Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Nghĩa tình với những cán bộ đi B
Thứ 5, 12/10/2023 | 08:11:21 [GMT +7] A A
Hơn 50 năm trước, khi tình nguyện xung phong lên đường “đi B”, các cán bộ phải gửi lại toàn bộ tư trang, giấy tờ và cả tài sản cá nhân cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trải qua thời gian với bao thăng trầm của lịch sử, có người còn, người mất, đến hôm nay, hàng chục cán bộ đi B của Quảng Ninh đã được nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình trong niềm rưng rưng xúc động.
Kỷ vật trở về
Ngày 4/10/2023, Sở Nội vụ Quảng Ninh tổ chức trao trả hồ sơ cho cán bộ tỉnh Quảng Ninh đi B giai đoạn 1965-1975. Nhìn hơn 100 hồ sơ được bảo quản cẩn thận, trưng bày trang trọng tại hội nghị khiến nhiều người xúc động.
Bà Đoàn Thị Xưởng (bí danh Bích Ngà) đi B vào tháng 8/1968, hiện trú tại thôn 11, xã Hải Đông, TP Móng Cái. Ngày 12/6/1968, khi tròn 20 tuổi, bà Đoàn Thị Xưởng viết đơn tình nguyện “đi bất cứ nơi nào của Tổ quốc”. Trong đơn, bà viết: “Khi tốt nghiệp ra trường, tôi sẽ xung phong đi bất cứ nơi nào của Tổ quốc, nơi nào khó khăn gian khổ tôi muốn được bàn tay tôi góp phần xây dựng. Tôi sẽ mang hết khả năng và nhiệt tình với sự hiểu biết của tôi đã thu hoạch được ở trường để phục vụ cho nhân dân, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân cũng như phục vụ cho chiến trường hiện nay đang yêu cầu”. Chỉ 2 tháng sau khi viết đơn tình nguyện, bà lên đường đi B. Trải qua 7 năm công tác ở nhiều đơn vị, địa phương như Tây Ninh, Phước Long, Campuchia... với nhiệm vụ là y sĩ, tháng 4/1975 bà trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
|
Cầm trên tay bộ hồ sơ của mình gửi lại trước lúc đi B, bà Xưởng không kìm được nước mắt. Bà chia sẻ: Gần một tuần nay, khi được cán bộ Phòng Nội vụ Móng Cái thông tin tôi sẽ nhận được hồ sơ của mình trước lúc đi B, tôi hồi hộp đến mất ngủ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể nhận lại được những kỷ vật ấy. Vậy mà giờ đây, tôi được cầm trên tay những giấy tờ cá nhân của mình được giữ gìn rất cẩn thận, tôi thấy như cả một khoảng ký ức thuở đôi mươi ùa về...
Cũng mang tâm trạng hồi hộp đến nhận hồ sơ, ông Nguyễn Mạnh Hùng (74 tuổi, trú tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) còn bất ngờ hơn khi nhận ra hồ sơ đi B của cả em trai mình. Ông Hùng đã không ngăn được những giọt nước mắt tuôn trào vì xúc động. “Tôi đi B năm 1972, vào nhận công tác tại Văn phòng Khu uỷ Khu 5 và đến tháng 6/1976 thì trở về Quảng Ninh, công tác tại Nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả. Kể từ ngày gửi lại hồ sơ cho Ban Thống nhất Trung ương quản lý, đã 51 năm trôi qua, tôi không biết hồ sơ của mình lưu lạc ở đâu, nơi nào cất giữ. Bây giờ, khi nhận lại được kỷ vật của mình, tôi rất xúc động. Đặc biệt hơn cả là khi đến nhận hồ sơ tôi sững sờ, vô cùng cảm động khi nhận ra hồ sơ của em trai tôi là Nguyễn Mạnh Dũng, đi B năm 1973, bị tai nạn mất năm 1978, là tử sĩ” - ông Hùng chia sẻ.
Nâng niu hai bộ hồ sơ trong tay, ông Hùng cho biết thêm: Thời gian trôi qua đã lâu nhưng với những người từng đi B như chúng tôi thì dư âm những ngày gian khó, bom đạn chiến tranh vẫn luôn còn đó. Những hồ sơ này vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, nó khơi gợi, nhắc nhớ về nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ, về những ngày tháng xung phong, cống hiến cho Tổ quốc, là kỷ vật vô giá không phải ai cũng có được. Nhận được hồ sơ của bản thân, nhận được kỷ vật của em tôi, gặp lại đồng đội sau bao năm mất liên lạc, tôi vô cùng xúc động, cảm kích...
Hành trình xúc động
Từ cuối năm 1959, hàng trăm đoàn cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện đã bí mật vượt dãy Trường Sơn vào miền Nam, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Họ được gọi là những người “đi B”. Giống như các địa phương khác, Quảng Ninh cũng có nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên... tình nguyện lên đường chi viện cho các chiến trường phía Nam.
Trước khi vào Nam, theo quy định, cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Sau khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể năm 1976, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 8/1981, Ban Tổ chức Trung ương đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ, trong đó có khối hồ sơ, kỷ vật về Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Năm 2016, Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Sở Nội vụ Quảng Ninh, đã tiếp nhận 149 bộ hồ sơ của các cán bộ đi B có địa chỉ cư trú tại Quảng Ninh. Ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác; quyết tâm thư, đơn tình nguyện đi B; các giấy tờ chứng nhận trình độ học tập như chứng chỉ và bằng cấp,... hồ sơ đi B còn có rất nhiều các loại kỷ vật khác như huân chương, huy chương, huy hiệu, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay... Mỗi một thành phần, nội dung giấy tờ, kỷ vật đều là một phần, một mảnh ghép ký ức của cán bộ đi B.
Sau khi tiếp nhận, các hồ sơ được lưu giữ, bảo quản tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh. Đây là nguồn sử liệu vô giá, minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc... Khối hồ sơ này đã được Sở Nội vụ tổ chức công bố, giới thiệu thông qua hoạt động triển lãm, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó đã tuyên truyền về tình yêu quê hương đất nước, ý chí, tinh thần cách mạng và sự đóng góp của các thế hệ cán bộ đi B tỉnh Quảng Ninh với sự nghiệp cách mạng miền Nam. Đồng thời thông qua hoạt động giới thiệu, tuyên truyền, Sở Nội vụ tìm kiếm thêm được địa chỉ của một số cán bộ đi B mà trước đó các địa phương chưa tìm được.
Do có sự thay đổi nhiều về địa giới hành chính, địa danh, về tên cơ quan, đơn vị công tác của cán bộ trước khi đi B so với thời điểm hiện tại nên các cán bộ mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, xác định địa giới hành chính, tên cơ quan, đơn vị công tác của cán bộ đi B và việc phân loại danh sách cán bộ đi B theo từng địa bàn. Tuy nhiên, nhận thức được sâu sắc trách nhiệm nghề nghiệp và tiếp tục thực hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, nước mắt và cuộc sống cá nhân, tất cả vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, Sở Nội vụ đã giao Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh nghiên cứu, xác định địa giới hành chính để phân loại, thống kê hồ sơ cán bộ đi B theo từng địa bàn làm cơ sở tìm kiếm thông tin, địa chỉ của cán bộ đi B.
Trên cơ sở danh sách thống kê, Sở Nội vụ đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, tìm kiếm thông tin, địa chỉ của cán bộ đi B và thân nhân của cán bộ đi B. Căn cứ kết quả các địa phương rà soát, cung cấp, Sở Nội vụ tổng hợp và đề nghị Trung tâm Truyền thông tỉnh đăng tin trên Báo Quảng Ninh để tìm kiếm thông tin, địa chỉ đối với các hồ sơ chưa tìm được thông tin, địa chỉ của cán bộ đi B hoặc thân nhân của cán bộ đi B.
Với những nỗ lực ấy, từ tháng 4/2023 đến nay, Sở Nội vụ đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tìm kiếm được 87/149 địa chỉ, thông tin của cán bộ đi B và thân nhân của cán bộ đi B (trong đó 47/87 cán bộ đi B còn sống, 40 cán bộ đi B đã mất). Có 69/87 địa chỉ tại tỉnh Quảng Ninh; 18/87 địa chỉ tại các tỉnh ngoài. Đối với số hồ sơ còn lại chưa tìm được thông tin, địa chỉ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan để tìm kiếm, xác minh địa chỉ; bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử để người dân biết liên hệ nhận lại hồ sơ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử hoặc yêu cầu chuyển qua đường bưu điện đối với những trường hợp ở xa, đi lại gặp khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Sở Nội vụ Hoàng Thị Mai cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã mở triển lãm, phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tuyên tuyền đến đông đảo nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý chí, tinh thần cách mạng và sự đóng góp của cán bộ đi B tỉnh Quảng Ninh đối với sự nghiệp cách mạng miền Nam. Đồng thời, Trung tâm đã tích cực trong thống kê, rà soát thông tin, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh để tìm kiếm thông tin của cán bộ đi B và thân nhân của họ. Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B là việc làm vô cùng ý nghĩa, do đó, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm để trao trả kỷ vật còn lại cho các cán bộ đi B và thân nhân của họ nhằm thể hiện tình cảm, sự tri nhân với những người đã cống hiến cả thanh xuân cho Tổ quốc.
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()