Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:17 (GMT +7)
Nghị quyết số 06-NQ/TU: Sự kết nối sức mạnh của ý Đảng - lòng dân
Thứ 6, 15/09/2023 | 08:19:00 [GMT +7] A A
Qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã thực sự đi vào cuộc sống, đưa kinh tế - xã hội của vùng khó bứt phá, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể.
Nghị quyết của lòng dân
Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Việc nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách các vùng, góp phần xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu hết năm 2021, xóa "vùng lõm" sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi Đề án đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Định hướng đến năm 2030, các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm…
Đây là Nghị quyết của ý Đảng - lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lợi ích phát triển chung của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi mà cả tỉnh đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, động lực tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực phía Bắc, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Quá trình triển khai thực hiện hơn 2 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã duy trì tốt công tác chỉ đạo, sâu sát kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, kiểm điểm tiến độ triển khai từng tiêu chí, chỉ tiêu trong Nghị quyết. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp tục dành nhiều thời gian đi cơ sở để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc kịp thời điều chỉnh cơ chế, biện pháp điều hành và giải pháp thực hiện.
Biến nghị quyết thành hiện thực sinh động
Nghị quyết số 06-NQ/TU thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem lại hạnh phúc cho người dân.
Để chủ trương của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó xác định các nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU, giao nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện đối với từng sở, ban, ngành, UBND các địa phương với 21 nhóm chỉ tiêu và 73 nhiệm vụ cụ thể; 27/27 sở, ban, ngành và các địa phương thuộc tỉnh đã cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND.
Với cách làm bài bản, đồng bộ nhịp nhàng từ tỉnh đến địa phương, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã được hiện thực hóa, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 56 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay hơn 2.008 lượt khách hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Cuộc sống của gia đình anh Hàn Văn Toàn ở thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái những năm gần đây đã có những thay đổi rõ nét nhờ phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi. Năm 2021, với 50 triệu đồng được vay từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, gia đình anh Toàn đã trồng thêm được 2ha cây quế, nâng tổng số diện tích quế hiện có của gia đình lên 12ha. Ngoài trồng cây quế, gia đình anh cũng đầu tư làm trang trại nuôi và cung cấp dê thịt, dê giống cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.
Anh Toàn chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, tôi đã mở rộng diện tích trồng rừng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp cho nên người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm để nhiều đồng bảo dân tộc thiểu số chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn vay này tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh hỗ trợ về vốn sản xuất, tỉnh cũng tập trung thực hiện Đề án giao đất, giao rừng, nhất là ở vùng DTTS, miền núi trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê là 139.313,79ha với 34.309 hộ.
Từ việc ổn định về đất ở, đất sản xuất, các địa phương tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững, tập trung vào việc quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững... 8 tháng năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung ở Quảng Ninh đạt trên 5.000ha; trong đó diện tích trồng lim, dổi, lát đạt 657,54ha.
Đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768,53ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 896 hộ gia đình, cá nhân này để tham gia chính sách trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa là 38,47 tỷ đồng.
Cùng với đó, các địa phương còn định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS, miền núi theo hướng hàng hóa tập trung, trên cơ sở phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương. Để thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ở vùng DTTS, các địa phương đã tích cực vận động doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; vận động người dân thành lập HTX. 8 tháng năm 2023, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thành lập mới 9 HTX. Hiện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Đòn bẩy đưa vùng khó bứt phá
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Nghị quyết 06-NQ/TU đặt ra là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đây cũng chính là yếu tố căn bản làm đổi thay diện mạo của các vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Hơn 2 năm qua, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện 101 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, trong đó, 20 dự án thuộc Chương trình tổng thể DTTS và 81 dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều dự án giao thông động lực, kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu đã được triển khai như dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2 ; Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ, huyện Tiên Yên; Đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An, huyện Đầm Hà; Đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà...
Nổi bật phải kể đến Dự án cải tạo đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2.Tuyến đường hoàn thành ngoài việc cải thiện điều kiện giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, còn là động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn, góp phần phát triển nhanh, mạnh KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tạo sức hút mạnh về vận tải hàng hóa thông qua tuyến tới các KKT cửa khẩu Móng Cái và ngược lại.
Thênh thang đi trên con đường mới được cải tạo, nâng cấp, những người vui nhất có lẽ chính là đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Sơn, Hải Sơn (TP Móng Cái). Ước mơ về một con đường tiến gần hơn, nhanh hơn với trung tâm thành phố đã thành hiện thực. Bà Lý Thị Mỳ, thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn phấn khởi cho biết: Trước đây, khi chưa có đường mới thì di chuyển từ Bắc Sơn xuống thành phố Móng Cái mất hơn 1 tiếng, bây giờ đường đẹp chỉ mất có 30 phút. Giờ đây mang nông sản xuống thành phố bán rất nhanh và thuận tiện, thu nhập của chúng tôi cao hơn trước kia nhiều nên đời sống đã khấm khá, không còn cảnh nghèo nữa rồi.
Thực hiện mục tiêu“không còn nhà ở tạm, nhà dột nát” được đặt ra trong Nghị quyết số 06, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/5/2023 về việc triển khai thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 và ban hành Văn bản số 1542/UBND-XD5 ngày 19/6/2023 về việc huy động các nguồn lực và triển khai thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 66 hộ còn có nhà ở tạm, nhà ở dột nát cần hỗ trợ, trong đó có 55 hộ có nhà ở dột nát và 11 hộ có nhà ở chưa đảm bảo tiêu chí 3 cứng theo quy định của Bộ Xây dựng.
Với sự chung tay của tỉnh, địa phương, các ban, ngành và sự nỗ lực của chính các hộ có nhà ở tạm, nhà dột nát, đến nay 66 hộ trên đã được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Ngắm nhìn ngôi nhà rộng 70m2 là mơ ước bấy lâu nay, anh Chìu Vằn Sàu (người dân tộc Dao ở thôn An Sơn, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) không khỏi bồi hồi xúc động. Anh Sàu tâm sự: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo của xã, lại có con bị khuyết tật đặc biệt nặng, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn của 2 vợ chồng nên việc xây nhà mới là quá sức và gia đình vẫn sống trong căn nhà cũ xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp, xập xệ. Mọi hoạt động sinh hoạt trong gia đình như nấu ăn, ngủ nghỉ rất chật hẹp, bất tiện. Giờ có ngôi nhà mới, cả gia đình vẫn ngỡ như là mơ vậy.
Cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc như anh Sàu, gia đình ông Hoàng Văn Khánh là hộ cận nghèo ở thôn 4, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà, cũng không giấu được niềm vui, sự háo hức trong ngày chính quyền địa phương bàn giao nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát.
Ông Khánh phấn khởi: Trông ngôi nhà thật khang trang, ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Nếu không có sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và chính quyền địa phương, cùng sự chung sức của cộng đồng thì những hộ dân khó khăn về nhà ở như chúng tôi chẳng biết bao giờ mới xây được căn nhà tươm tất như này. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn cho mọi thành viên trong gia đình tôi cố gắng làm ăn để có được cuộc sống khá hơn trong thời gian tới.
Bắt đầu cuộc sống mới trong niềm hân hoan, phấn khởi và tràn đầy hy vọng khi được an cư trong căn nhà mới kiên cố, chắc chắn gia đình anh Chìu Văn Sàu cũng như gia đình ông Hoàng Văn Khánh từ nay sẽ có cuộc sống ổn định hơn, tốt đẹp hơn.
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng từ 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn địa bàn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự tại địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Những kết quả đạt được qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU đã góp phần cụ thể hóa khâu đột phá về “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU trong và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Ngọc Huyền - Ngọc Ánh
Liên kết website
Ý kiến ()