Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:07 (GMT +7)
Nghịch lý: Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa, thực phẩm vẫn "phi mã"
Chủ nhật, 17/07/2022 | 17:40:52 [GMT +7] A A
Mặc dù giá xăng vừa được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng/lít, nhưng giá hàng hóa, thực phẩm vẫn liên tiếp tăng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Giá hàng hóa tiêu dùng vẫn tăng dù giá xăng dầu giảm
Điều đáng nói là, mặc dù giá xăng vừa được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng lít (ngày 11.7.2022), nhưng trên thị trường, giá hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm đang tăng giá rất mạnh.
“Ngày 17.7.2022, giá thịt lợn móc hàm tại các chợ đầu mối đã ở mức 105.000 đồng/kg. Không chỉ giá thịt lợn, mà hầu hết các loại rau, củ, quả cũng tăng giá” – ông Nguyễn Văn Đê – kinh doanh thực phẩm tại ngõ 26 Doãn Kế Thiện (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Theo các chủ trang trại chăn nuôi, tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi tăng 4.000 - 7.000 đồng/kg trong tuần qua, có địa phương mức giá lợn hơi đã trên 73.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi tăng 8.000 đồng/kg trong tuần qua, dao động trong khoảng 61.000-67.000 đồng/kg. Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi tăng từ 1.000-7.000 đồng/kg, bán ra với giá từ 59.000-66.000 đồng/kg.
Khảo sát của PV cũng cho thấy, giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng "chóng mặt", trong đó, giá mặt hàng thịt lợn gần như “điều chỉnh tăng hàng ngày”. Cụ thể, giá thịt lợn loại ngon nhất bán ra ở mức 170.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với ngày hôm trước.
Giá các loại rau, củ cũng liên tiếp được điều chỉnh: Hành lá tăng từ 35.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 đồng/bó lên 15.000 đồng/bó, cải thảo (Trung Quốc) từ 15.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg; hành, tỏi cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg…
Giá tiêu dùng tăng khiến khả năng kìm giữ lạm phát rất thách thức
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã qua 17 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần điều chỉnh tăng và chỉ có 4 lần được điều chỉnh giảm. Đặc biệt, giá xăng dầu đã có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15.
Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Muốn kiềm chế lạm phát cần có giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu. Trong tình trạng giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nguy cơ không chỉ sản xuất bị gián đoạn mà tình hình lưu thông hàng hóa ở một số thị trường cũng bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực. Giá xăng, dầu tăng cao và trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tăng lạm phát.
“Xăng dầu thuộc nhóm chi phí cao và thiết yếu đối với các ngành kinh tế, chiếm tỉ trọng không nhỏ trong chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và cần nhiều nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, làm chậm quá trình mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động sản xuất nhiều ngành trực tiếp có thể bị ngưng trệ, đặc biệt là các ngành vận tải, khai thác thủy sản.
Vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép” – bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.
Theo phân tích của TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mức giảm giá xăng dầu ngày 11.7.2022 vừa qua có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát.
“Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không biến động, việc giảm giá ngày 11.7.2022 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước. Tuy vậy, tác động đến giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và kiềm chế lạm phát không nhiều vì giá xăng dầu vẫn ở mức cao” – TS Nguyễn Bích Lâm nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: Hiện nay, xăng dầu đang phải chịu 4 loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Có thể thấy xăng dầu đang phải chịu quá nhiều loại thuế, cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()