Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:56 (GMT +7)
Nghỉ hè, sinh viên ở lại thành phố tất bật làm thêm
Thứ 6, 14/06/2024 | 15:42:27 [GMT +7] A A
Không chọn về quê, nhiều sinh viên tại Hà Nội đã chọn ở lại tìm việc làm thêm toàn thời gian dịp hè để có khoản tiết kiệm, chuẩn bị nộp học phí đầu năm học mới.
Năm nay là năm đầu tiên lên Hà Nội học tập, bạn Nguyễn Thị Giang (sinh viên năm nhất chuyên ngành Kinh tế đầu tư, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã chọn ở lại thành phố 2 tháng dịp hè để đi làm thêm ở một quán trà trên đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng).
Giang cho biết, em đã làm thêm ở đây được 7 tháng. Mỗi giờ làm việc tại đây được trả 20.000 đồng. Theo nữ sinh, 2 tháng nghỉ hè là dịp để tăng ca, tranh thủ làm thêm giờ để có đủ tiền học thêm tiếng Anh trong dịp hè.
"Nếu về quê, em thấy thời gian trôi chậm, cứ đi ra, đi vào rồi không làm được việc gì. Ở lại làm thêm, em thấy vừa có thêm trải nghiệm, vừa có thể kiếm được số tiền gần gấp đôi so với các tháng trong năm học", Giang cho hay.
Với Giang, việc không về nhà dịp hè không khiến em cảm thấy áy náy. Bởi cứ khoảng 2 tuần Giang đều về thăm bố mẹ 1-2 ngày cuối tuần rồi trở lại thành phố tiếp tục công việc và dự định học tập của mình.
Với bạn Nguyễn Hạnh Trang - sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Đại Nam, giai đoạn nghỉ hè này là dịp cô bạn vừa chuẩn bị CV để "rải đơn" xin việc, vừa duy trì công việc làm thêm ở cửa hàng bánh trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) để đủ tiền trang trải trước khi tìm được công việc đúng ngành.
Trang cho biết, nhắc tới ngành ngôn ngữ Anh, nhiều người sẽ nghĩ không thiếu việc và không thiếu cơ hội để kiếm tiền như làm gia sư tiếng Anh, dịch thuật... ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng với Trang lại khác, nữ sinh này cảm thấy chưa xác định sẽ làm một công việc cụ thể nào liên quan đến ngành học. "Đợt nghỉ hè năm nay cũng là thời điểm quyết định của năm cuối, em vừa đi làm thêm vừa tìm hiểu xem công ty nào có vị trí phù hợp. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ có thể đi làm luôn mà không mất thời gian đi tìm việc", Trang chia sẻ.
Còn bạn Bùi Công Hoàng - sinh viên năm 4 Trường Đại học Điện Lực, lại thấy đi làm dịp hè khá thoải mái, vì đi làm về là được "ngủ xả hơi", còn lúc vừa học vừa làm sẽ rất uể oải.
Hoàng đang làm việc ở một quán gà rán, chủ yếu ca chiều và ca tối, đến nay cũng được hơn một năm. Nam sinh nhận thấy, dịp hè rất thích hợp để đi làm thêm một cách thoải mái, không vướng bận chuyện học. "Những ngày đi làm trong năm học đôi khi em bị cuốn vào làm thêm và không có thời gian ôn lại kiến thức", Hoàng nói.
Theo quan điểm của nam sinh Trường Đại học Điện Lực, nếu bạn nào cảm thấy bị "bòn rút năng lượng" trong cả năm học có thể tranh thủ dịp nghỉ hè để về quê thư giãn. "Còn với em, nghỉ hè là dịp để tăng tốc kiếm tiền, giãn bớt áp lực chi phí năm học mới cho bố mẹ", Hoàng chia sẻ.
Dịp nghỉ hè, nếu bị cuốn quá sâu và bị hấp dẫn bởi thu nhập, sinh viên sẽ mất khoảng trống cho những giờ tự học, nghiên cứu. Đối với các bạn sinh viên năm nhất mới đi làm, sẽ có tâm lý xin làm tăng ca hay đăng ký làm full-time (toàn thời gian) để tăng thu nhập. Tuy nhiên, mỗi sinh viên cần có kỹ năng quản trị thời gian và điều hòa nhu cầu cá nhân để không bị sao nhãng bởi mục tiêu, nhiệm vụ chính.
Theo TS. Trần Thị Thanh Mai - giảng viên Đại học Luật Hà Nội, tại Việt Nam, việc đề xuất bổ sung Điều 30 quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên sẽ có những ưu điểm nhất định như: giúp sinh viên tránh “bẫy” thu nhập thấp; tạo sự cân bằng cho sinh viên và kích thích họ tham gia vào các hoạt động sáng tạo nhiều hơn; làm căn cứ cho các doanh nghiệp, đại diện sử dụng lao động buộc phải tuân theo, không sử dụng lao động quá thời gian lao động... Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua sẽ chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi làm thêm của sinh viên với áp lực sinh hoạt phí cao.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()