Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:41 (GMT +7)
Ngày Tết trẻ dễ mắc bệnh về tai mũi họng, chăm sóc thế nào?
Thứ 5, 01/02/2024 | 08:51:46 [GMT +7] A A
Thời tiết những ngày cận Tết đang diễn biến khá thất thường với những đợt lạnh sâu, có ngày nhiệt độ lên cao. Những diễn biến thời tiết cực đoan khiến cho trẻ nhỏ dễ gặp các vấn đề về tai mũi họng. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc khi trẻ gặp các vấn đề này hay để phòng ngừa giúp trẻ.
Bác sĩ Hà Tố Như - Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết, thời tiết lạnh hay diễn biến thất thường là thời gian lý tưởng để xuất hiện các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ nhỏ như viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm mũi họng cấp...
Bệnh tai mũi họng là các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Những xử trí sai lầm có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn, dẫn đến việc điều trị khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và xử trí điều trị các bệnh lý tai mũi họng cho trẻ cần được lưu ý để tránh dẫn tới các biến chứng.
Để chăm sóc trẻ trong dịp Tết sắp tới tốt nhất, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý việc vệ sinh mũi họng cho trẻ. Ngay từ khi dấu hiệu chảy nước mũi, ngạt mũi nhẹ xảy ra, ban đầu thường là dịch mũi lỏng cha mẹ cần rửa mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện rửa mũi 4 - 5 lần mỗi ngày cho đến khi không còn triệu chứng chảy nước mũi. Cho trẻ sử dụng khăn mềm lau dịch mũi, không dùng giấy hoặc khăn cứng vì dễ gây đau rát mũi.
Sau vài ngày xuất hiện triệu chứng, dịch mũi bắt đầu đặc gây khó thở cho trẻ, hơn nữa không dễ dàng vệ sinh. Lúc này, cha mẹ nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào bên mũi bị ngạt để làm loãng rỉ mũi. Sau đó dùng tay nhẹ nhàng day hai bên cánh mũi để rỉ mũi mềm, tự bong ra.
Với trẻ sơ sinh không thể tự xì mũi hoặc dịch mũi quá nhiều, quá đặc, có thể sử dụng dụng cụ hút mũi để làm thông thoáng được thở cho trẻ. Nên sử dụng đúng cách khi thực sự cần thiết bởi dùng nhiều dụng cụ hút mũi dễ gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý không hút dịch mũi trực tiếp cho trẻ bằng miệng, vi khuẩn có thể lây từ miệng người lớn sang trẻ và khiến bệnh bội nhiễm nguy hiểm hơn. Những khăn giấy mềm lau dịch mũi cho trẻ chỉ sử dụng một lần hoặc giặt sạch sau khi sử dụng, tránh virus còn tồn tại lây nhiễm ngược.
Dịch mũi là bình thường trong bệnh viêm mũi họng ở trẻ, tuy nhiên nếu xuất hiện chảy mủ, chảy máu kèm theo sốt cao. Có thể trẻ đã biến chứng nặng sang viêm tai, nhiễm khuẩn nên cần chăm sóc y tế, xem xét sử dụng kháng sinh điều trị.
Để phòng ngừa hay giảm nguy cơ mắc các bệnh tai mũi họng vào dịp Tết cho trẻ, bác sĩ Hà Tố Như cho biết phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, có gió lạnh. Những vùng cơ thể quan trọng cần giữ ấm nhiều hơn gồm: cổ, ngực, gan bàn chân,…
Vệ sinh họng, miệng cho trẻ thường xuyên và hướng dẫn trẻ nếu trẻ có thể tự thực hiện.
Nhắc nhở trẻ đánh răng thường xuyên trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, sau khi ăn cũng cần vệ sinh răng miệng.
Cho trẻ hít thở trong môi trường không khí trong lành, hạn chế khói thuốc, khói bụi, hóa chất công nghiệp,…
Hạn chế trẻ tiếp xúc với người nghi mắc bệnh hoặc tới nơi đông người trong mùa dịch.
Hướng dẫn trẻ không tự ý dùng tay ngoáy mũi, cho tay lên miệng ngậm để tránh nhiễm khuẩn hay chảy máu mũi.
Chú trọng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của trẻ để tăng sức đề kháng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()