Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:49 (GMT +7)
Nghị quyết 30-NQ/TW tạo bước phát triển toàn diện cho Vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh
Thứ 3, 29/11/2022 | 15:16:37 [GMT +7] A A
Sáng 29/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đến những nội dung trọng tâm của Nghị quyết, nhất là những nội dung nói về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong mối quan hệ với các địa phương của vùng.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hoàng Quang Hải: “Nghị quyết 30 đưa ra những định hướng mới trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế”
Nghị quyết số 30-NQ/TW được ban hành và thực hiện đã góp phần định hướng cụ thể sự phát triển của các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có Quảng Ninh.
Trong Nghị quyết đã định hướng sẽ phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, tăng tính kết nối vùng, liên vùng và quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục khai thác, phát huy, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gắn với các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, các đô thị lớn và các khu kinh tế trọng điểm.
Đây cũng là một trong những động lực quan trọng để Quảng Ninh sớm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô, vùng Thủ đô và toàn vùng, cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Quang Trực: “Nghị quyết 30 kế thừa, bổ sung và phát huy được chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nguồn lao động của Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và của Quảng Ninh nói riêng”
Nghị quyết 30-NQ/TW được triển khai sẽ giúp các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng tạo được sự liên kết bền vững. Từ đó, cùng phối hợp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội, riêng biệt của từng địa phương để phát triển nhanh, bền vững vùng. Đồng thời, đây cũng là “kim chỉ nam” cho động lực phát triển vùng, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước cũng như sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt, trong số các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 30-NQ/TW, có nội dung về phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là nội dung quan trọng và cần được thực hiện đồng bộ gắn liền với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành, địa phương cần phối hợp tập trung thực hiện triệt để các nội dung của Nghị quyết. Trong đó, cần phải đẩy mạnh việc rà soát nguồn lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, hình thức đào tạo cho lao động nông thôn, lao động chất lượng cao.
Đồng thời, cần tiếp tục tập trung đầu tư, thu hút mọi nguồn lợi xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nền tảng theo hướng hiện đại hóa và có thế mạnh của tỉnh như: Công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ… Cùng với đó, tiếp tục thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý các cơ sở đầu tàu về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng chuẩn quốc tế, xây dựng các trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên sâu... nhằm đáp ứng đa dạng ngành nghề theo nhu cầu phát triển của tỉnh.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: “Định hướng quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế gắn với phát triển các đô thị”
Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ra đời là cơ sở chính trị cao nhất và có ý nghĩa hết sức quan trọng với những định hướng, tầm nhìn dài hạn để các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng hoạch định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với tỉnh Quảng Ninh có những điều kiện hết sức thuận lợi khi trong Nghị quyết cũng đã khẳng định vai trò vị thế của tỉnh Quảng Ninh trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, khẳng định vị trí hết sức quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong Nghị quyết đã định hướng và khẳng định tiếp tục xây dựng tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trở thành vùng kinh tế biển động lực của Vùng đồng bằng sông Hồng. Nghị quyết cũng có một điểm mới hết sức quan trọng, đưa ra định hướng phát triển đô thị từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gắn với vùng kinh tế biển. Ngoài ra, trong định hướng của Nghị quyết cũng nêu ra các yêu cầu về tái cơ cấu phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng, phát triển đô thị hóa bền vững, đô thị xanh; các định hướng về hạ tầng giao thông đặc biệt là giao thông cao tốc, giao thông đường sắt và giao thông đường thủy, trong đó có các tuyến quan trọng cho khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng. Đây là những điều kiện quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế gắn với phát triển các đô thị và các vành đai kinh tế dọc theo hàng lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Giang: “Nhiều mô hình mới, các cơ chế chính sách đột phá được xác định trong Nghị quyết 30, trong đó có thí điểm mô hình Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Quảng Ninh”
Nghị quyết số 30-NQ/TW đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó xác định rõ việc xây dựng các mô hình mới, cơ chế đột phá để khai thác được các hành lang kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, xác định Quảng Ninh sẽ thực hiện thí điểm mô hình Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Để triển khai nhiệm vụ này, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan cũng như các địa phương phải tập trung thực hiện các giải pháp hết sức cụ thể. Trong đó, tập trung vào thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển sản xuất có sản phẩm để xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm ở trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu đi qua đường Quảng Ninh – địa phương duy nhất có cả đường bộ, đường biển, đường hàng không; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia tốt các hiệp định thương mại quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy: “Nghị quyết 30 thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị tới sự phát triển ngành Du lịch Quảng Ninh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng”
Việc ban hành và triển khai, quán triệt kịp thời, đồng bộ Nghị quyết số 30-NQ/TW đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Vùng đồng bằng sông Hồng - nơi có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc.
Nghị quyết cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị tới sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng. Nhất là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, Nghị quyết đã xác định đến năm 2030 toàn vùng sẽ thu hút 120 triệu lượt khách và đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới. Hoàn thành mục tiêu nói trên, ngành Du lịch Quảng Ninh cũng đặt nhiệm vụ cho mình là đến năm 2030 phải thu hút trên 30 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt. Với con số này, ngành Du lịch Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng.
Đồng thời cũng sẽ chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch của tỉnh với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tập trung tuyên truyền quảng bá, hợp tác phát triển du lịch, chú trọng một số thị trường truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng thị trường Úc, Mỹ, ASEAN, Ấn Độ, trong đó khai thác tối đa hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tận dụng tối đa các cơ hội để tham gia sự kiện lớn, lễ hội do các nước trong khu vực ASEAN tổ chức để mở rộng giao lưu, quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Ninh đến bạn bè quốc tế.
Bí thư Thị ủy Đông Triều Nguyễn Văn Công: “Có thêm những “cú hích” để tỉnh Quảng Ninh phát triển bứt phá hơn nữa"
Trong Nghị quyết số 30-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đặt ra những mục tiêu, đưa ra các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, ý chí rất cao của Đảng, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đặc biệt, với Nghị quyết này, sẽ có những “cú hích” để tỉnh Quảng Ninh phát triển bứt phá hơn nữa. Chỉ xét riêng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, chúng ta đã thấy tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong Nghị quyết với nhiều điểm hết sức mới mẻ, đột phá và hiện đại. Cụ thể như: Thực hiện thí điểm một số mô hình cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; xây dựng Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á; phát triển chuỗi đô thị Quảng Ninh gắn với kinh tế biển; xây dựng cơ chế chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc… Điều quan trọng là Nghị quyết đã đặt sự phát triển của Quảng Ninh với các địa phương trong vùng sẽ đảm bảo sự thống nhất của tất cả các địa phương trong quá trình triển khai. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí nguồn lực, tăng sức cạnh tranh của các địa phương trong vùng.
Về phía Đông Triều, Nghị quyết cũng là định hướng quan trọng để tạo động lực cho thị xã phát triển. Vì với vai trò là một trong những cửa ngõ quan trọng trong kết nối Quảng Ninh với Vùng đồng bằng sông Hồng, chắc chắn Nghị quyết sẽ tạo "cú hích" quan trọng trong việc định vị, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng kết nối và thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Minh Đức - Thu Chung - Hoàng Nga (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()