Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Thảo luận tại tổ về các vấn đề trọng tâm phát triển kinh tế -xã hội
Thứ 4, 25/05/2022 | 19:16:11 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về các vấn đề quan trọng như: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021… Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tham gia Tổ thảo luận số 6 gồm các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng.
Phát biểu thảo luận tại tổ về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều biến động, chiến tranh xung đột, dịch bệnh… đang làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn đạt được những kết quả rất khả quan do có những đường lối, chính sách, giải pháp điều hành linh hoạt của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí đề nghị cần đánh giá một cách kỹ lưỡng những tác động do ảnh hưởng từ xung đột trên thế giới đối với năng lượng, đặc biệt là giá xăng dầu; những biến động trong sản xuất do ảnh hưởng từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, cần đánh giá và điều chỉnh chiến lược về kinh tế cho phù hợp trước những tác động của thiên tai ảnh hưởng đến nông nghiệp, đầu tư công, sản xuất, xây dựng hạ tầng giao thông.
Mặt khác, công tác giải ngân vốn đầu tư công, chống lạm phát cần thực hiện tốt để ổn định nền kinh tế vĩ mô; đẩy nhanh việc triển khai các gói phục hồi kinh tế. Tăng cường thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, đặc biệt là tạo đột phá về khoa học công nghệ. Để thực hiện các giải pháp này cũng cần phân tích, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm, vướng mắc của các địa phương, đơn vị để tìm giải pháp tháo gỡ.
Đồng chí nhấn mạnh, trước nguy cơ nợ xấu đang ở mức cao cần triển khai các giải pháp căn cơ làm lành mạnh hóa thị trường. Trong đó, đặc biệt giải quyết triệt để những tồn tại trong lĩnh vực đất đai, chứng khoán.
Cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, hiện nay các dự án treo, quy hoạch treo, chậm tiến độ đang gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trong đó, như dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long được triển khai từ năm 2002 đến nay đã 17 năm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân khu vực xung quanh tuyến đường. Tuy nhiên hiện nay hệ thống đường bộ kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đang dần quá tải, do đó tuyến đường sắt vẫn là một giải pháp tối ưu. Đồng chí đề nghị cần phải rà soát lại sự cần thiết của các dự án và triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Về vấn đề xử lý nợ xấu, đồng chí đề nghị khi xử lý nợ xấu liên quan đến các tổ chức tín dụng cần xác định, đánh giá khách quan vấn đề nội tại của các doanh nghiệp để tránh được những hạn chế dẫn đến nợ xấu.
Tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã thông tin thêm đến các đại biểu trong tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí cho biết, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế, chính trị, dịch bệnh thế giới nói chung, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lớn và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. GDP Quý I ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại. Trong 4 tháng đầu năm, hơn 30 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đồng chí cho biết cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: thu ngân sách của các địa phương chưa thực sự bền vững; thị trường chứng khoán còn có sự tăng trưởng bất bình thường, thông tin không công khai minh bạch; trong công tác phòng chống dịch còn có tiêu cực về mua, nhập, đấu thầu thiết bị máy móc y tế...
Thêm vào đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trì trệ, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công. Một trong những vấn đề cần đặc biệt chú ý để tháo gỡ, khắc phục là các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, dù việc xử lý nợ xấu đã có thay đổi tích cực, nợ đã được gom lại, thẩm định theo giá thị trường tuy nhiên, nguy cơ nợ xấu còn tiềm ẩn, do đó cần tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong phiên làm việc chiều tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Thảo luận tại hội trường các đại biểu đã góp ý tâm huyết, trách nhiệm về nhiều nội dung trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn gồm: Bố cục dự thảo Luật và kỹ thuật lập pháp; chính sách hỗ trợ cho phát triển điện ảnh; phân loại cấp phép và phổ biến điện ảnh trên không gian mạng và sự bình đẳng trong các vấn đề về chính sách.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng, có những vấn đề chung và nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, kịp thời có báo cáo giải trình tiếp thu để trình Quốc hội cho ý kiến, có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()