Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:35 (GMT +7)
Ngày Tết: chọn món nào để cân bằng dinh dưỡng?
Thứ 4, 07/02/2024 | 23:30:32 [GMT +7] A A
Tâm lý "no ba ngày Tết" khiến các bà nội trợ mua sắm nhiều thực phẩm về tích trữ. Thức ăn nhiều, ăn không cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng rất thường gặp ngày Tết.
Không nên tích trữ thực phẩm
TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết nhiều người vẫn còn thói quen tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh để sử dụng cho những ngày Tết. Việc tích trữ không đúng cách, để chung đồ sống và đồ ăn chín tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc thực phẩm.
"Sử dụng đồ ăn tích trữ lâu, tích trữ không đảm bảo dễ bị rối loạn tiêu hóa. Trong bữa ăn nên phối hợp các thức ăn giúp dễ tiêu hóa như rau xanh, củ quả...", bác sĩ Hưng cho hay.
Bác sĩ Lý Kha Niến, trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), khuyến cáo không nên mua tích trữ tất cả thực phẩm trong những ngày Tết, nhất là thực phẩm tươi dễ bị hư hỏng (rau, củ, quả) và thịt, cá, hải sản. Chỉ tích trữ những thực phẩm khô (bánh kẹo), nước ngọt...
Mỗi gia đình nên lên kế hoạch tính toán mua thực phẩm vừa đủ trong một ngày cho các thành viên cùng người thân, bạn bè đến chúc Tết. Nếu điều kiện đi chợ/siêu thị không thuận lợi thì mua đủ dùng 2 - 3 ngày.
Với thực phẩm đã chế biến, tốt nhất ăn hết hoặc bảo quản trong ngăn mát trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Lưu ý, cần đặt thức ăn vào hộp (tốt nhất là thủy tinh) có nắp đậy hoặc bao bọc chúng lại khi lưu trữ ngăn mát và hâm nóng lại trước khi ăn.
Không lạm dụng món ăn "chống ngán" ngày Tết
Cũng theo bác sĩ Niến, những ngày Tết có rất nhiều món ăn, nhưng nếu ăn không đúng sẽ gây rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, suy thận hay thừa cân béo phì; khi ăn nhiều, ăn không đúng sẽ làm bệnh nền, tình trạng thừa cân nặng hơn.
Mỗi người nói chung và người mắc bệnh mạn tính nói riêng nên ăn cân đối và đa dạng bốn nhóm dinh dưỡng: chất bột đường (cơm, cháo, bún, phở, miến, nui, bánh mì...), đạm (thịt, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật...). Với người cao tuổi, chú ý ăn rau xanh đã chín để hạn chế bị rối loạn tiêu hóa.
Hạn chế nhóm thực phẩm: da và nội tạng các loại động vật, óc heo, đồ chua cay, chất kích thích, thực phẩm chế biến sẵn và nhiều muối (dưa muối, cà muối, mắm các loại, cá hộp, thịt muối và các món kho).
Hai món "chống ngán" ngày Tết là dưa và hành muối, TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo ăn lượng vừa đủ, chất lượng đảm bảo sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa. Nếu ăn quá nhiều dễ gây hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí khiến cho sức khỏe gặp vấn đề, nhất là những người có bệnh lý huyết áp, tim mạch, thận.
Bác sĩ Hưng nêu rõ hành và dưa muối qua quá trình ủ muối lên men tạo độ chua cần thời gian dài, sẽ khiến lượng muối ngấm sâu vào thực phẩm, khi ăn sẽ nạp một lượng muối khá lớn vào cơ thể khiến cơ thể thừa muối, gây áp lực lên thận, làm tăng huyết áp...
"Những người cần cẩn trọng hạn chế ăn dưa muối, hành muối như những người mắc các bệnh lý về dạ dày, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý về thận, tăng huyết áp. Đặc biệt, ở bệnh nhân bị suy thận, khả năng đào thải natri kém, việc ăn dưa muối có thể làm ứ đọng muối trong cơ thể, dẫn tới gây phù, tăng huyết áp", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hưng, trong dịp Tết các gia đình có thể lựa chọn nhiều món ăn chống ngán như rau xanh, trái cây. Đây là những nhóm thực phẩm giúp chống ngán, "quét" mỡ thừa trong cơ thể. Hoặc chế biến rau xanh thành các món gỏi cũng là lựa chọn an toàn hơn dưa muối.
Chú ý ngủ đủ giấc, vận động Ngoài chế độ ăn ngày Tết quan trọng, bác sĩ Lý Kha Niến cho rằng chế độ ngủ và vận động cũng rất quan trọng. Dù ngày nghỉ Tết, mỗi người nên ngủ đủ tối thiểu 6 - 8 tiếng/ngày. Song đó, thực hiện các hoạt động thường ngày như đi bộ, làm vườn, làm việc nhà, tốt hơn chọn những môn thể thao phù hợp với thể trạng để tăng cường chuyển hóa cơ thể, làm giảm các chất dư thừa, giảm cân, chống béo phì, cơ thể rắn chắc. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()