Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:36 (GMT +7)
Nghe câu hát giao duyên trên hồ Đập Quỳnh
Chủ nhật, 05/03/2023 | 14:01:50 [GMT +7] A A
Sau 3 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, lễ hội chùa Quỳnh Lâm năm nay đã được tổ chức trở lại tươi vui, sôi động hơn. Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội năm nay là màn hát giao duyên trên hồ Đập Quỳnh, phía trước khuôn viên nhà chùa.
Chùa Quỳnh Lâm là nơi Trúc lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông thường lui tới, Đệ nhị tổ Pháp Loa tái tạo, mở mang; có tượng Phật Di Lặc khổng lồ, được mệnh danh là “Thiên Nam tứ đại khí”. Quỳnh Lâm viện cũng là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta, nơi giảng pháp, in ấn, phát hành kinh sách; được coi “Đệ nhất danh lam cổ tích” của nước Nam.
Hằng năm, chùa Quỳnh Lâm mở hội từ ngày mùng 1 đến mùng 3/2 âm lịch với phần lễ tươi vui rộn ràng. Không ai biết chính xác lễ hội truyền thống chùa Quỳnh Lâm có tự bao giờ, chỉ biết, hoạt động văn hóa nghệ thuật đã có ở đây từ rất xa xưa. Các vua Trần, vương hầu, quý tộc văn nhân cũng thường xuyên lui tới nơi đây. Văn Huệ vương Trần Quang Triều là cháu nội của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với các nhà thơ Nguyễn Xưởng, Nguyễn Ức lập ra “Bích Động thi xã” ở Quỳnh Lâm để ngày ngày tới chùa làm thơ ngâm vịnh.
Không gian lễ hội chùa Quỳnh Lâm năm nay được trải rộng hơn với điểm nhấn là hồ Đập Quỳnh. Ông Phạm Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tràng An, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết, năm nay khi đại dịch Covid-19 được khống chế, chúng tôi tổ chức lễ hội theo đúng nghi lễ truyền thống. Nghi lễ mới năm nay là lễ rước nước tại hồ Đập Quỳnh. Hồ cũng là nơi phục dựng hội đua thuyền, đặc biệt là nơi tổ chức hát giao duyên phục vụ du khách. Chúng tôi hy vọng qua lễ hội này, ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa, sẽ quảng bá lịch sử ngôi chùa để nhân dân và du khách đến nhiều hơn với lễ hội, bồi đắp tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước, yêu văn hóa dân tộc.
Phần hội diễn ra ở phía trước chùa với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, liên hoan văn nghệ các khu phố văn hóa, hát giao duyên trên hồ Đập Quỳnh đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, du khách thập phương chiêm bái, lễ phật đầu xuân. Các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ tỉnh Bắc Ninh và các nghệ sĩ không chuyên của phường Tràng An, TX Đông Triều đã đem đến cho khán giả nhiều tiết mục đặc sắc.
Nhiều nhất là các tiết mục dân ca Quan họ như: “Vào chùa”, “Lý giao duyên”, “Người ơi, người ở đừng về” do các nghệ sĩ của Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu diễn. Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Minh Thùy, diễn viên Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, đem đến một giọng hát rất mùi mẫn, tình tứ.
Đó còn là các tiết mục hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, hát chèo “Mùa xuân tình mẹ” và kể cả là ca khúc nhạc mới “Trên quê hương Quan họ” hay những ca khúc ngợi ca mảnh đất Tràng An nói riêng và Đông Triều nói chung. Đến với không gian lễ hội, du khách được thưởng thức nhiều tiết mục chèo cổ, chèo biên soạn đặt lời mới vốn là truyền thống của quê hương Đông Triều, mảnh đất thuộc “chiếng chèo Đông”. Mỗi khu phố văn hóa trong phường có một đội văn nghệ quần chúng đem đến các tiết mục ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.
Chị Ngô Thu An, du khách đến từ Hải Phòng, chia sẻ: Trong lễ hội này, ngoài việc du xuân còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian hát Quan họ, hát văn hay hát chèo đặc sắc. Không gian tổ chức cũng rất hấp dẫn khi các tiết mục diễn ra ở trên thuyền rồng giữa hồ nước trong xanh. Chúng tôi rất thích rất muốn đi nhiều nơi như thế này. Đây là một trong những điểm đến tôi rất thích.
Lễ hội chùa Quỳnh Lâm được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của Tam tổ Trúc lâm; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, du khách về tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị của Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, tham gia tích cực vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, giáo dục cho các thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương Đông Triều.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều, cho biết: “Để phát huy giá trị khu di tích nhà Trần tại Đông Triều nói chung và chùa Quỳnh Lâm nói riêng, địa phương đã tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian thu hút nhân dân, Phật tử đến với lễ hội, hiểu biết hơn về di tích và lễ hội. Ngoài ra, thông qua lễ hội sẽ tuyên truyền quảng bá giá trị di tích, cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư tôn tạo các di tích”.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()