Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:51 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Thứ 6, 07/01/2022 | 18:15:54 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, hôm nay, 7/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Dự phiên thảo luận tại điểm cầu Quảng Ninh có Đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khoá, tiền tệ như: Tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua); tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và một số chính sách quan trọng khác.
Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung liên quan đến khả năng hấp thụ các gói tín dụng hỗ trợ của nền kinh tế; thứ tự ưu tiên đối với các lĩnh vực, đối tượng cần hỗ trợ; lộ trình, cách thức thực hiện để đảm bảo Nghị quyết được triển khai một cách hiệu quả,…
Phát biểu ý kiến tại hội trường, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đề nghị nội dung dự thảo cần cân đối hài hòa hơn giữa mục tiêu phát triển và phục hồi. Nghị quyết cần đưa ra các vị trí, nguyên tắc cụ thể và thứ tự cần ưu tiên để triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng thời, phải có cách làm thực sự mang tính đột phá để phát huy tối đa hiệu quả của nghị quyết trong quá trình triển khai thực hiện; thủ tục phải đơn giản, tinh gọn. Nghị quyết cũng cần đặt ra chặt chẽ hơn về nội dung yêu cầu phòng chống tham nhũng, trục lợi chính sách. Trong đó cần phân định rõ ràng và tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đồng thời tăng cường giám sát hướng dẫn để không để xảy ra sai sót, vi phạm. Chính phủ và các bộ, ngành cần có cam kết về khả năng thực hiện và đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân, khả năng khắc phục vốn.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục làm rõ các dự án hạ tầng cần được đầu tư, ưu tiên các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án trọng tâm, trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa và có khả năng hoàn thành sớm. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định rõ về tiêu chí điều kiện về dự án hạ tầng chiến lược quan trọng có quy mô vốn lớn được áp dụng các cơ chế đặc thù; xem xét gắn cơ chế đặc thù với nội dung dự án cụ thể có phạm vi quy trình thủ tục rõ ràng, minh bạch, bảo đảm tính khả thi đồng bộ.
Đối với các nội dung được các Đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu giải trình, tiếp thu cụ thể.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Hầu hết các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Cần Thơ.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()