáng kể, bất kể tần suất uống rượu là bao nhiêu, nó chỉ phát huy tác dụng khi người uống nhiều hơn hoặc nhiều gấp đôi hướng dẫn. Điều này có thể do nồng độ cao của các hợp chất phenolic trong loại đồ uống này.
Tuy nhiên, báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng mang đến một số tin xấu cho những người yêu thích bia, rượu táo và rượu mạnh.
Báo cáo cho biết: “Tiêu thụ bia và rượu táo làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19, bất kể tần suất và lượng rượu tiêu thụ là bao nhiêu”. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các chỉ dẫn sức khỏe cộng đồng nên tập trung vào việc giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 bằng cách ủng hộ thói quen lành mạnh và đưa ra các chính sách ưu đãi đối với người tiêu dùng bia, rượu táo và rượu mạnh.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()