Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:50 (GMT +7)
Nghề mây tre đan ở Tiên Yên
Chủ nhật, 06/06/2021 | 07:37:46 [GMT +7] A A
Mây tre đan – một trong những nét đẹp tinh hoa của văn hóa Việt. Đây cũng là nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ lâu đời tại Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với quá trình hội nhập thương mại quốc tế, ngành mây tre đan cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ và gặt hái nhiều thành công. Làng nghề mây tre đan ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên tuy hình thành chưa lâu song cũng đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân và tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
HTX mây tre đan Hưng Thành ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên đã ra đời và phát triển được gần 10 năm. Từ những loại cây như mây, tre, giang... những nghệ nhân khéo léo đã cho ra những sản phẩm như: ghế mây, bàn, đồ lưu niệm... với nhiều mẫu mã và chủng loại khác nhau. Các sản phẩm từ mây tre đan ở nơi đây nổi tiếng với kỹ thuật xiên giang, bằng cách đan xiên các sợi mây liên kết với các nan giang tạo nên các loại sản phẩm có kết cấu bền vững rất cao, không biến dạng ở mọi điều kiện thời tiết khác nhau như những chiếc giỏ, làn mây, những chiếc bàn mây hay ghế với thiết kế tinh xảo chắc chắn…
Với ưu thế về mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, phù hợp với nhiều không gian; chất liệu thân thiện với môi trường, các sản phẩm mây tre đan ngày càng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nghề mây tre đan cũng đã đem lại cho người dân nơi đây cuộc sống ổn định và sung túc hơn.
Cây mây già từ 6 - 8 năm tuổi từ các vùng rừng núi Bình Liêu, Ba Chẽ, Dương Huy được lựa chọn kỹ, phải là những loại mọc thẳng, có độ cứng cao, thân mập khỏe. Mây được vận chuyển về, sơ chế; tùy từng loại mây và từng loại sản phẩm sẽ được róc vỏ cho hết gai, phơi khô sau đó luộc qua dầu, tiếp tục phơi khoảng 20 đến 30 ngày, sau đó sấy khô hoàn toàn, xử lý chống mối mọt rồi mới bắt đầu các công đoạn xử lý và tạo hình.
Hiện xưởng sản xuất của hợp tác xã mây tre đan đang thực hiện đơn hàng hơn 300 chiếc ghế mây nhiều kích cỡ khác nhau. Những ngày này, hơn chục người thợ lành nghề của HTX Mây tre đan Hưng Thành luôn tất bật, họ luôn tay luôn chân vận chuyển nguyên liệu, xử lý các khâu sơ chế và hối hả hoàn thành các khâu tạo hình, lắp ráp sản phẩm. Cả xưởng vang vọng tiếng cưa đục, đặc quánh mùi mây tre, mùi keo, mùi sơn véc ni đánh bóng... Từ những khâu đơn giản như ra vòng, tạo hình thân ghế, đóng chân hay cân chỉnh khung, người thợ đều phải hết sức cẩn thận. Vừa chắc chắn, chính xác song vẫn phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ nhất định.
Theo anh Đặng Văn Chung, thợ đánh bóng của HTX Mây tre đan Hưng Thành, để có được những đồ thủ công mây tre chất lượng, mỗi người thợ không chỉ cần có đôi tay khéo léo tỉ mỉ mà còn cần có óc sáng tạo cũng như cái tâm đặt vào từng sản phẩm. Những chiếc ghế sẽ “có hồn” hơn, mềm mại và bay bổng hơn khi được người thợ nâng niu, trân trọng. Thời gian để hoàn thành một chiếc ghế mất từ 1 tới 2 ngày; cùng với đó, tay nghề của người thợ cũng ảnh hưởng tới thời gian làm ghế. Với những nghệ nhân lâu năm và kinh nghiệm có thể làm được 35 – 40 chiếc/tháng.
Nếu những công đoạn cắt gọt, tạo hình hay đóng đinh cần những đôi tay rắn chắc thì công đoạn đan mặt ghế sẽ yêu cầu sự khéo léo mềm mại của những đôi tay người cô, người chị. Một vòng mây nhỏ được đặt dưới vòng mây làm mặt ghế. Lúc này, nan mây được đan một lần trước theo hình mạng nhện để cố định lại cho khung mây, mặt ghế và thanh gỗ sao cho chắc chắn nhất có thể. Sau khi đan xong hình mạng nhện, người nghệ nhân tiếp tục đan hoàn thiện mặt ghế, đan nong đôi là cách đan được sử dụng cho đến khi mặt ghế được phủ kín bằng các nan mây. Khi đan phải thật nhanh để những thanh nan không bị cứng, mất độ đàn hồi nhưng đồng thời vẫn phải thật đẹp và chính xác.
Vừa thoăn thoắt đôi tay, bà Hà Thị Hạnh, thợ đan mặt ghế chia sẻ: Công đoạn này tưởng rằng đơn giản nhưng cũng không hề dễ. Nhất thiết phải để ý kỹ đến từng nan, kéo căng và đan cho đến khi những nan tre kết thành một hình đóa hoa nở rộ vừa đẹp, vừa đều…
Cùng với bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, chăm chỉ, sản phẩm của các nghệ nhân mây tre đan tuy giản dị nhưng chắc, bền và đẹp. Sản phẩm ở công đoạn đơn giản như đan mặt cũng được giao về cho các hộ dân làm tại nhà.
Người dân Đông Hải và các xã lân cận học nghề rất sáng dạ. Dường như sự khéo léo, tỉ mỉ đã ăn sâu vào người dân vùng đất này, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Quả thực, người thợ làm mây tre đan nơi đây có những ngón nghề không ai bắt chước được. Họ đục mây tre vừa bén, vừa chắc không vỡ hoặc đan nong mốt vừa chắn chắn vừa đẹp bền. Kỹ thuật đục, các lỗ đục khi cắm các thanh xà vào nhau cũng rất im, bén chắc mà không vỡ mối đục. Đó là kinh nghiệm của nhiều đời làm nghề truyền lại, là tinh hoa của bao năm gắn bó với nghề.
Từ nét giản dị, mộc mạc, dân dã mang tính truyền thống, sản phẩm mây tre đan của người dân Đông Hải đã hòa mình vào đời sống nhộn nhịp phố phường, hay yên bình nơi thôn dã. Đối với những sản phẩm công nghiệp, người ta ít thấy cái hồn của người sản xuất gửi trong đó. Ngược lại, sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre sẽ đem đến cảm xúc cho những người sử dụng. Bởi lẽ, để có một sản phẩm tốt, không phải chỉ có mồ hôi, công sức mà còn đòi hỏi cả nhiệt huyết và tình yêu nghề của người thợ. Lòng tâm huyết với nghề đã thực sự trở thành sức mạnh để duy trì và phát triển một nghề truyền thống.
Theo bà Trịnh Thị Bình, thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên; bà có thể tranh thủ những lúc nông nhàn để đan mặt ghế. Nan phải vót thật mỏng, mối buộc phải thật chặt và những đường nan phải thật thẳng đều.
“Tôi nhận đan nan mặt ghế cũng được vài năm rồi. Lúc đầu đan chưa được đều đẹp đâu nhưng qua nhiều lần, tự rút kinh nghiệm sẽ thấy đẹp hơn. Mình làm thì phải khéo phải cẩn thận thì mới đẹp được…”- bà Bình chia sẻ.
Trải qua nhiều năm phát triển, mây tre đan xã Đông Hải vẫn luôn giữ được những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Nơi đây cũng là nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều nghệ nhân tài hoa mà từ đôi bàn tay của họ, biết bao vật dụng mộc mạc, đậm chất làng quê như khay đĩa, rổ rá hay những sản phẩm nội thất, đồ trang trí như bàn ghế, bình hoa, chao đèn... đã ra đời. Người thợ mây tre đan Đông Hải cũng làm ra những đồ lưu niệm đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cao, như hoành phi câu đối cùng nhiều đồ trang trí đẹp mắt.
Cuộc sống hiện đại đang từng bước đưa con người về lại gần gũi với thiên nhiên. Phát triển du lịch khám phá làng nghề cũng là hướng phát triển tiềm năng của ngành Du lịch. Đến với các làng nghề mây tre đan truyền thống, du khách không chỉ được về với làng quê Việt với những lũy tre xanh mát rượi, dáng tre nghiêng nghiêng trong nắng chiều mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng các nghệ nhân chế tác, trực tiếp mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre, trúc, song, mây, phù hợp thị hiếu. Đó cũng là cách hay để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()