Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:02 (GMT +7)
Nghề làm bánh mì mỏ
Chủ nhật, 15/08/2021 | 08:23:20 [GMT +7] A A
Ngoài hải sản, Quảng Ninh còn nổi tiếng với những món ăn dân dã, bình dị nhưng mang bản sắc riêng. Một trong số đó là bánh mì mỏ.
Theo lời ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, mỏ Mạo Khê là nơi đầu tiên làm ra bánh mì mỏ. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, các mỏ khác bắt đầu học tập, xây lò làm bánh và đưa bánh mì mỏ thành món ăn giữa ca, tiện lợi cho thợ mỏ, giúp họ bù đắp sức lao động sau những giờ làm việc vất vả.
Chúng tôi đến thăm Công ty CP Than Hà Lầm vào một sáng mùa hè, không khí của cả mỏ lúc này đã rất náo nhiệt. 6h sáng, các phân xưởng bắt đầu giao ca. Bên cạnh việc nhắc nhở và ghi nhớ những công việc chuyên môn, giờ giao ca cũng là lúc anh em thợ mỏ ký nhận đồ ăn giữa ca. Phân xưởng Vận tải, với hơn 140 công nhân mỗi ngày đăng ký từ 30 tới 40 chiếc bánh mì mỏ. Chủ yếu tập trung vào ca 1, thời gian có nhiều vị trí việc làm phân tán.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Khắc Tùng, công nhân Phân xưởng Vận tải cho biết, anh em rất hài lòng với chất lượng bánh mì mỏ của công ty. Anh tiết lộ, anh rất tự hào vì bánh mì mỏ Hà Lầm thuộc vào hàng ngon nhất nhì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Điều đó phần nào cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Công ty tới đời sống của anh em thợ mỏ.
Trải qua thời gian, do sự điều chỉnh về định lượng, những phân xưởng có công nhân làm việc tập trung đã chuyển sang đăng ký ăn cơm hộp chuyển tận xuống lò, số lượng thợ mỏ ăn bánh mì vì thế cũng giảm đi. Nếu trước đây mỏ Hà Lầm một ngày sản xuất tới 2.000 chiếc bánh mì thì nay chỉ là 1.500 chiếc.
Bánh mì mỏ vỏ mỏng, đặc ruột, chắc mà ngọt tự nhiên, thơm phức mùi bột mì là món ăn giữa ca bổ dưỡng, tiện lợi song cũng là món quà nho nhỏ của người thợ lúc tan ca, trở về với gia đình. Anh Phạm Văn Chí, thuộc Phân xưởng Giếng đứng, Công ty CP Than Hà Lầm, đã có 20 năm làm thợ mỏ, cũng là từng ấy năm anh ăn món bánh mì làm riêng cho người thợ. Bánh ngon, anh thường mang về làm quà cho con.
Chị Nguyễn Thị Nguyện, công nhân Phân xưởng Đời sống, Công ty CP Than Hà Lầm, người đã có 10 năm làm bánh mì cho biết, để làm ra chiếc bánh mì mỏ thơm ngon, có 6 công đoạn chính, đó là: Nhào bột, ủ bột, vê bánh, ủ lên men, rạch bánh và nướng bánh. Trước đây các lò nướng bánh mì bằng bếp than nhưng nay bánh được nướng bằng bếp điện. Công đoạn làm bánh cũng sử dụng nhiều máy móc hỗ trợ. Trước đây phải 2 người một ca làm bánh thì nay chỉ một người là đủ.
Khi được hỏi để làm được chiếc bánh mì mỏ thơm ngon, có cần bí quyết gì hay không, chị Nguyện thành thật nói: Không có bí quyết gì riêng, chỉ là phải có cái tâm. Mình làm bánh cho anh em thợ mỏ ăn thì phải đúng định lượng, không được bớt xén; nguyên liệu làm bánh cũng phải tươi ngon, đúng theo quy định. Vì bánh mì làm ra anh em thợ mỏ chưa ăn ngay được nên cũng cần lưu ý là phần vỏ cần làm mỏng để bánh không bị ỉu.
Nghe chị kể mới thấy hết được tình yêu, sự quan tâm, chăm lo, tận tâm với những người thợ ngày đêm vất vả vì dòng than của Tổ quốc. Có lẽ chính tình cảm của những người như chị Nguyện đã khiến chiếc bánh mì mỏ có hương vị đậm đà, ăm ắp yêu thương đến vậy. Không chỉ với người thợ mỏ, bánh mì mỏ đã trở thành một phần kỷ niệm vô cùng đáng yêu với bất cứ người con Quảng Ninh nào; là sứ giả văn hóa, góp thêm một kỷ niệm đẹp và một câu chuyện thú vị trên hành trình của du khách khi đến với Quảng Ninh.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()