Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:14 (GMT +7)
Nghệ thuật thêu tay của người Dao Thanh Y
Chủ nhật, 28/03/2021 | 09:07:05 [GMT +7] A A
Người Dao Thanh Y ở Tiên Yên cũng giống như các dân tộc anh em khác, có các giá trị văn hoá, phong tục tập quán riêng mang ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, các bộ trang phục của đồng bào được phụ nữ Dao Thanh Y thêu cầu kì, tinh tế nhưng phù hợp với phong tục và tập quán lao động sản xuất.
Mỗi bộ trang phục của người Dao Thanh Y không chỉ chứa đựng bản sắc dân tộc mà còn thể hiện sự khéo léo, tư duy sáng tạo và khả năng thẩm mỹ của những người phụ nữ nơi đây. Các họa tiết, hoa văn thể hiện lòng yêu quê hương, bản làng nơi họ sinh ra và mối giao hòa của họ với thiên nhiên, đất trời.
Mỗi bộ trang phục đều được người phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y thêu cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện sự sáng tạo và tư duy thẩm mĩ. |
Chị Dương Thị Hậu, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, huyện Tiên Yên, cho biết: Khác với dân tộc Dao Thanh Phán, các bộ phận thêu trên trang phục chủ yếu là hai vạt áo, hai gấu quần và thắt lưng, thì trang phục của phụ nữ DaoThanh Y là sự kết hợp của nhiều màu sắc, các họa tiết thêu chỉ tập trung trên chiếc mũ đội đầu, ở ngực. Phần lớn thêu bằng các miếng khăn vuông, rồi cài trên mũ đội đầu hoặc vạt yếm ở ngực.
Màu sắc của bộ trang phục rất phong phú, như vàng, đen, trắng, xanh, đỏ kết hợp được trên nền vải đen, hội tụ đủ ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi màu sắc ấy lại tượng trưng cho tư tưởng tâm linh của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, rằng nếu mặc trang phục sắc màu sặc sỡ sẽ tránh được thú dữ, bởi thú có dữ đến đâu cũng vẫn yêu cái đẹp. Điều này cho thấy một nếp nghĩ, tâm hồn đẹp của những con người quanh năm cuộc đời gắn bó với núi rừng.
Có đi, có khám phá mới thấy, văn hóa chính là sự lưu truyền ở trí nhớ. Kỹ năng thêu thùa được người phụ nữ Dao Thanh Y rèn luyện từ nhỏ, vì vậy họ thành thục và điêu luyện với từng đường kim mũi chỉ, các họa tiết trên trang phục chủ yếu thêu vo bằng tay mà không cần kẻ vẽ, tạo hình từ trước. Sản phẩm cuối cùng không phải mặt phải đang thêu mà là mặt lật ngược lại, cho thấy sự độc đáo, phản ánh trí tuệ đặc biệt của người phụ nữ Dao Thanh Y. Có thể nói, công việc thêu thùa của người phụ nữ Dao Thanh Y đã đạt tới trạng thái thiền định. Chính công việc này đã giúp cho họ tạm quên đi cuộc sống nhọc nhằn, tạo cho bản thân một lối sống hồn nhiên, vô ưu mà vẫn đằm thắm dịu dàng như bông hoa của núi rừng.
Trang phục cưới của cô dâu dân tộc Dao Thanh Y với nhiều lớp tầng, đặc biệt là 16 khăn vuông cài quanh người với quan niệm cầu phúc cho cô dâu, chú rể. |
Trong các phụ kiện đi kèm bộ trang phục phụ nữ Dao Thanh Y thì đôi xà cạp để quấn chân là phải thêu kỳ công và khó nhất. Vì cần phải thêu kín các hoa văn trên mặt vải bằng chỉ màu và sau khi thêu xong thì mảnh xà cạp không phải là miếng vải phẳng nữa mà có hình khum khum một chút, khi quấn vào bắp chân phải ôm khít, không thể lỏng ra được.
Thắt lưng thì được thêu bằng chỉ màu gần giống dây buộc bao dao của người Tày, khổ rộng năm đến bảy phân. Không chỉ thêu những hình ảnh thường thấy trong sinh hoạt hằng ngày, hình con chim, con nhện, bông hoa tám cánh hay còn gọi là hoa mào gà cũng xuất hiện trên khăn đội đầu và vạt áo của nữ.
Theo người Dao Thanh Y quan niệm, những mẫu hoa văn này có nghĩa là cầu mong may mắn. Cùng với đó là hình cây thông, hình chim phượng hoàng, hình mặt trời… Các họa tiết không nhiều, không rối, rất hài hòa và nổi bật. Điều đó thể hiện tâm hồn phóng khoáng, sự rung cảm trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và tài năng nghệ thuật của người phụ nữ Dao Thanh Y. Đây cũng là một phần trong quan niệm về thế giới và ý thức chế ngự thiên nhiên của đồng bào.
Để giữ được nghệ thuật thêu và làm ra bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Dao Thanh Y đã truyền dạy cho những người con gái, cháu gái từ khi còn nhỏ từng đường kim, mũi chỉ. Sự kiên trì đó giúp những người con gái Dao Thanh Y trước khi về nhà chồng đều có thể tự tay làm trang phục áo cưới cho mình. Việc truyền dạy cứ tuần tự như thế, tự nhiên như giữ cho ngọn lửa cháy mãi trong bếp lửa của ngôi nhà. Vì thế, những người phụ nữ Dao Thanh Y từ đời này qua đời khác chính là những người giữ gìn, bảo tồn một phần văn hóa dân tộc mình qua bộ trang phục...
Hồng Phương
Liên kết website
Ý kiến ()