Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ có quy định về việc giữ gìn hình ảnh, danh hiệu thông qua việc chọn lựa trang phục, nhưng lại không có mức xử phạt.
Bộ quy tắc ứng xử không có xử phạt có bị vô hiệu hóa?
Trao đổi với báo chí, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng phụ trách khối nghệ thuật - cho biết: “Đây là khung về quy tắc ứng xử chứ không phải quy phạm pháp luật, không có phần xử phạt, vì thế không có chuyện cấm sóng các nghệ sĩ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ chỉ đưa ra các quy định chung chung, chưa đi vào chi tiết, cụ thể. Hơn nữa, việc bộ quy tắc ứng xử không đưa ra các hình thức xử lý khi vi phạm, không có mức phạt sẽ không có tính răn đe. Nhất là khi, chuyện ăn mặc hở hang, phản cảm từng là tình trạng diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát ở giới showbiz.
Trước đó, ngày 13.12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Trong đó, bộ quy tắc có đưa ra yêu cầunghệ sĩ cần phải giữ gìn danh hiệu, hình ảnhthông qua việc lựa chọn trang phục, hóa trang phù hợp.
Bộ quy tắc áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghệ thuật, quy định hành vi ứng xử của họ trong nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng. Bộ quy tắc cũng áp dụng với cả nghệ sĩ hoạt động tự do và nghệ sĩ trực thuộc sự quản lý của các đơn vị công lập.
Nghệ sĩ từng bị cấm biểu diễn nhiều tháng vì mặc hở hang
Trước đó, việc các nghệ sĩ ăn mặc phản cảm từng bị công chúng chỉ trích dữ dội đã diễn ra nhiều lần, nhiều nghệ sĩ bị cấm biểu diễn từ 3 đến 4 tháng, và phải chịu mức phạt hành chính.
Cụ thể, năm 2014, Quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên Hương Tràm bị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định xử phạt 10 triệu đồng và cấm biểu diễn 3 tháng tại Hà Nội vì ăn mặc phản cảm khi biểu diễn tại một quán bar.
Hình ảnh nữ ca sĩ trẻ mặc trang phục xuyên thấu hở nội y bị dư luận phản ứng gay gắt. Những hình ảnh này bị lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Hương Tràm sau đó đã phải lên tiếng phân trần, giải thích, nhưng không được khán giả chấp nhận.
Tháng 8.2013, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra văn bản gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng cho phép Angela Phương Trinh (tên thật là Lê Ngọc Phương Trinh) tham gia biểu diễn nghệ thuật.
Lý do vì nữ diễn viên đến hát tại một quán bar và ăn mặc hở hang. Hình ảnh Angela Phương Trinh mặc trang phục hở nội y uốn éo với cây cột cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng và hứng chịu chỉ trích của khán giả.
DJ Ngân 98 cũng từng bị cấm biểu diễn khi “mặc như không mặc” trong một quán bar. Việc giới nghệ sĩ ăn mặc mất kiểm soát, dung tục, phảm cảm bị xử lý, cấm biểu diễn được dư luận đồng tình. Đây được coi là hình thức xử phạt có tính răn đe cần thiết, nhất là khi mức độ hở hang của các trang phục gần như không có giới hạn.
Ngay cả khi có án phạt, nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục mặc hở, và quan điểm rằng: “Mặc đẹp hay không đẹp, gợi cảm hay phản cảm, là tùy vào mắt người nhìn. Sẽ có người thấy đẹp, và sẽ lại có người khác thấy phản cảm. Ranh giới giữa gợi cảm và phản cảm đôi khi chỉ là quan điểm cá nhân”.
Việc quy định chung chung "nghệ sĩ cần giữ hình ảnh thông qua việc lựa chọn trang phục phù hợp", đang không đưa ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho việc "thế nào là phù hợp?". Chưa kể, phong trào khoe thân còn đang được nhiều sao Việt tích cực lăng-xê trên trang cá nhân và mạng xã hội.
Chính bởi vậy, câu hỏi đặt ra, khi bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ được ban hành với nội dung chung chung và không có mức xử phạt cụ thể, liệu có đủ “sức nặng” và tính răn đe khi đi vào thực tiễn?
Ý kiến ()