Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:38 (GMT +7)
Nghệ sĩ Việt trả giá vì vạ miệng
Thứ 2, 04/03/2024 | 14:09:07 [GMT +7] A A
Mạng xã hội là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng, nhưng cũng đòi hỏi nghệ sĩ có ứng xử chuẩn mực. Trước Nam Em, không ít nghệ sĩ mắc phải sai lầm khi vạ miệng trên không gian mạng.
Trả giá vì phát ngôn sai sự thật
Nguyễn Thị Lệ Nam Em bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phạt 37,5 triệu đồng vì ồn ào livestream những ngày qua. Quyết định được đưa ra hôm 1/3.
Trước đó, Nam Em liên tiếp tổ chức livestream gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, đề cập những góc khuất showbiz, có phát ngôn nhắc đến lãnh tụ, anh hùng dân tộc.
Những nội dung của Nam Em bị cơ quan chức năng đánh giá gây ồn ào mạng xã hội và tiêu cực. Cô cũng "động chạm", hướng dư luận xấu về một số nghệ sĩ thông qua cách gọi tắt.
Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Nam Em chấp hành đúng quy định trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Trước Nam Em, không ít nghệ sĩ phải "trả giá" vì phát ngôn không đúng mực, thậm chí sai sự thật trên mạng xã hội. Đầu năm 2020, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM công bố mức phạt với ba nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng do đưa tin sai về dịch bệnh. Thanh tra sở quyết định mỗi nghệ sĩ bị phạt 10 triệu đồng, mức phạt thấp nhất đối với hành vi nói trên.
Cụ thể, sai phạm là "cung cấp nội dung thông tin sai sự thật", bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức và từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân. Theo Sở Thông tin và truyền thông, các nghệ sĩ nhận mức phạt nhẹ nhất, 10 triệu đồng, vì thái độ hợp tác và cầu thị.
Trước đó, fanpage Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin hai người Trung Quốc bị nhiễm virus corona đã chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn nghệ sĩ Cát Phượng chia sẻ trên trang cá nhân: "Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7..." (những thông tin này được xác định là sai lệch). Sau đó, nữ nghệ sĩ kêu gọi khán giả mua và dùng khẩu trang lọc khí thông minh thương hiệu A.
Diễn viên Ngô Thanh Vân loan tin về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch trong khi trước đó Cục hàng không đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại.
MC Trác Thúy Miêu bị phạt 7,5 triệu đồng theo quyết định của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM vì hành vi đăng tải thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai phạm, gây ảnh hưởng tới công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Năm 2020, ca sĩ Duy Mạnh nộp phạt 7,5 triệu đồng do "phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục", liên quan đến hành vi nói bậy, tục trên mạng.
NSƯT Đức Hải khiến khán giả thất vọng, ngỡ ngàng khi đăng tải bài viết công kích cá nhân, sử dụng một số từ ngữ tục tĩu. Sau bài đăng, nghệ sĩ này lập tức bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.
Hệ lụy từ ứng xử xấu xí
Ngoài án phạt hành chính, hình tượng trong lòng công chúng bị ảnh hưởng là án phạt "nhớ đời" với nghệ sĩ có phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng nghệ sĩ là đối tượng quan trọng trên không gian mạng.
"Nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ tác động tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Giới trẻ lại chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, có sự cởi mở, năng động, hướng ngoại", GS.TS Từ Thị Loan nêu.
Bà cho rằng thông qua mạng xã hội, nghệ sĩ có thể công bố, đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, những sản phẩm này nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không biên giới.
Tuy nhiên, một bộ phận người hoạt động nghệ thuật có ứng xử xấu xí trên không gian mạng như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi. Có những người ngày nào cũng đưa tin chuyện cá nhân, gia đình, yêu đương... thậm chí có người quay phim tận mặt người đã khuất để đăng lên mạng xã hội. Chuyên gia khẳng định đây là những hành động phản cảm nhằm mục đích câu khách.
Luật sư Trần Viết Hà (công ty luật Nam Sơn) nhấn mạnh về mặt bản chất, nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng cũng là công dân nên đều phải tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật. Tuy nhiên, người nổi tiếng còn chịu sự điều chỉnh bộ quy tắc ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
"Trong trường hợp những người có tầm ảnh hưởng livestream đưa ra ngôn từ kích động bạo lực, gây chia rẽ trong xã hội, hướng đến việc chống đối chính quyền nhân dân, chống đối những người thi hành công vụ thì những người thực hiện phiên livestream đó sẽ bị truy cứu với tội gây rối trật tự nơi công cộng, theo điều 8 và điều 16 Luật An ninh mạng", luật sư nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()