Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:33 (GMT +7)
Nghệ sĩ nhận cát-xê ra sao từ các concert thu hàng trăm tỷ đồng?
Thứ 5, 19/12/2024 | 23:21:05 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia, nhà sản xuất là những người thu về lợi nhuận khổng lồ từ chuỗi concert cháy vé. Ngoài ra, nghệ sĩ cũng hưởng mức cát-xê không hề nhỏ.
2024 là năm đánh dấu sự bùng nổ của các concert tại thị trường nhạc Việt. Theo Báo cáo Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam (2024-2025), trong 12 tháng qua, có hơn 50 concert có quy mô lớn (vài nghìn người trở lên) được tổ chức trải dài từ Bắc tới Nam.
Trong đó, "cán cân" nghiêng hẳn về phía chuỗi concert của Anh trai "say hi" và Anh trai vượt ngàn chông gai. 6 concert liên tiếp được mở ra, những kỷ lục về doanh thu, tốc độ bán vé nhanh chóng thiết lập.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết concert 2 Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra ở Hưng Yên với 50.000 khán giả, dự kiến mang lại 340 tỷ đồng.
Tính toán sơ bộ, tổng chuỗi 6 concert cháy vé nói trên có thể đạt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng. Đây là thành tích "vô tiền khoáng hậu" đối với ngành concert nói riêng và thị trường nhạc Việt nói chung trong nhiều thập kỷ qua.
Ai hưởng lợi lớn nhất
Ngoài việc "dắt túi" nhờ việc bán vé trực tiếp, hai đơn vị nói trên còn hưởng nguồn thu lớn từ các đơn vị tài trợ. Với những concert kể trên, các thương hiệu hàng đầu sẵn sàng chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến hàng vạn khán giả tham gia chương trình.
Đơn cử, concert Anh trai vượt ngàn chông gai có sự đồng hành của Techcombank, Masan, Saymee. Trong khi đó, Anh trai "say hi" được tài trợ bởi VIB, Uniben... Các doanh nghiệp - thương hiệu này không chỉ quảng cáo trên sân khấu, banner, backdrop hay các sự kiện bên lề concert, họ còn tận dụng sức ảnh hưởng của nghệ sĩ tham gia chương trình để ký hợp đồng quảng bá trên mạng xã hội, các chiến dịch truyền thông marketing khác đi kèm.
Ngoài ra, nguồn doanh thu còn đến từ các mechandise ăn theo chương trình concert được tiêu thụ bởi các fan hâm mộ. Nội dung các chương trình này thường được phát sóng trên các nền tảng truyền hình, trực tuyến cũng tạo ra tiền. Dự tính cả hai chương trình đều có phiên bản điện ảnh chiếu rạp hay phát trực tuyến trên các nền tảng độc quyền. Điều đó cũng mang lại một khoản doanh thu đáng kể cho nhà sản xuất.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên Cao cấp ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, Đại học RMIT cho biết việc tổ chức thành công những concert "khủng" giúp NSX khẳng định năng lực, uy tín trong các chương trình truyền hình thực tế, chương trình liên quan tới âm nhạc, khả năng tổ chức sự kiện lớn, và sản xuất âm nhạc đa nền tảng.
"Ngoài ra, với sức mạnh của chương trình, các nhà sản xuất còn có thể mở rộng thêm phạm vi kinh doanh, quan hệ doanh nghiệp -thương hiệu khác nhau để kêu gọi nhà tài trợ, đầu tư cho các dự án kinh doanh lớn. Các mối quan hệ với nghệ sĩ, cơ quan truyền thông lớn cũng sẽ được đẩy mạnh, gắn kết tốt hơn, mang lại lợi thế to lớn cho việc chiếm sóng truyền hình giờ vàng, thu hút tài năng nghệ sĩ, và dễ dàng nhượng quyền các chương trình truyền hình ăn khách khác từ nước ngoài", chuyên gia cho biết.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Quang Lê, CEO Techbeat Records nhận định những chuỗi concert là sản phẩm hợp tác từ nhà sản xuất chính đến các đối tác chiến lược.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư lớn nhất đến các nhà tài trợ lớn từ lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ, và bất động sản. Các doanh nghiệp này nhìn thấy giá trị quảng bá thương hiệu thông qua concert vì lượng khán giả khổng lồ tham dự và sức lan tỏa trên các phương tiện truyền thông.
"Ngoài ra, các nguồn thu từ phát hành nội dung, quảng cáo thương hiệu, và bán hàng lưu niệm cũng đóng góp đáng kể, giúp các nhà sản xuất có thể thu hồi vốn và tối ưu hóa lợi nhuận. Điều quan trọng là, những concert này không chỉ mang ý nghĩa tài chính mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng uy tín lâu dài của nhà sản xuất", ông Hoàng Quang Lê cho biết.
Nghệ sĩ được trả cát-xê ra sao?
Hơn 60 anh trai/anh tài của hai concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai "say hi" là những chủ thể quan trọng trong dây chuyền tạo ra một concert hoành tráng.
Khi bàn đến mức lợi nhuận khổng lồ thu được từ 6 concert, thắc mắc của nhiều khán giả là nghệ sĩ trình diễn (đồng thời là người chơi của hai game show thực tế này) được nhà sản xuất trả thù lao ra sao.
Theo ông Hoàng Quang Lê, cát-xê của nghệ sĩ trong các concert nói trên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị thế của họ trên thị trường, vai trò trong chương trình cũng như mức độ ảnh hưởng tới sự thành công của concert.
Thông thường, nghệ sĩ biểu diễn chính (headliner) sẽ có mức thù lao cao hơn đáng kể so với nghệ sĩ khách mời. Tuy nhiên, con số thực tế không chỉ đơn thuần là khoản tiền trả trực tiếp mà còn bao gồm các giá trị khác như cơ hội xây dựng thương hiệu cá nhân, nâng cao hình ảnh trong mắt công chúng và đối tác thương mại. Ngoài ra, giữa nhà sản xuất và nghệ sĩ có hợp đồng riêng, thỏa thuận các điều khoản về thù lao và không thể tiết lộ, do yêu cầu bảo mật.
"Việc tham gia những concert quy mô lớn giúp nghệ sĩ củng cố vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng. Đây là cơ hội để họ kết nối sâu sắc hơn với khán giả và nâng cao hình ảnh của mình trên thị trường. Ngoài ra, đây cũng là những đòn bẩy thương mại. Khi xuất hiện trong những concert lớn và hiệu ứng khủng thế này, còn tạo ra các giá trị lâu dài như cơ hội hợp tác thương mại, quảng cáo, và các dự án nghệ thuật lớn hơn", chuyên gia trao đổi.
Concert làm thay đổi thị trường âm nhạc
Ởgóc độ thị trường, sự lên ngôi của những concert, với sự góp mặt của đông đảo dàn nghệ sĩ nam, đã thay đổi về cục diện âm nhạc, cách biểu diễn của nghệ sĩ cũng như thói quen hưởng thụ âm nhạc của khán giả.
Theo chuyên gia, xu hướng "nghe nhạc" sẽ chuyển dần theo xu hướng "xem nhạc" với nội dung của âm nhạc không chỉ gói gọn trong ca từ mà còn ở cách biểu diễn. Sự lên ngôi của các nền tảng video như YouTube, TikTok và Instagram đã góp phần thúc đẩy xu hướng này.
Khán giả ngày nay không chỉ muốn nghe nhạc hay mà còn muốn được trải nghiệm một màn trình diễn ấn tượng, mãn nhãn. Trong các concert âm nhạc, các yếu tố thị giác như vũ đạo, trang phục, hiệu ứng sân khấu, và cả cách nghệ sĩ tương tác với khán giả đều góp phần tạo nên một "bữa tiệc" âm nhạc trọn vẹn.
Trong xu hướng "xem nhạc", các nghệ sĩ biểu diễn (performance artist) đang dần khẳng định vị thế không thua kém so với các nghệ sĩ vocal (vocal artist). So với các nghệ sĩ vocal, mặc dù họ không sở hữu giọng hát tốt nhưng với khả năng trình diễn, vũ đạo và làm chủ sân khấu, các performance artist mang đến những màn trình diễn đầy năng lượng, sáng tạo và lôi cuốn, khiến khán giả không thể rời mắt. Họ biết cách kết hợp giọng hát, vũ đạo, biểu cảm và hiệu ứng hình ảnh để tạo nên một tổng thể hoàn hảo, truyền tải thông điệp của bài hát một cách trọn vẹn.
Ngoài ra, theo Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025, xu hướng mix&match và mash-up cũng trở nên phổ biến hơn. Các nghệ sĩ dần dần cởi mở hơn trong việc hợp tác với nhau. Các tài năng trẻ được kết hợp với các nghệ sĩ thành danh biểu diễn các bài hát quen thuộc lẫn bài hát mới với phong cách mới lạ tạo nên sự độc đáo của chương trình. Các sản phẩm âm nhạc kết hợp nhiều nghệ sĩ và thể loại thường có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và nền tảng phát nhạc số.
TS Nguyễn Văn Thăng Long nhìn nhận: "Mô hình này không chỉ giúp các nghệ sĩ lọt top thịnh hành trên các nền tảng này mà còn tạo nên sức hút thảo luận, giúp các nghệ sĩ mới và những nghệ sĩ tên tuổi có cơ hội cùng nhau toả sáng, tạo đà cho sự phát triển trong giai đoạn mới của thị trường âm nhạc. Sự thay đổi này cho thấy thị trường âm nhạc tự làm mới mình để có bước phát triển vượt bậc, cho thấy một tương lai tươi sáng cho nền âm nhạc và văn hoá Việt Nam".
Theo Znews
Liên kết website
Ý kiến ()