Cơ quan Thanh tra Quản lý Hạt nhân Nhà nước Ukraine sáng 4/3 xác nhận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya do lực lượng vũ trang Nga kiểm soát, thêm rằng nhân viên nhà máy vẫn tiếp tục vận hành lò phản ứng và cung cấp điện theo quy định an toàn thông thường, không xảy ra rò rỉ phóng xạ sau vụ hỏa hoạn rạng sáng.
Zaporizhzhia nằm ở đông nam Ukraine, là nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai ở châu Âu, sở hữu 6 trong số 15 lò phản ứng nguyên tử trên toàn lãnh thổ nước này.
Giới chức Mỹ chỉ trích cuộc tấn công của Nga là "hành động liều lĩnh" có nguy cơ gây thảm họa. Tuy nhiên, Thứ trưởng Năng lượng Mỹ phụ trách năng lượng hạt nhân Jill Hruby cho biết Washington chưa thấy bằng chứng cho thấy lực lượng Nga chủ động tập kích các lò phản ứng và giao tranh chỉ sử dụng vũ khí bộ binh.
Chiến sự tiếp tục ác liệt ở nhiều khu vực khi lực lượng Nga bao vây và pháo kích hàng loạt thành phố của Ukraine.
Quan chức Ukraine cho biết một số đơn vị Nga đã tiến vào thành phố cảng miền nam Mykolaiv và giao tranh xảy ra ở nhiều nơi trong nội thành. Thống đốc tỉnh Mykolaiv Vitaliy Kim sau đó thông báo lực lượng Nga bị đẩy lùi khỏi thành phố, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn.
Quân đội Ukraine tự đánh chìm soái hạm Hetman Sahaidachny đang sửa chữa tại Mykolaiv để ngăn nó rơi vào tay quân đội Nga. Hình ảnh được chia sẻ trên Twitter hôm qua cho thấy tàu Hetman Sahaidachny chìm và nghiêng về một phía tại âu tàu ở cảng Mykolaiv.
Hơn 10 vụ nổ và nhiều hồi còi báo động được nghe thấy ở trung tâm thủ đô Kiev. Các nhân chứng chưa xác định được nguồn gốc những vụ nổ, nhưng cho biết chúng diễn ra thường xuyên và lớn hơn những ngày trước. Chưa có thống kê về thương vong.
Thành phố cảng đông nam Mariupol tiếp tục bị bao vây và pháo kích, giới chức cảnh báo tình trạng khẩn cấp về nhân đạo tại khu vực này. Các đợt công kích nhằm vào thành phố Kharkov và Chernihiv ở đông bắc Ukraine cũng dồn dập hơn.
Hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng hoặc bị thương, trong khi hơn một triệu người đã rời bỏ Ukraine từ ngày 24/2.
Quốc hội Nga thông qua dự luật phạt tù những người "chia sẻ tin giả về quân đội Nga hoặc kêu gọi cấm vận đất nước". Người bị kết tội có thể bị phạt tiền hoặc đối mặt mức án tối đa 15 năm tù. Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Vladimir Putin ký duyệt.
"Dự luật sẽ cho phép trừng phạt nghiêm khắc những người nói dối và phát biểu bôi nhọ lực lượng vũ trang", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh sẽ không lập vùng cấm bay trên vùng trời Ukraine sau khi Kiev kêu gọi khối quân sự thực hiện động thái này.
"Cách duy nhất để lập vùng cấm bay là cử tiêm kích NATO vào không phận Ukraine và thực thi nó bằng cách bắn hạ máy bay Nga. Nếu làm vậy, chúng tôi có thể gây ra chiến tranh toàn diện tại châu Âu, khiến nhiều nước bị ảnh hưởng và dẫn tới nhiều thương vong hơn. Đó là lý do chúng tôi đưa ra quyết định này", ông nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những gì diễn ra tiếp theo trong đàm phán với Ukraine sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của Kiev. "Chưa có văn bản nào được hai bên ký kết trong hội đàm, nhưng Nga đã bày tỏ quan điểm về giải pháp giải quyết xung đột trong cuộc gặp với phái đoàn Ukraine", ông cho hay.
Điện Kremlin kêu gọi người Nga đoàn kết ủng hộ Tổng thống Putin, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số người Nga có tiếng tăm kêu gọi kết thúc giao tranh. "Giờ không phải là lúc để chia rẽ. Giờ là lúc để đoàn kết, ủng hộ Tổng thống của chúng ta", người phát ngôn Peskov nói.
Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Ukraine hôm 3/3 nói rằng các cuộc tấn công của Nga tuần qua đã khiến hơn 2.000 dân thường thiệt mạng, nhưng con số này chưa được kiểm chứng độc lập. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc nói rằng hơn 1,2 triệu người Ukraine đã di tản sang nước ngoài vì chiến sự.
Ý kiến ()