Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:01 (GMT +7)
Nghị quyết 06-NQ/TU tạo đột phá phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo
Thứ 4, 10/04/2024 | 14:20:25 [GMT +7] A A
Ngày 10/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án 409 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nghị quyết đầu tiên và chiến lược, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại hạnh phúc cho người dân; từng bước hiện thực hóa khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết nghị. Đồng thời, cụ thể hóa 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU đồng bộ với tổ chức thực hiện Đề án 409 của tỉnh và triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai tổ chức thực hiện bằng các nghị quyết của HĐND tỉnh, các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng, ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh và quy định của Trung ương. Tỉnh cũng đã ưu tiên dành nguồn lực rất lớn từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vốn tín dụng và nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết và các chương trình MTQG; huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân. Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh đã huy động trên 118.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình MTQG. Trong đó nguồn vốn tín dụng và huy động ngoài ngân sách chiếm trên 84%, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 16% tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có tính lan tỏa, động lực.
Bằng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết 06 đã thực sự đi vào cuộc sống. Đến nay tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng, cốt lõi của các nghị quyết, chương trình này, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã vượt xa so với chỉ tiêu chung của cả nước. Hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm, hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo. Trong đó, huyện Bình Liêu là huyện dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập; bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thay đổi từng ngày. Tính đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm; tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS. 100% số xã miền núi có đường ôtô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh.
Cũng trong 3 năm qua, đã có 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí huy động trên 78,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, xây dựng, sửa chữa 527 nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát, vượt kế hoạch của tỉnh giao là 441 hộ.
Nhân dân ngày càng được thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh đã góp phần quan trọng giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr ghi nhận và chúc mừng những thành tích và kết quả nổi bật quan trọng mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 06 gắn với 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Kết quả này minh chứng cho những cách làm chủ động, sáng tạo mà địa phương đã triển khai thông qua việc đặt mục tiêu của địa phương cao hơn mục tiêu chung của quốc gia; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân. Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng, là điển hình trong thực hiện các chương trình MTQG nói chung và chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể được tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện Nghị quyết 06 gắn với các chương trình MTQG từ nay đến hết nhiệm kỳ. Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể kết quả, tiến độ thực hiện và xác định giải pháp cụ thể để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với với hoàn tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình MTQG. Trong đó đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu về nâng thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn và thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, với yêu cầu cao về quy trình, chất lượng, gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP. Quan tâm củng cố, nâng chất các tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới và tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo theo tiêu chí riêng của tỉnh để đảm bảo tính bền vững.
Tỉnh cần tiếp tục quan tâm ưu tiên, bố trí nguồn lực cho giai đoạn 2024-2025; tiếp tục quan tâm nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua thực hiện các chương trình MTQG, thực hiện các chính sách dân tộc. Chỉ đạo sớm việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026-2030 đảm bảo sự tiếp nối liên tục, hiệu quả của việc thực hiện chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06 là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song quan trọng nhất là các quyết sách cùng nhiều chủ trương về cơ chế, chính sách cụ thể hoá phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh và quy định của Trung ương. Đó là do sự kiên định, nhất quán, kiên trì, vững vàng, trăn trở tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện, sát sao công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, người đứng đầu, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo căn cơ, bài bản, khoa học triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy. Đó là sự quản lý, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của UBND tỉnh, của chính quyền các cấp; sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh; là sự nỗ lực của người dân đã ngày càng phát huy vai trò làm chủ, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu; là khâu tổ chức thực hiện được chú trọng, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương với phương châm “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, “5 thật, 6 dám“.
Những kết quả đạt được tạo ra nền tảng vững chắc, khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Mục tiêu từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh kiên trì nỗ lực, quyết tâm, củng cố thành quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đi sâu triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững gắn với đô thị hóa, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; hết năm 2024 không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh; hết 2025 không còn hộ cận nghèo, để tiếp tục xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với trình độ phát triển của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu bám sát đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU, Đề án 409 và các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với những yêu cầu mới tại Nghị quyết 17-NQ/TU để tổ chức thực hiện. Trong đó, kiên trì phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; kiên trì thực hiện phương châm “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy thành thị dẫn dắt nông thôn”.
Kiên trì thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU. Đó là phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động, nhất là lao động trẻ trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, học sinh ở những vùng khó khăn, đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao nhằm tiếp tục thu hẹp chênh lệch vùng, miền về chất lượng giáo dục đào tạo. Rà soát, sắp xếp lại hợp lý đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, dạy và học đối với học sinh dân tộc nội trú, phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong tình hình mới. Phát huy tối đa giá trị, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa, “vốn hóa” các giá trị văn hóa địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ độc đáo, khác biệt; thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng bền vững, thương mại biên giới.
Tổ chức tốt các phong trào thi đua, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung xây dựng nông dân văn minh từ sản xuất kinh tế, quản trị xã hội, tổ chức đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng; xây dựng thế hệ nhà nông mới tiêu biểu về trình độ, năng lực làm chủ nông thôn.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, đồng thuận, hài hòa, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, người dân ngày càng được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 27 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()