Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:46 (GMT +7)
Nghệ sĩ Việt Hương: Cố gắng sống tốt nhất cho ngày hôm nay
Thứ 7, 01/01/2022 | 12:10:28 [GMT +7] A A
Ròng rã mấy tháng trời TP.HCM căng mình chống dịch, rất nhiều người và tổ chức đã lao vào tâm dịch chung tay giúp đỡ bà con. Trong số đó, không ít nghệ sĩ xung phong làm tình nguyện viên và tự bỏ tiền túi hỗ trợ người dân.
Việt Hương là một trong những nghệ sĩ như thế...
Hành trình làm thiện nguyện khó quên
* Trong suốt mùa dịch, hình ảnh chị trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, đội nón kết ngồi trên xe tải bươn bả khắp những cung đường thành phố để đem quà đến cho bà con đã trở nên quen thuộc. Điều gì khiến chị phải chạy suốt như thế?
- Mới đầu chỗ nào bà con cần thì mình đến giúp đỡ, như đó giờ tôi vẫn làm từ thiện thôi. Nhưng tình hình ngày một căng thẳng, đến khi dịch bùng lên dữ dội thì mọi thứ cứ cuốn mình vào. Trong lúc nguy cấp có ai kịp nghĩ gì đâu, cứ chỗ nào cấp bách thì mình chạy tới liền, ngày này qua ngày khác. Không chỉ tôi mà các cá nhân, tổ chức từ thiện khác cũng cùng nhau chạy. Giờ nhìn lại, tôi cũng không hiểu sao mình có đủ sức để đi nhiều đến thế.
Đó là hành trình làm thiện nguyện cực kỳ lạ lùng trong cuộc đời tôi. Nghĩa là mình không tiên liệu trước sẽ phải làm gì, cứ đi, cứ thấy thiếu cái gì lại về nghĩ rồi tìm cách đáp ứng, hỗ trợ cho bà con, lực lượng tuyến đầu, các bệnh viện. Mới đầu hỗ trợ bà con gạo, mì, sữa, nước tương... rồi hỗ trợ cấp cứu, oxy, rồi vô bệnh viện lại chạy kiếm mua giường, quạt, xe cấp cứu, container y tế, rồi lo đến những vật dụng, phương tiện hỗ trợ chuyện hỏa táng, mai táng...
* Cứ ngày nào cũng phải đối diện với cả trăm F0 như thế, gia đình chị có lo ngại?
- Những ngày đó, chồng tôi, nghệ sĩ Hoài Phương, luôn sát cánh cùng tôi để giúp đỡ bà con. Ban ngày chúng tôi chở gạo, mì tới cho bà con thì ban đêm cả hai lại chia việc. Tôi thường phải chạy ra ngoài vì buổi tối bà con hay nhờ tôi việc chạy vào bệnh viện nhận thi thể. Còn anh Phương ở nhà điều hành việc chuyển oxy nhanh nhất tới những lời kêu cứu. Tối muộn nào cũng vậy, anh luôn ngồi ở cửa chờ tôi về.
Anh kỹ lắm, chuẩn bị sẵn bịch nilông, hối vợ cởi bỏ đồ bảo hộ, xịt khuẩn khắp người tôi rồi kêu vợ đi tắm rửa gội đầu sau đó xông tai, mũi cẩn thận. Vậy chứ ít có đêm nào mình ngủ trọn giấc. Có lúc đang đêm các bạn tình nguyện viên gọi vì bị kẹt ở chốt. Không phải mấy anh làm khó mình mà vì các bạn chuyển oxy hết rồi còn xe không nên cũng khó. Chỉ có tôi có giấy của y tế nên phải chạy ra giải quyết.
Chính vì ăn ngủ thất thường vậy mà có lúc tôi bị stress và... sụm luôn. Mặt gầy sọp, đen thui. Các bác sĩ đồng hành cùng khuyên tôi phải nghỉ ngơi lấy lại sức. Tôi phải dùng thuốc an thần, ăn uống bồi bổ, nhưng khỏe chút lại tiếp tục chạy vì ngồi một chỗ nóng ruột lắm.
* Chị là một trong những nghệ sĩ thường xuyên làm từ thiện. Điều gì khiến chị gắn bó với công việc này?
- Hồi chị em tôi còn nhỏ xíu, má đã dẫn tụi tui vào chùa làm từ thiện. Nhà không khá giả gì nên thời đó mẹ con tôi mua mấy quầy chuối vào phát kèm với cơm chùa tặng người nghèo. Cứ làm riết rồi quen, cũng không nghĩ làm từ thiện để làm gì. Tôi đặc biệt thương mấy bé mồ côi nên hay ưu tiên tặng quà cho các em. Năm nào cũng vậy, tôi dành dụm tiền mua bánh trung thu, mua áo, mua ủng tặng các bé, đặc biệt các bé vùng cao.
Có năm chúng tôi lên tận Lạng Sơn, mướn một chiếc xe dùng chở gạch đá chạy tuốt lên những vùng khó khăn tặng quà cho bà con. Nhìn mấy đứa nhỏ mắt trong veo, rạng rỡ nhận quà tự nhiên mình thương ghê. Cứ vậy, làm gì làm cũng nghĩ phải gắng trở lại với tụi nhỏ, với người nghèo.
Tiếng cười nâng chúng ta qua những khúc quanh
* Trong lúc chị hối hả với những chuyến xe nghĩa tình đến với bà con gặp khó khăn, vẫn có những nghi ngờ, lời ong tiếng ve thậm chí tấn công vào Facebook cá nhân của chị?
- Nhiều lắm. Khi đang livestream gửi quà đến bà con thì vẫn có những người vào comment: "Sao kê đi!". Tôi trả lời rằng: "Tôi đang sao kê đây nè!". Hồi nào giờ tôi làm từ thiện không kêu gọi, vận động ai hết. Tôi nghĩ sức mình có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu nên chưa bao giờ trực tiếp kêu mọi người đóng góp, chỉ có vài lần kêu gọi giùm, chẳng hạn kêu gọi giùm xây chùa, hay cho quỹ của anh Đoàn Ngọc Hải, nghệ sĩ Đại Nghĩa...
Rất nhiều anh chị nghệ sĩ và cả nhà hảo tâm yêu mến muốn phụ tôi nhưng tôi nói không nhận tiền, nếu họ muốn thì có thể gửi gạo, mì, nhu yếu phẩm... Vì vậy, khi livestream tôi hay nói anh Bảy, anh Ba tặng tôi tấn gạo để tôi tặng bà con nè. Tôi chưa nhận của ai một đồng nào, ngay cả từ nước ngoài cũng không gửi tôi một đôla nào. Tôi làm từ tiền của mình thì sao phải sao kê, chẳng lẽ tôi đến gặp những người mình đã tặng quà bắt họ ký nhận?
Dù có buồn nhưng tôi xác định vẫn còn những người yêu thương, cần sự chia sẻ của mình nên hãy để tâm trí nghĩ đến họ.
* Rất nhiều người hiểu sự vất vả của chị trong mùa dịch, thế nhưng khi xuất hiện trước mọi người vẫn thấy chị rổn rảng cười nói?
- Trong những ngày đó, sự sống và cái chết mong manh lắm. Gần nhà tôi, cả nhà đi cách ly tới chừng về chỉ còn cậu con trai, còn ba mẹ ra đi mãi mãi. Mình lo làm từ thiện không để ý, tới chừng có chút thời gian mới hay một số người đã không còn. Đau đớn lắm. Giai đoạn một đồng nghiệp trở nặng, tôi ngồi trên xe tải chở gạo đến bà con mà cứ như trôi đi vì tâm trạng rối bời, muốn gục ngã. Nhưng rồi cũng phải dặn mình không được yếu đuối, không được khóc. Phải xốc lại tinh thần mới có sức làm tiếp hành trình nhọc nhằn này. Bởi vậy, lúc livestream tôi hay pha trò, nói chuyện tiếu lâm để các bạn tình nguyện viên chung tay cùng tôi cảm thấy vui, có năng lượng tích cực mà làm tới tới.
* Trong công việc và hoạt động nghệ thuật, chị cũng là người hay gieo niềm vui, sự thoải mái đến mọi người?
- Tôi thường nghĩ đến câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Trong nghệ thuật, khi có một vai diễn, một hoạt động nào chưa ưng ý thì tôi hay nghĩ chắc mình chưa đủ giỏi. Trong công ty, khi bị nhân viên chọc điên tôi tự hỏi có khi nào mình còn sơ suất, hay mình chưa chứng tỏ được khả năng điều hành của mình. Nhìn lại mình và nỗ lực hơn cũng là cách tôi không đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác và cứ nỗ lực như thế mà bản thân mình ngày càng tiến bộ và không khiến những người xung quanh mình bực bội, ức chế.
Trong mùa dịch, có bao nhiêu người hứa với tôi sẽ cố gắng nhưng rồi cũng đành buông tay. Mới tuần này tiễn biệt người vợ, tuần sau lại đến người chồng... Giai đoạn này khiến tôi càng thấm thía và cố gắng sống tốt nhất cho ngày hôm nay vì không biết ngày mai thế nào.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()