Tất cả chuyên mục

Ngày 5/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2016 - 2021, tổ chức Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp thường lệ cuối năm) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2018, thống nhất nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và quyết nghị một số nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.
* Thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết về lĩnh vực pháp chế
15h00': Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban về các nội dung thuộc lĩnh vực pháp chế.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, trình bày các báo cáo thẩm tra của ban. |
(1) Về giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2019.
(2) Về thông qua Đề án thành lập 4 phường: Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ, Hoàng Quế thuộc TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
(3) Về quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước.
(4) Về quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.
(5) Về báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018.
(6) Về báo cáo của UBND tỉnh về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Ban Pháp chế đánh giá các báo cáo, dự thảo nghị quyết đã được xây dựng một cách khoa học, các nội dung đều được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở vận dụng các quy định pháp luật hiện hành. Ban cơ bản thống nhất với các báo cáo, dự thảo nghị quyết, đồng thời, đề xuất một số nội dung để các nghị quyết hoàn thiện, chặt chẽ hơn. Đặc biệt trong báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, các cấp, ngành tập trung nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, có đánh giá so sánh số liệu qua các năm, từ đó phân tích, phát hiện những vấn đề nổi cộm kịp thời đề ra giải pháp hiệu quả. Trong công tác chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, nhất là những vấn đề, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định, kiến nghị khắc phục sau thanh tra, kiểm tra; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính...
* Cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo nghị quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội
14h45’: Đồng chí Châu Hoài Thu, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, trình bày các báo cáo thẩm tra của Ban về các nội dung:
(1) Về chính sách hỗ trợ thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020.
(2) Về ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 221/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.
(3) Về sửa đổi một số nội dung tại Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015, Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh.
![]() |
Đồng chí Châu Hoài Thu, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, trình bày các báo cáo thẩm tra. |
(4) Về chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2021.
(5) Về quy định chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
(6) Về ban hành Nghị quyết quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.
Báo cáo trước kỳ họp, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo nghị quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng thời, đề nghị xem xét điều chỉnh một số nội dung như: Sửa tên nghị quyết "Nghị quyết về chính sách hỗ trợ về nhà ở để thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020”; mở rộng phạm vi áp dụng tại khoản 1, Điều 1 “các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” thành "các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp". Ban cũng đề nghị hằng năm căn cứ vào điều kiện, nhu cầu thực tế, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh. Đặc biệt, đối với nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND, để đảm bảo quy định thể thức văn bản quy phạm pháp luật, Ban đề nghị bổ sung nội dung quy định cơ chế hỗ trợ đối với các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 trước lộ trình; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước đối với người có công thanh toán theo thực tế nhưng tối đa không quá 900.000 đồng/người; đề nghị xem xét không quy định giới hạn về thời gian thực hiện chính sách với người có công để đảm bảo chính sách được duy trì thực hiện lâu dài...
* Thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - ngân sách
14h10'- Đồng chí Cao Tường Huy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, trình bày các báo cáo thẩm tra của Ban về các báo cáo, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách.
![]() |
Đồng chí Cao Tường Huy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, trình bày các báo cáo thẩm tra của ban. |
Cụ thể là các nội dung:
(1) Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (lĩnh vực kinh tế - ngân sách).
(2) Về phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2017.
(3) Về đánh giá thực hiện dự toán ngân sách năm 2018; dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018, dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển năm 2019.
(4) Về đề nghị thông qua nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và danh mục các dự án thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2018 và nội dung thay đổi quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Quảng Ninh.
(5) Về ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.
(6) Về điều chỉnh, bổ sung quy định thu một số khoản phí, lệ phí tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh.
(7) Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, nhiệm vụ thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019.
(8) Về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020.
(9) Về việc ban hành chính sách hỗ trợ mở các đường bay đi và đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
(10) Về ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, Ban Kinh tế - Ngân sách đánh giá các báo cáo, dự thảo nghị quyết đã được xây dựng một cách khoa học, các nội dung đều được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở vận dụng các quy định pháp luật hiện hành. Ban cơ bản thống nhất với các báo cáo, dự thảo nghị quyết, đồng thời, đề xuất một số nội dung để các nghị quyết hoàn thiện, chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 về lĩnh vực kinh tế - ngân sách, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và giải pháp như dự thảo nghị quyết, đồng thời đề nghị quan tâm, chú trọng một số nội dung như: Quyết tâm siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các khu vực có lợi thế thương mại và các dự án có sử dụng đất theo quy định; tiếp tục cơ cấu nền nông nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đô thị, môi trường...
* Báo cáo kết quả giám sát
13h55': Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII.
Trong tổng số 53 nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII (gồm 44 nội dung kiến nghị mới và 9 nội dung kiến nghị đã được xem xét, trả lời những cử tri tiếp tục kiến nghị). Trong đó có 21 kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo an toàn giao thông (chiếm 39,6%), 13 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, quản lý quy hoạch, tài nguyên và môi trường (chiếm 24,5%), 19 kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, nội chính, cơ chế, chính sách (chiếm 35,7%). Kết quả giải quyết cụ thể: 2 nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết Trung ương, 12 nội dung kiến nghị cử tri đã giải quyết xong, có kết quả cụ thể; 18 nội dung kiến nghị cử tri đã được chỉ đạo làm rõ, giải thích để thông tin tới cử tri; 20 nội dung kiến nghị đã được tập trung rà soát, xác định rõ lộ trình giải quyết và đang triển khai thực hiện; 1 kiến nghị đã chỉ đạo giải quyết nhưng chưa dứt điểm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình, báo cáo tại kỳ họp. |
Thực hiện Nghị quyết số 114/NQ-HĐND ngày 13/7/2017, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết 31 nội dung kiến nghị của cử tri, trong đó gồm 15 nội dung kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII đang trong lộ trình giải quyết và chưa được giải quyết dứt điểm; 16 nội dung theo Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 chưa giải quyết dứt điểm và đang tập trung giải quyết, thực hiện theo lộ trình. Đến nay, 13 nội dung kiến nghị đã giải quyết xong có kết quả cụ thể; 15 nội dung kiến nghị đã được tập trung rà soát, xác định rõ lộ trình giải quyết và đang triển khai thực hiện; 3 kiến nghị đã chỉ đạo giải quyết nhưng chưa dứt điểm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Qua giám sát cho thấy, việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh quan tâm, phân công cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan chủ trì hoặc phối hợp giải quyết đối với từng nội dung kiến nghị của cử tri. Tổng số kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh giải quyết chưa dứt điểm là 83 nội dung. Đến nay, đã có 43 nội dung đã giải quyết xong hoặc thông tin, giải thích cho cử tri; 37 nội dung đã xác định rõ lộ trình, tiến độ giải quyết và 3 nội dung chưa dứt điểm cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết trong thời gian tới.
Nhìn chung, 100% nội dung kiến nghị của cử tri đều được UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Đối với những kiến nghị của cử tri, do những nguyên nhân khách quan (về nguồn lực, cơ chế chính sách...) chưa thể giải quyết dứt điểm ngay, đã được UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ để thông tin tới cử tri hoặc xác định thời hạn cụ thể để các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung giải quyết. Nhiều kiến nghị được giải quyết có kết quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết các kiến nghị của cử tri; đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, tích cực trao đổi, nghiên cứu, xem xét, giải quyết các kiến nghị thuộc trách nhiệm của địa phương, đơn vị.
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Thường trực, các ban của HĐND tỉnh và đa số các tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các địa phương quan tâm, theo dõi, đôn đôc, tổ chức khảo sát, giám sát theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
13h35': Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2018.
Trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Năm 2013, 14/14 địa phương cấp huyện trong tỉnh đã hoàn thành lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, đến thời điểm giám sát, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 13/2/2018 của Chính phủ.
Về tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Trong kế hoạch sử dụng đất đầu kỳ (2011-2015) cấp tỉnh xác định 174 dự án, công trình. Tại kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đề xuất 745 dự án, công trình. Trong quá trình triển khai, do tính cấp thiết, phục vụ an sinh xã hội và có tính cộng đồng nên đã có 39 công trình đã được xem xét bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được phê duyệt, các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đến hết năm 2017, đã thực hiện xong đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính cho 186/186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và bản đồ, hồ sơ địa chính đã được bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng phục vụ các công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Đến nay, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015), kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt, cùng với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được phê duyệt làm căn cứ để thực hiện quản lý, sử dụng đất trong thời gian qua và là khâu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập sự ổn định về mặt pháp lý của đất đai đối với công tác quản lý thống nhất của Nhà nước. Thông qua công tác triển khai, nhận thức, ý thức chấp hành tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền và người sử dụng đất được nâng lên; chất lượng công tác dự báo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước được nâng lên; công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ đã cơ bản theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, tạo quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực phát triển, đảm bảo thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các địa phương. Việc xây dựng, triển khai và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đạt kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tiễn đã góp phần tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược vào đầu tư tại tỉnh, đảm bảo quỹ đất đầy đủ kịp thời theo yêu cầu phát triển, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác công khai, tuyên truyền về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nơi còn hình thức; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đôi lúc chưa bám sát nội dung được duyệt; công tác tổ chức triển khai quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bất cập; việc đo đạc bản đồ địa chính và chỉnh lý biến động đất đai chưa kịp thời; hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đôi lúc chưa quyết liệt, triệt để.
* Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2019
13h30'- Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trình bày tờ trình về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2019.
Theo đó, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua Kế hoạch tổ chức 2 kỳ họp thường lệ trong năm 2019 của HĐND tỉnh. Cụ thể:
![]() |
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trình bày tờ trình Kế hoạch các kỳ họp HĐND năm 2019. |
Kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 (tổ chức vào tháng 7/2019, với thời lượng khoảng 2-3 ngày) để thảo luận, thông qua các nội dung:
(1) Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019.
(2) Nghị quyết thông qua danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (đợt 1 năm 2019).
(3) Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư.
(4) Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2020 của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021.
(5) Các báo cáo trình kỳ họp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2019 (tổ chức vào tháng 12/2019, với thời lượng khoảng 3-4 ngày) nhằm thảo luận, thông qua các nội dung:
(1) Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
(2) Nghị quyết về lập dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước; cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2020, Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2020.
(3) Nghị quyết về phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2018.
(4) Nghị quyết về việc thông qua biên chế công chức, quyết định giao chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và quyết định tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2020.
(5) Nghị quyết thông qua danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (đợt 2 năm 2019).
(6) Nghị quyết về ban hành Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.
(7) Nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2020 của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021.
(8) Các báo cáo trình kỳ họp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.
Ngoài các nội dung trên, theo chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của địa phương và đề nghị của UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình các kỳ họp thường lệ hoặc bất thường trong năm 2019 một số nghị quyết để trình HĐND tỉnh quyết định, phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
11h35': Đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Ngày 22/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Kỳ họp thứ 6 thống nhất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Cũng tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác: Các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp. Tổng cộng có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận.
Về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã đánh giá tổng quan về kết quả kỳ họp và quyết định một số vấn đề: Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian hai năm kể từ ngày 1/2/2019; giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
* Hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh
11h30': Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trình bày tóm tắt tờ trình về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng. |
Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh được quy định rõ phạm vị điều chỉnh: Theo đó, hỗ trợ sẽ thực hiện đối với các cơ sở sản xuất lò vôi thủ công dừng hoạt động trước ngày 31/12/2018 và hoàn thành tháo dỡ, khôi phục mặt bằng trước ngày 31/3/2019. Nghị quyết không điều chỉnh hỗ trợ đối với trường hợp chủ cơ sở, doanh nghiệp đã phá dỡ, khôi phục mặt bằng trước ngày 27/5/2017 hoặc dừng hoạt động sau ngày 31/12/2018 hoặc chưa tháo dỡ, khôi phục mặt bằng trước ngày 31/3/2019. Theo đó, chính sách sẽ hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng; hỗ trợ dừng sản xuất để chuyển đổi nghề; hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi nghề và hỗ trợ đối với người lao động.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ việc chấm dứt các cơ sở sản xuất được chi từ nguồn ngân sách huyện, thị xã, thành phố nơi có lò vôi dừng hoạt động trong kế hoạch đã duyệt. Ngân sách tỉnh bố trí vốn vay để ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai cho vay vốn theo đúng quy định.
* Thêm chế độ dinh dưỡng đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao
11h20': Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao trình bày tóm tắt tờ trình về việc ban hành nghị quyết quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao. |
Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND ngày 11/7/2011 về việc quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao. Song qua 6 năm thực hiện Nghị quyết quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao không còn phù hợp, mức chi thấp so với mặt bằng thực tế. Vì vậy, cần xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND.
Tờ trình nêu rõ mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tham gia tập luyện, huấn luyện và thi đấu thuộc các đội tuyển: Đội tuyển tỉnh, Đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu tỉnh, đội tuyển huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đối tượng được áp dụng là huấn luyện viên, vận động viên thể thao đang tập luyện, huấn luyện tạo Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Trung tâm Lặn cứu nạn và thể thao dưới nước, Trường Thể dục, thể thao tỉnh; huấn luyện viên, vận động viên đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao được quy định tại Khoản 14, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao… Mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng được tính bằng tiền cho một ngày tập trung tập luyện, huấn luyện và thi đấu của một huấn luyện viên, vận động viên được quy định cụ thể, các mức được chia theo nhóm đội tuyển khác nhau.
* TX Đông Triều sắp có thêm 4 phường
11h10': Đồng chí Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ, trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan lĩnh vực nội vụ.
Đồng chí Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ. |
Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tóm tắt các tờ trình: (1) Tờ trình về việc quyết định giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2019; (2) Tờ trình đề nghị thông qua Đề án thành lập 4 phường: Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ, Hoàng Quế thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Giám đốc Sở Nội vụ nêu rõ nội dung cần thiết của các tờ trình.
Đối với việc quyết định giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2019. Theo đó, đề xuất tổng biên chế khối các cơ quan Đảng, đoàn thể là 1.415 và 76 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Trong đó, 1.248 biên chế công chức, 167 người làm việc (biên chế viên chức) và 76 hợp đồng 68. Về biên chế các cơ quan, đơn vị thuộc khối chính quyền: Quyết định giao 2.446 biên chế công chức; số lượng người làm việc là 25.101 chỉ tiêu; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 481 chỉ tiêu; tiếp tục giao 79 định biên cho các hội đặc thù để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với đề nghị thông qua Đề án thành lập 4 phường: Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ, Hoàng Quế thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định hiện hành, 4 xã Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ, Hoàng Quế thuộc TX Đông Triều đến nay đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập 4 phường trên cơ sở toàn bộ hiện trạng diện tích đất tự nhiên, dân số và kết cấu hạ tầng hiện có. Các tuyến địa giới hành chính vẫn giữ nguyên và tuân thủ theo bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị 364/CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Sau khi thành lập, TX Đông Triều có 21 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 10 phường và 11 xã).
* Nhiều chính sách về lao động, việc làm được xem xét
11h05': Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan đến lĩnh vực thương binh, lao động, xã hội.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội. |
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày tóm tắt các tờ trình về: (1) Tờ trình về việc ban hành chính sách hỗ trợ thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020; (2) Tờ trình về việc ban hành chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2021; (3) Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; (4) Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 221/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về Chương trình làm việc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020; (5) Tờ trình về sửa đổi một số nội dung tại Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015, Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của HĐND tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã nêu rõ sự cần thiết của nội dung các tờ trình.
Đối với việc ban hành chính sách hỗ trợ thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020: Tờ trình nêu rõ chính sách hỗ trợ được áp dụng cho đối tượng chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc khu đô thị phụ trợ thuộc Khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà phục vụ cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và cho người lao động là người Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp trong khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà có nhu cầu vay vốn để mua, thuê mua nhà ở, xây dựng, sửa chữa nhà ở. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Trong đó, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án là 127.243 triệu đồng (nguồn đầu tư cho các khu công nghiệp, khu kinh tế hằng năm); hỗ trợ lãi suất công nhân để mua, thuê nhà ở, xây mới, sửa chữa nhà ở (hỗ trợ đến hết năm 2030) là 150.000 triệu đồng (nguồn sự nghiệp).
Đối với việc ban hành chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2021. Đối tượng được nhận hỗ trợ là người có công với cách mạng và thân nhân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh thuộc đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 3/6/2014 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài Chính. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh quy định mức hỗ trợ thêm cụ thể như sau: Điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh được hỗ trợ tiền ăn 1.400.000 đồng/người/đợt và hỗ trợ tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước là 860.000 đồng/người/đợt. Đối với điều dưỡng tại nhà mức hỗ trợ là 700.000 đồng/người/đợt. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách địa phương và được cân đối giao trong chi ngân sách hằng năm cho các địa phương, đơn vị để thực hiện.
Đối với việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách là người cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; công chức, viên chức, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; Công chức, viên chức trực tiếp thực hiện quản lý, theo dõi công tác cai nghiện ma túy tại Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp, thường xuyên làm nhiệm vụ đưa người đi cai nghiệm ma túy bắt buộc, đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thuộc Công an cấp huyện. Tờ trình cũng đã nêu rõ từng mức hỗ trợ cho từng đối tượng về tiền ăn, tiền chi mua đồ dùng sinh hoạt, tiền thuốc, tiền đồng phục, vật dụng công tác... Ngoài việc bố trí ngân sách tỉnh để chi trả theo quy định của Trung ương và Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh cho công tác cai nghiện ma túy là 10.080 triệu đồng/năm, tổng kinh phí hằng năm tỉnh chi bổ sung thêm để thực hiện các chính sách hỗ trợ mới là 6.394,2 triệu đồng.
Đối với việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 221/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về Chương trình làm việc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Tờ trình đề xuất, sửa đổi, bổ sung Chỉ tiêu giải quyết việc làm quy định tại Nghị quyết số 221/NQ-HĐND thành: Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 29.000 lao động, duy trì và tạo việc làm thông qua dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho trên 4.000 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho 2.000 lao động; Sửa đổi, bổ sung Mục tiêu hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm quy định hiện hành tại Nghị quyết số 221/NQ-HĐND thành: Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp từ quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, mỗi năm cho vay từ 150-200 tỷ đồng để giải quyết việc làn cho trên 2.000 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho 2.000 lao động; sửa đổi, bổ dung nội dung kinh phí thực hiện quy định tại Nghị quyết số 221/NQ-HĐND thành: Tổng kinh phí thực hiện chương trình: 165.050 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương 81.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 84.050 triệu đồng).
Đối với tờ trình về sửa đổi một số nội dung tại Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015, Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của HĐND tỉnh.
+ Về sửa đổi một số nội dung tại Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bổ sung thêm phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ đối với người học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh. Đồng thời, bổ sung thêm 2 nghề vào danh mục nghề khuyến khích đào tạo là nghề quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Như vậy, tổng số có 10 nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh.
+ Về sửa đổi một số nội dung tại Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của HĐND tỉnh về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Điều chỉnh bổ sung Điểm h vào Khoản 4 Điều 1, như sau:
“Điểm h. Điều chỉnh, bổ sung việc bố trí nguồn lực đầu tư đối với các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK trước lộ trình được phê duyệt tại Quyết định 196/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 của UBND tỉnh “về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, cụ thể:
h1) Các xã hoàn thành mục tiêu chương trình 135 ra khỏi diện ĐBKK trước lộ trình được hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã để xây dựng công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.
h2) Các thôn hoàn thành mục tiêu chương trình 135 ra khỏi diện ĐBKK (bao gồm cả các thôn ĐBKK thuộc xã ĐBKK) trước lộ trình được phê duyệt (lộ trình của thôn ĐBKK thuộc xã ĐBKK) được tính theo lộ trình hoàn thành mục tiêu chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK của xã đã được phê duyệt) được hỗ trợ 1 tỷ đồng/thôn để xây dựng công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.
h3) Thực hiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các xã, thôn được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK trước lộ trình được phê duyệt vào năm sau của năm được công nhận.
- Điều chỉnh, bổ sung điểm d, Khoản 5, Điều 1, như sau:
“Điểm d. Kinh phí hỗ trợ quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 1 Nghị quyết này được điều tiết từ nguồn kinh phí chưa sử dụng của các công trình, dự án thuộc các xã, thôn được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK trước lộ trình được phê duyệt”.
- Điều chỉnh, bổ sung vào Khoản 1, Điều 3, như sau:
“HĐND tỉnh giao UBND tỉnh quy định danh mục công trình hạ tầng nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK trước lộ trình được phê duyệt được sử dụng kinh phí đầu tư theo quy định tại Nghị quyết này”.
Về cơ chế hỗ trợ những hộ điển hình tiên tiến chủ động phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững đề xuất giao cấp huyện chủ động xây dựng và thực hiện.
* Thu hồi đất của 92 công trình, dự án
10h55’ - Đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trình bày tóm tắt các tờ trình về thông qua nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và danh mục các dự án thu hồi đất để thực hiện để các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2018 và nội dung thay đổi về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trình bày tóm tắt các tờ trình về thông qua nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. |
Theo đó, đồng chí nêu rõ, 92 công trình, dự án với tổng diện tích đất thu hồi là 461,18ha; nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất đặc dụng để thực hiện 61 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2018. Đồng chí đã trình danh mục dự cán cần thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội đối với dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên với diện tích 3.186ha.
* Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
10h30’- Đồng chí Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt các tờ trình về: Ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Ban hành chính sách hỗ trợ mở các đường bay đi và đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Đồng chí Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày tóm tắt các tờ trình. |
Đối với tờ trình ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, chính sách được áp dụng cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo quy định tại Điều 4, Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, có đặt trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Các doanh nghiệp, các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư trên địa bàn tỉnh có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định cụ thể theo các nội dung: Hỗ trợ đào tạo kiến thức pháp lý, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh...
Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quy định điều kiện hỗ trợ là doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh; chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần; doanh nghiệp có dự án đầu tư ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới được hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh trở lên công nhận hoặc doanh nghiệp có ý tưởng, đề tài, giải pháp đạt giải ở các cuộc thi, hội thi về sáng tạo khoa học và kỹ thuật của tỉnh trở lên có tính ứng dụng cao, có khả năng áp dụng vào sản xuất và đời sống; hoặc doanh nghiệp xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ được cấp chứng nhận hoạt động. Theo đó, được hỗ trợ các nội dung: Hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ, hỗ trợ truyền thông khởi nghiệp.
Đối với tờ trình đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020, đồng chí đã nêu rõ phương án điều chỉnh, bổ sung: Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng số là 1.281.378 triệu đồng; nguồn vốn để dự phòng cho các trường hợp phát sinh là 200.000 triệu đồng; phương án điều chỉnh đối với số vốn còn lại: 6.577.113 triệu đồng.
Đối với tờ trình về việc ban hành chính sách hỗ trợ mở các đường bay đi và đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đồng chí nêu rõ đối tượng áp dụng: Các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay đi và đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; doanh nghiệp khai thác vận tải công cộng bằng xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến trung tâm TP Hạ Long và ngược lại; hành khách trên các chuyến bay đi và đến qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Các nội dung chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ về tuyên truyền, hỗ trợ về quảng cáo, hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải công cộng bằng xe buýt và một số chính sách khác. Thời gian được áp dụng chính sách hỗ trợ tối đa không quá 3 năm từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2021.
* Điều chỉnh, bổ sung một số khoản phí, lệ phí là phù hợp với thực tế
9h50' – Đồng chí Trịnh Minh Thanh, Giám đốc Sở Tài chính, trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách.
Đồng chí Trịnh Minh Thanh, Giám đốc Sở Tài chính. |
Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính trình bày tóm tắt các tờ trình về: Điều chỉnh, bổ sung quy định thu một số khoản phí, lệ phí tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước; tờ trình về đánh giá thực hiện dự toán ngân sách năm 2018; dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018, dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển năm 2019; phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2017.
Đồng chí Giám đốc Sở Tài Chính đã chỉ rõ sự cần thiết nội dung các tờ trình.
Đối với tờ trình về điều chỉnh, bổ sung quy định thu một số khoản phí, lệ phí tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đồng chí trình bày về sự phù hợp với thực tế của việc bổ sung quy định giảm mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với trẻ em; bổ sung quy định thu phí tham quan điểm du lịch Lựng Xanh; điều chỉnh đơn vị có thẩm quyền thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh; bổ sung mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng đối với sửa chữa, cải tạo, di dời công trình theo Luật Xây dựng; điều chỉnh tăng mức phí tham quan Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh; bãi bỏ quy định mức thu, đối tượng nộp, đơn vị thu, quy định miễn, giảm đối với phí tham quan danh lam thắng cảnh khác tại Nghị quyết 62/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; quy định giảm 20% mức phí tham quan danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đối với đối tượng trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi; Đề xuất mức thu phí Lựng Xanh, với người lớn: 30.000 đồng/lần/người; trẻ em: 10.000 đồng/lần/người. Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Uông Bí được trích để lại 100% số thu để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn được giao; bổ sung thêm đối tượng thu phí của các trường hợp cấp giấy phép xây dựng đối với sửa chữa, cải tạo, di dời công trình tại Điểm 3, Mục 2, Phụ lục I Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh. Điều chỉnh bổ sung thu phí bảo tàng, đối với người lớn: tăng từ 30.000 đồng/vé lên 40.000 đồng/vé; đối với sinh viên, học viên các trường ĐH, CĐ, TC, trường dạy nghề: tăng từ 15.000 đồng/vé lên 20.000 đồng/vé. UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh bãi bỏ quy định mức thu, đối tượng nộp, đơn vị thu, quy định miễn, giảm đối với phí tham quan danh lam thắng cảnh khác tại Nghị quyết 62 của HĐND tỉnh.
Đối với tờ trình về quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, đồng chí chỉ rõ trên cơ sở các căn cứ, nguyên tắc, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh mức phân bổ kinh phí ngân sách trung ương bổ sung cho ngân sách tỉnh từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông năm 2019, 2020 như sau: Phân bổ 70% cho lực lượng công an để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; phân bổ 15% cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT của các huyện, thị xã, thành phố. Số phân bổ cụ thể cho từng địa phương do UBND tỉnh quyết định theo tỷ trọng số thu xử phạt vi phạm ATGT của từng địa phương trên tổng số thu xử phạt vi phạm ATGT của toàn tỉnh. Phân bổ 15% để thực hiện nhiệm vụ chung, nhiệm vụ đặc thù, các nhiệm vụ đột xuất đảm bảo trật tự ATGT chung toàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh. Kinh phí phân bổ theo tỷ lệ đề xuất của UBND tỉnh: Ngân sách Trung ương có mục tiêu cho Quảng Ninh là 146.460 triệu đồng (năm 2019: 76.447 triệu đồng; năm 2020: 70.013 triệu đồng); 70% phân bổ cho lực lượng công an là 102.522 triệu đồng (năm 2019: 53.513 triệu đồng; năm 2020: 49.009 triệu đồng); 15% phân bổ cho các địa phương là 21.969 triệu đồng (năm 2019: 11.467 triệu đồng; năm 2020: 10.502 triệu đồng); 15% phân bổ cho ngân sách tỉnh (năm 2019: 11.467 triệu đồng; năm 2020: 10.502 triệu đồng); 15% phân bổ cho ngân sách tỉnh.
Đối với tờ trình về quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước, UBND tỉnh trình mức chi “Chi thù lao giảng viên, báo cáo viên” đối với giảng viên, báo cáo viên là Uỷ viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ và các chức danh tương đương; giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các chức danh tương đương; giáo sư; chuyên gia cao cấp; giảng viên, báo cáo viên là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Vụ trưởng và Phó vụ trưởng thuộc bộ, viện trưởng và phó viện trưởng thuộc bộ, cục trưởng, phó cục trưởng; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy và các chức danh tương đương; phó giáo sư; tiến sỹ; giảng viên, báo cáo viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; bí thư, phó bí thư cấp huyện, lãnh đạo HĐND, UBND cấp huyện và các chức danh tương đương; báo cáo viên cấp tỉnh và giảng viên chính; giảng viên, báo cáo viên còn lại là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ở trung ương và cấp tỉnh (ngoài 4 đối tượng nêu trên); giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các đơn vị từ cấp huyện và tương đương trở xuống....
Đối với tờ trình về đánh giá thực hiện dự toán ngân sách năm 2018; dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018, dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển năm 2019, đồng chí đã cho biết kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018, ước đạt 40.500 tỷ đồng, tăng 14% so dự toán trung ương giao, tăng 11% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng chi NSĐP ước thực hiện cả năm đạt 27.392 tỷ đồng, tăng 18% dự toán, tăng 21% so với cùng kỳ. Đồng chí trình bày dự toán thu NSNN, chi NSĐP, phương án phân bổ chi NS cấp tỉnh, dự toán thu NSNN, chi NSĐP năm 2018. Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển năm 2019 là 12.404 tỷ đồng.
Đối với tờ trình về việc phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2017, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê chuẩn tổng quyết toán thu NSNN, chi NSĐP năm 2017, như : Tổng thu NSNN trên địa bàn: 49.349.261 triệu đồng; tổng thu NSĐP là 32.497.144 triệu đồng; tổng chi NSĐP 29.663.334 triệu đồng. Kết dư NSĐP 2.833.810 triệu đồng. Tổng số ghi thu NSĐP năm 2018 từ số kết dư NSĐP năm 2017 là: 1.447.192 triệu đồng.
* Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh tiếp tục có tính chất và mức độ phức tạp hơn
9h40': Đồng chí Đinh Khắc Khang, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019.
Báo cáo trước HĐND tỉnh, đồng chí Đinh Khắc Khang khẳng định: Năm 2018, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh tiếp tục có tính chất và mức độ phức tạp hơn, số việc thụ lý mới có chiều hướng ngày càng tăng, các vụ việc phải thi hành liên quan đến kinh doanh thương mại, tranh chấp tài sản, vay nợ, hôn nhân gia đình và những vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Năm 2018, chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao và Tổng cục Thi hành án dân sự giao: Thi hành xong trên 73% số việc và trên 32% số tiền, trên tổng số vụ có điều kiện giải quyết; giảm án chuyển kỳ sau: Giảm ít nhất 4% về việc và 3% về tiền chuyển kỳ sau so với năm 2017 chuyển sang năm 2018 trên số có điều kiện thi hành.
Đồng chí Đinh Khắc Khang, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. |
Năm 2018, Cục thụ lý tổng số vụ là 10.888 việc, tăng 1.153 việc (11,84%) so với năm 2017. Trong đó số cũ năm 2017 chuyển sang là 3.183 việc, số thụ lý mới năm 2018 là 7.705 việc, tăng 1.130 việc (17,18%) so với năm 2017. Trong tổng số việc thụ lý, đã ủy thác 124 việc, tổng số việc còn phải thi hành là 10.764 việc. Kết quả: Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 7.380 việc, đạt tỷ lệ 82,63% (so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao năm 2018 vượt 10,63%, so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao vượt 9,63%); so với cùng kỳ năm 2017 tăng 932 việc (14,4%), cao hơn 2,03%.
Kết quả về tiền: Tổng số tiền thụ lý là: 1.670 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó số cũ năm 2017 chuyển sang là: 1.156,1 tỷ đồng; số thụ lý mới năm 2018 là: 513,832 tỷ đồng, giảm 156,567 tỷ đồng (23,3%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong tổng số tiền thụ lý, đã ủy thác đi 292,6 tỷ đồng, tổng số tiền còn phải thi hành là: 1.377 tỷ đồng. Kết quả: Trong số tiền có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 236,448 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,12% (so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao năm 201 7 vượt 7,12%; so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao vượt 7,12% ); so với cùng kỳ năm 2017 giảm 150,4 tỷ đồng (30,8%), thấp hơn 5%.
Cùng với đó, công tác thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phấm chất đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự được quan tâm, chú trọng; việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh được tăng cường; các mặt công tác khác cũng được chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt. Qua kết quả đã đạt được, đã góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đấy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Trong năm 2019, Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ngành, tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chị thị, nghị quyết của tỉnh và Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự.
* Chất lượng công tác xét xử của toà án tiếp tục được đảm bảo, không có người bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm
9h30': Đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2018 của TAND hai cấp và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019.
Đồng chí Hoàng Văn Tiền cho biết: TAND tỉnh thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018 trong bối cảnh thẩm quyền của tòa án được mở rộng, số lượng các vụ việc phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, trong khi biên chế thẩm phán không tăng mà phải tinh giản theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức TAND hai cấp của tỉnh và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TAND tối cao, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, việc triển khai thi hành các đạo luật mới đã được thực hiện hiệu quả, thống nhất; chất lượng công tác xét xử của toà án tiếp tục được đảm bảo, không có người bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa thấp và giảm so với cùng kỳ. Các phán quyết của tòa án đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Công tác thi hành án hình sự được thực hiện hiệu quả, đúng quy định; các mặt công tác khác được thực hiện đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể, trong năm 2018 (số liệu tính từ 01/11/2017 đến 31/10/2018), TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 7.360 vụ, việc (tăng 753 vụ việc = 11,4% so với cùng kỳ năm trước); đã giải quyết, xét xử 6.154 vụ việc các loại, đạt tỷ lệ 83,6% (giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước), số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh. |
Trong đó, về kết quả giải quyết các vụ án hình sự: TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 1.836 vụ = 2.885 bị cáo (tăng 279 vụ = 93 bị cáo so với cùng kỳ năm trước); đã xét xử 1.526 vụ = 2.328 bị cáo, đạt tỷ lệ 83,1% số vụ và 80,7% số bị cáo; không có án quá hạn. Về kết quả giải quyết, xét xử các vụ, việc hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động trong năm 2018, TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 5.524 vụ, việc (tăng 474 vụ, việc so với cùng kỳ) và đã giải quyết, xét xử 4.628 vụ, việc, đạt tỷ lệ chung 83,8%... Cùng với đó, TAND tỉnh tiếp tục thục hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, về công tác hội thẩm nhân dân; đồng thời, tích cực thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác cải cách tư pháp...
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác nêu trên của TAND hai cấp đã góp phần giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tòa án năm 2018 cũng còn một số tồn tại: Trong công tác chuyên môn vẫn còn có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; việc xét xử một số vụ án phức tạp còn kéo dài, phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; mặc dù đã rất cố gắng nhưng do lượng án tăng nhiều nên tiến độ, tỷ lệ giải quyết một số loại án chưa cao. Điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của một số Tòa án cấp huyện còn thiếu thốn, lạc hậu; nhiều trụ sở tòa án đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, xây mới...
Đồng chí Hoàng Văn Tiền cũng cho biết: Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, TAND hai cấp của tỉnh đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ chính trong công tác năm 2019 là: Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương và địa phương, của Quốc hội và TAND tối cao về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; phối hợp tốt với các cư quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức tòa án; đổi mới thủ tục hành chính, gắn cải cách hành chính với cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai minh bạch các hoạt động của tòa án; đẩy mạnh các phong trào thi đua, gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của cấp trên...
* Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng
9h20': Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, trình bày tóm tắt báo cáo kết quả năm 2018 của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2018, số án mới khởi tố trong toàn tỉnh là 1.435 vụ/2.023 bị can so với cùng kỳ năm 2017 tăng 102 vụ (7,65%) và tăng 41 bị can (2,07%). Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (cả về số vụ và số bị can), song không có diễn biến bất thường. Trong tổng số tội phạm đã phát hiện, khởi tố, tội phạm về ma túy chiếm 34,35%; tội phạm xâm phạm sở hữu chiếm 31,71%; tội phạm về trật tự an toàn xã hội chiếm 29,13%; tội phạm về kinh tế, môi trường chiếm 3,9%; tội phạm về tham nhũng, chức vụ chiếm 0,77% và tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp, mỗi loại chiếm 0,07%.
Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. |
Tội phạm tăng nguyên nhân chính là do ý thức coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội. Mặt khác, tội phạm gia tăng còn do chính sách, pháp luật hình sự thay đổi. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân làm tội phạm gia tăng....
Mặc dù tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như đã nêu trên, song được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm được tăng cường; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tội phạm nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh được ổn định, giữ vững.
Cùng với đó, cả 2 cấp kiểm sát đã nỗ lực thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và đạt được kết quả tích cực đặc biệt trong lĩnh vực hình sự. Tổng số thụ lý kiểm sát 1.448 tin báo, cơ quan điều tra đã giải quyết 1.237 tin báo, đạt tỷ lệ 85,43%; đang giải quyết 211 tin báo (đều trong thời hạn luật định). Viện kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với kiểm sát điều tra, truy tố án hình sự nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kết quả: Thụ lý kiểm sát điều tra 1.739 vụ/2.486 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 1.416 vụ/2.032 bị can, đạt tỷ lệ 81,43%. Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự: Thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.335 vụ/2.177 bị cáo. Tòa án đã giải quyết 1.172 vụ/1.888 bị cáo, đạt tỷ lệ 87,8%. Thụ lý kiểm sát xét xử phúc thẩm 190 vụ/237 bị cáo. Tòa án đã giải quyết 173 vụ/220 bị cáo (xét xử 147 vụ/ 193 bị cáo, đình chỉ xét xử 26 vụ/ 27 bị cáo). Qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã kháng nghị phúc thẩm 20 vụ. Ban hành 22 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm 2 kiến nghị phòng ngừa.
9h10’ - Đồng chí Lê Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trình bày báo cáo công tác tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh năm 2018.
Đồng chí Lê Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trình bày báo cáo. |
Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2018, MTTQ tỉnh đã tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch để tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Điển hình là đã tập trung tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”; “Năm dân vận chính quyền”. MTTQ tỉnh cũng đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã hội học tập, thực hiện chính sách xã hội và xây dựng gia đình hạnh phúc… qua đó, phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được MTTQ triển khai nghiêm túc, đúng quy định, rõ trách nhiệm, nhất là triển khai đăng ký giám sát các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để nghiên cứu, xem xét và phản biện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thời gian qua, trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của công dân được MTTQ quan tâm tập trung thực hiện. Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổng họp được 82 ý kiến, kiến nghị, phản ánh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ báo cáo trước kỳ họp 5 nhóm ý kiến, kiến nghị phản ánh mà cử tri nhiều địa phương có ý kiến gồm: Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trật tự đô thị, giao thông; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; sản xuất, lao động và việc làm; an sinh xã hội, nâng cao chất lượng môi trường sống; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
* KT-XH năm 2018 đạt kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu
8h20' - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, tính chủ động, quyết liệt của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại kỳ họp. |
Công tác điều hành thu, chi ngân sách có nhiều cố gắng, tăng 11,3% so dự toán (thu nội địa tăng 10,3%) gắn với triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn có tính chất động lực, góp phần tạo động lực chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường. Một số nhiệm vụ, mô hình mới như xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử được triển khai đã đạt kết quả bước đầu, tỉnh được nhận giải thưởng ASOCIO, một số cá nhân và tập thể nhận được các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; chủ động trong mọi tình huống, giữ vững và bảo đảm an ninh trật tự. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được củng cố và mở rộng.
Những kết quả trên khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo.
Năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị Quyết của HĐND tỉnh, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2019 về "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ"; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; tăng cường công tác thanh tra, tư pháp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về quốc phòng, an ninh; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội…
* Tập trung thảo luận 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng
8h5': Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khai mạc kỳ họp.
Ngay sau lễ chào cờ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc phát biểu khai mạc kỳ họp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV. Sau nửa chặng đường của nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2018, tỉnh đã tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các đột phá: Đột phá trong công tác xây dựng đảng, đổi mới tổ chức bộ máy chính trị; đột phá trong cải cách hành chính; đột phá trong phát triển hạ tầng.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Thông tin đến đại biểu về tình hình phát triển KT-XH của Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Bức tranh tổng thể cả tỉnh năm 2018 đã cho thấy những tín hiệu tích cực khả quan và đầy triển vọng phát triển cho năm 2019. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Qua đó khẳng định hướng đi, giải pháp đúng đắn và sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong thời gian qua. Để nắm bắt phát huy tối đa các thời cơ, đồng thời khắc phục khó khăn, hiện thực hóa được mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp và hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu, nhất là nhiệm vụ tăng trưởng của cả nhiệm kỳ đạt từ 11% - 12%. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu, đánh giá những kết quả đã đạt được và thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, tập trung vào những nội dung ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ mà hiện nay chưa đạt tiến độ khả quan.
Trong đó, quan tâm thảo luận một số nội dung: Phân tích, dự báo tình hình thời gian tới, nhất là những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt để thúc đẩy tăng trưởng GRDP đạt và vượt trên 11,6%; triển khai các giải pháp quyết liệt phấn đấu vượt thu ngân sách năm 2019 cao nhất; đề ra những giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới; đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; các giải pháp tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 18, 19-TW và Chương trình hành động số 21...
![]() |
Đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu báo cáo tại kỳ họp. |
Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét thảo luận, quyết nghị một số nội dung quan trọng: Thông qua nội dung liên quan đến biên chế của cả hệ thống chính trị, đảm bảo theo quy định Trung ương và lộ trình tinh giản biên chế đề ra. Thông qua một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách hỗ trợ nhà ở để thu hút lao động vào làm việc tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020; cơ chế, chính sách hỗ trợ thời gian đầu hoạt động để khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và một số cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh...
Trên cơ sở giám sát việc chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cuộc giám sát, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nghị quyết về giám sát thực hiện giải quyết ý kiến cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh sẽ dành thời gian thỏa đáng để chất vấn việc thực hiện cam kết đối với những vấn đề, nội dung mà cử tri, nhân dân quan tâm.
![]() |
Các em học sinh tham dự kỳ họp. |
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với thực thi nhiệm vụ, hiệu quả công tác và ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức của các đồng chí cán bộ do HĐND bầu kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời, HĐND tỉnh sẽ tiến hành kiện toàn Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc yêu cầu: Các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt nội quy kỳ họp, nghiêm túc nghiên cứu các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, phát huy tinh thần dân chủ, bàn bạc và phát biểu, nêu được các vấn đề thiết thực, cụ thể, quyết nghị các nghị quyết sát thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp.
* Đúng 8h00' ngày 5/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp. Dự kỳ họp có các đồng chí: Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đặc biệt có sự tham dự của 50 học sinh, thanh niên tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ trên địa bàn toàn tỉnh.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII. |
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII sẽ đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; bàn, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đồng thời xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội như: Lập dự toán, phân bổ ngân sách nhà nước; cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2019, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2019; chính sách hỗ trợ mở các đường bay đi và đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; chính sách hỗ trợ nhà ở để thu hút lao động vào làm việc tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2021; quy định chính sách cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2019; điều chỉnh, bổ sung quy định thu một số khoản phí, lệ phí tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh...
![]() |
Quang cảnh kỳ họp. |
Tại Kỳ họp thứ 9 sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; miễn nhiệm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021; miễn nhiệm và bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ủy viên UBND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Cùng với đó, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn nhiều nội dung cử tri quan tâm và thực hiện một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
* Báo Quảng Ninh tiếp tục cập nhật về kỳ họp...
Ý kiến ()