Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:17 (GMT +7)
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2023) Nghề báo - Nghề của những trải nghiệm
Thứ 3, 20/06/2023 | 08:33:12 [GMT +7] A A
Đối với người làm báo, mỗi lần đi cơ sở đều để lại những cảm xúc, kỷ niệm khó quên - đó là những trải nghiệm đáng quý, động lực để mỗi nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc trưng của nghề báo là những chuyến đi để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền về cuộc sống muôn màu trên các phương tiện truyền thông. Mỗi chuyến đi mang đến cho các phóng viên, nhà báo những cảm nhận khác nhau; kết tinh nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm, giúp đội ngũ những người làm báo nuôi dưỡng cảm xúc, rèn sự kiên trì, bồi đắp thêm kỹ năng nghề và trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Đối với nữ phóng viên, nhà báo, áp lực làm nghề rất lớn để làm sao có tin, bài đúng lịch lên sóng, áp lực khi phải tự đổi mới bản thân, tìm tòi những đề tài mới, cách thể hiện mới và cả áp lực phải làm tròn trọng trách trong gia đình. Vất vả, áp lực là thế, nhưng nghề báo cũng mang lại cho những người làm báo sự vinh quang, tự hào khi được gắn bó, đam mê với công việc mình yêu thích.
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hoa, phóng viên Phòng Bạn đọc - Tư liệu (Trung tâm Truyền thông tỉnh) chia sẻ: Nếu có người hỏi tôi thích điều gì nhất trong nghề nghiệp của mình, tôi sẽ chẳng do dự mà nghĩ ngay đến những chuyến đi đã mang đến cho mình nhiều trải nghiệm thú vị. Mỗi chuyến đi với tôi là một trải nghiệm mới, được gặp gỡ các nhân vật không trùng lặp. Đặc biệt, với đặc thù phóng viên Phòng Bạn đọc - Tư liệu, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các đơn thư, điều tra, phản ánh nhiều khía cạnh phức tạp. Quá trình tác nghiệp khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn và nguy hiểm. Nhưng với mong muốn mang lại những trang báo phản ánh hơi thở chân thật nhất của cuộc sống, là cầu nối của Đảng và nhân dân, chúng tôi đã nỗ lực vượt qua và không ngừng nâng cao nghiệp vụ từng ngày.
Nghề báo đem lại cho những người làm nghề rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ, nhất là với địa phương đặc thù như đất mỏ Quảng Ninh. Việc được xuống lò để đưa tin và phản ánh quá trình lao động, sản xuất là một trong những trải nghiệm không thể quên, thậm chí là niềm vinh dự với những người làm báo. Nhà báo Phạm Văn Tăng, phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm Truyền thông tỉnh) kể lại: Kỷ niệm về lần đầu xuống lò của tôi là vào năm 2017. Tâm lý lúc ấy vừa phấn chấn, hạnh phúc vì ước mơ bấy lâu nay đã trở thành hiện thực, nhưng cũng vừa lo lắng, hồi hộp. Lúc mới xuống lò, cảm giác như bị ngộp thở, cơ thể chưa kịp thích ứng với không gian hẹp và bầu không khí đặc quánh dưới lò. Dần dần, dưới sự hướng dẫn của các thợ mỏ, tôi đã lấy lại bình tĩnh và tác nghiệp. Quá trình chụp hình cũng không hề dễ dàng, bởi độ ẩm cao trong lò khiến máy ảnh bị mờ, nếu tắt máy thì sẽ rất khó để bật lên. Vì vậy, chúng tôi phải luôn mở máy, nhờ đến ánh đèn từ mũ của các thợ lò để đủ ánh sáng mới có thể tác nghiệp.
Hơn 6 năm gắn bó với ngành Than, những tác phẩm phản ánh chân thực sự phát triển của ngành, về cuộc sống người thợ mỏ đã trở thành “thương hiệu” của nhà báo Phạm Tăng. Và tác phẩm “Những ánh sao đêm” của nhà báo Phạm Tăng thực hiện cùng cộng tác viên tại Công ty CP Than Vàng Danh đã vinh dự đoạt giải Nhì - Giải báo chí tỉnh Quảng Ninh năm 2022, giải thưởng vừa được trao nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2023).
Cùng với các tác phẩm báo in, báo điện tử, quá trình thực hiện những tác phẩm truyền hình, nhất là những bộ phim tư liệu không chỉ đòi hỏi các nhà báo phải có hiểu biết về vấn đề, mà còn phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm nhân chứng, hiện vật, hình ảnh bối cảnh, tư liệu...
Nhà báo Vũ Thị Bích Hạnh, Phó trưởng Phòng Văn nghệ - Thể thao - Giải trí (Trung tâm Truyền thông tỉnh) - trưởng nhóm thực hiện tác phẩm “Thương cảng Vân Đồn - Thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt” đoạt giải Nhất - Giải báo chí tỉnh Quảng Ninh năm 2022, chia sẻ: Thương cảng cổ Vân Đồn có nét đặc biệt là thương cảng biển đảo và có một hệ thống cảng, khác với những nơi khác chỉ có một cảng. Không chỉ có giá trị về văn hóa, cảng còn có nhiều giá trị về địa chính trị, kinh tế, phản ánh một thời kỳ phát triển kinh tế biển vô cùng sầm uất và thịnh vượng của nước ta. Để thực hiện được tác phẩm này, cả ê-kíp đã mất hơn 1 tháng để nghiên cứu, tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, phục dựng các cuộc khảo sát tại những điểm còn sót lại của di tích Thương cảng Vân Đồn. Đây là những khu vực phân bố rất rộng, có nhiều điểm đi lại khó khăn, sình lầy như Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi), Cái Làng, Cống Cái, Con Quy (xã Quan Lạn)… Có những điểm tàu không vào được sâu, kíp thực hiện phải chờ đến 3h, thủy triều rút, đi qua vài km bãi sình lầy rồi sắp xếp lịch quay để 8h trở về trước khi thủy triều lên. Quá trình thực hiện tác phẩm vô cùng vất vả, nhưng ê-kíp may mắn gặp được những nhà nghiên cứu, khảo cổ vô cùng tâm huyết với lịch sử của thương cảng để mang đến tác phẩm đa chiều, sâu sắc nhất, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Thương cảng Vân Đồn.
Đối với các nhà báo, phóng viên thường trực tại địa phương, những bài viết, bản tin luôn được họ thể hiện mang đậm hơi thở cuộc sống. Như tại TP Móng Cái - vùng biên cương của Tổ quốc, nhịp sống sôi động của kinh tế cửa khẩu, cùng nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc luôn được những nhà báo, phóng viên Trung tâm TT-VH Móng Cái thực hiện đầy tâm huyết. Theo chia sẻ của phóng viên Trung tâm TT-VH Móng Cái, dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, những hạn chế về trang thiết bị... mỗi phóng viên ở cơ sở vẫn luôn hết lòng vì đam mê, cũng như tình yêu nghề để có được những bản tin chất lượng, những hình ảnh, thanh âm chân thực của cuộc sống. Và để tạo ra những sản phẩm đến với công chúng kịp thời, mỗi phóng viên càng phải tranh thủ từng giờ, từng phút để viết bài, dựng phim... thầm lặng mang đến những phóng sự, bài viết chất lượng, đáp ứng tối đa yêu cầu công tác truyền thông của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Còn với những đội ngũ những người làm báo thường trú trên địa bàn tỉnh, những thông tin về Quảng Ninh luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm báo chí đặc sắc, được bạn đọc và khán giả yêu thích. Theo nhà báo Trường Giang (Đài Tiếng nói Việt Nam), một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị có lẽ là quá trình đưa tin về SEA Games 31 diễn ra tại Quảng Ninh vào tháng 5/2022. Mặc dù không phải lần đầu tham gia tác nghiệp ở các sự kiện quốc tế tổ chức trên địa bàn, nhưng với sự kiện có quy mô lớn, thời gian dài và nhiều yêu cầu đối với việc tác nghiệp như tại SEA Games 31 thì đó là lần đầu tiên.
Những ngày đó, các nhà báo, phóng viên bỗng trở thành vận động viên marathon. 7 môn thi tại Quảng Ninh tổ chức tại các địa điểm không hề gần nhau (gần nhất khoảng 15km, xa nhất là 60km) nên việc di chuyển đến các địa điểm thi đấu cũng là cả một vấn đề. Có ngày, 2-3 môn thi đấu cùng lúc, thời gian đấu từ 6h đến 21h, đòi hỏi phóng viên phải có sức khỏe, phải phân công và sắp xếp công việc thật chi tiết. Đa phần phóng viên đều tác nghiệp nhiều loại hình cùng lúc, vừa theo dõi để chớp những khoảnh khắc đắt giá, quay clip, vừa suy nghĩ luôn nội dung để sẵn sàng kết nối trực tiếp trên sóng VOV cũng là một thử thách với chúng tôi.
Đền đáp mọi sự khó khăn đó là khoảnh khắc hạnh phúc khi chứng kiến những cuộc đấu thể thao đầy đam mê, sống trong bầu không khí đua tranh quyết liệt, gay cấn, với tình hữu nghị và tinh thần fair-play được đặt lên cao nhất. Hay khi tất cả cổ động viên cùng nhau hát vang bài ca chiến thắng, chào đón những cổ động viên nước bạn, vỗ tay động viên đội thua cuộc. Những cái bắt tay hữu nghị, những món quà xuyên biên giới và tấm ảnh kỷ niệm… đã tạo nên những hình ảnh đẹp nhất của SEA Games 31. Và vui nhất, với phóng viên là những bản tin, những hình ảnh của cuộc đấu đến với công chúng nhanh nhất, sống động nhất, nhận được những phản hồi tích cực.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()