Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 03:42 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh: Tâm huyết - Trách nhiệm - Đổi mới
Thứ 4, 08/12/2021 | 19:52:30 [GMT +7] A A
Phiên làm việc ngày thứ 2 của Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khoá XIV, được các đại biểu, nhân dân toàn tỉnh ghi nhận là phiên họp có nhiều đổi mới, chất lượng, sâu sắc. Dưới sự chỉ đạo, điều hành, định hướng rõ nét, khoa học của Chủ tọa kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, chất vấn, đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cho tỉnh. Đặc biệt là tập trung vào những nội dung được xem là điểm nghẽn, hạn chế, tồn tại trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua; đồng thời, định hình rõ một số giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Sôi nổi tại phiên thảo luận hội trường
Mở đầu phiên làm việc ngày thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã tiến hành phiên thảo luận ở hội trường với sự tham gia ý kiến trực tiếp của 21 đại biểu. Phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm.
Các đại biểu đều bày tỏ sự tự hào và vui mừng trước những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn vẫn đạt nhiều thành tựu. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình, điểm sáng trong cả nước về thực hiện “mục tiêu kép”. Đại biểu nhất trí đánh giá cao sự linh hoạt, nhạy bén, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh để đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Cùng với đó, phân tích sâu sắc những nội dung được xem là điểm nghẽn, hạn chế, tồn tại của năm 2021 và nhiều năm tiếp theo.
Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở việc thảo luận đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn đi sâu vào những biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Các đại biểu đồng tình cao và cho rằng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 có nét mới. Đó là khẳng định “Chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, đời sống mọi mặt của nhân dân theo tiêu chí của Hạnh phúc”. Quảng Ninh sẽ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đề cập đến tiêu chí của Hạnh phúc trong Nghị quyết của HĐND. Điều này sẽ góp phần thể chế hóa rất mạnh một nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Với sự thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu đã thể hiện quan điểm về những giải pháp nhằm giữ vững nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đại biểu cũng bày tỏ những trăn trở về cơ chế chính sách, giải pháp, tạo quỹ nhà ở thu hút công nhân lao động ngành than, KKT, KCN; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô dân số; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo…
Đại biểu Vũ Thị Diệu Linh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, cho rằng: Thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động đang đặt ra là rất bức thiết, liên quan trực tiếp tới sức khỏe, điều kiện sống đảm bảo để lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Do đó, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, xem xét đưa nội dung nhiệm vụ phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, trong các KCN, CCN, KKT bổ sung vào Nghị quyết phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, lộ trình, mục tiêu cụ thể từng năm gắn rõ địa chỉ tại các địa bàn cấp huyện; quan tâm tập trung quy hoạch, bố trí quỹ đất, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% để phát triển nhà ở cho công nhân, giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với mảnh đất Quảng Ninh.
Để nâng cao chất lượng giáo dục tương xứng với tiềm năng, vị thế của Quảng Ninh và sự đầu tư của tỉnh dành cho giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Định, Tổ đại biểu TP Hạ Long, đề nghị tỉnh quan tâm sớm xây dựng ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và công chức, viên chức công tác tại các xã miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, đặc biệt với giáo viên mầm non, giáo viên Tiếng Anh. Đại biểu cũng đề xuất có cơ chế đối với đội ngũ giáo viên hệ chuyên, trong đó có Trường THPT Chuyên Hạ Long.
Tranh luận, làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung được cử tri toàn tỉnh đặc biệt quan tâm theo dõi, do đó, ngay khi bước vào phiên họp buổi chiều 8/12, Chủ tọa điều hành Kỳ họp đã định hướng ngay đại biểu vào những vấn đề, nội dung trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”. Sau khi xem xét, Chủ tọa Kỳ họp đã định hướng 3 nhóm vấn đề chính để Kỳ họp tập trung tranh luận làm rõ, bao gồm: Thực hiện tinh giản biên chế; công tác quản lý, sử dụng tài sản công; phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những vấn đề được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm thời gian qua.
Liên quan đến nội dung triển khai thực hiện tinh giản biên chế, tư lệnh các ngành Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo đã giải trình, làm rõ cơ bản những ý kiến đại biểu đưa ra. Theo đó, qua 2 giai đoạn thực hiện tinh giản, đến nay tỉnh đã giảm được 880 công chức, đạt gần 20%, trong khi yêu cầu của Trung ương là 10%; tỷ lệ viên chức giảm khoảng 8% (chưa đạt mục tiêu đề ra).
Tỉnh đã xây dựng được vị trí việc làm và đã bố trí được gần 10.000 người hưởng lương ngoài ngân sách (chiếm khoảng 27%). Đối với cấp xã đã giảm được 466 cán bộ (trên 10%), người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 1.524 người (xấp xỉ 40%). Nếu so với cả nước, chưa có một tỉnh nào giảm sâu về công chức ở cấp xã như Quảng Ninh.
Từ những tranh luận giữa các đại biểu tham gia dự họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Những tồn tại, khó khăn trong công tác tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và mục tiêu đặt ra của tỉnh cho thấy, tỉnh sẽ phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tới đây, tỉnh sẽ triển khai 2 đề án liên quan đến nguồn nhân lực, đó là Đề án giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách và Đề án đào tạo phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ, dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, khoa học chuyên sâu. Trong đó, với đề án thứ 2, tỉnh sẽ nêu cao phương châm là thực hiện sòng phẳng, công bằng, chọn cho bằng được người tài để kịp thời chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công việc cho giai đoạn tới.
Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu HĐND quan tâm, đề nghị lãnh đạo các sở, ngành làm rõ, đó là sử dụng tài sản công. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Tổ đại biểu TP Hạ Long, thẳng thắn trao đổi: Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp các tổ chức, bộ máy, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã… dẫn đến dôi dư tài sản là nhà đất, cơ sở sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát và ý kiến của nhân dân có một số cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp nhưng chưa được các cơ quan chức năng, địa phương liên quan quản lý, khai thác, sử dụng, còn có tình trạng bỏ không, gây xuống cấp, lãng phí.
Làm rõ nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm, cho rằng: Sở Tài chính đã rà soát lại toàn bộ việc quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh, đánh giá những mặt được, mặt chưa được. Từ năm 2018 đến nay, Sở đã có 75 văn bản hướng dẫn việc xử lý tài sản dôi dư, 25 văn bản trả lời chi tiết cụ thể về những kiến nghị liên quan đến sắp xếp tài sản. Tính đến nay đã xử lý xong 65 cơ sở, còn 294 cơ sở đang xây dựng phương án xử lý, 81 cơ sở chưa có phương án xử lý.
Khẳng định tài sản công được hình thành từ nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu thời gian tới, cần tập trung nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phát hiện xử lý vi phạm. Việc thu hồi, chuyển đổi công năng, thanh lý bán tài sản, nhất là tài sản công phải hết sức chú ý, do đó các địa phương phải tăng cường rà soát đất công, đất có tài sản công. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tài sản công đảm bảo công khai minh bạch.
Một trong những nội dung quan trọng khác được Kỳ họp đưa ra tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xuất phát từ tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, nhất là xuất hiện biến thể mới Omicron, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị ngành Y tế tỉnh làm rõ thực trạng về cơ sở vật chất, nhân lực tại các trạm y tế tuyến xã; giải pháp nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở; công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai tiêm văc xin, sử dụng hiệu quả thuốc điều trị Covid-19 và sử dụng test nhanh tầm soát, sàng lọc, ưu tiên cho những địa phương, đơn vị nhiều khó khăn…
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: Với phương châm, nguyên tắc và chiến lược rất linh hoạt, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát rất tốt tình hình, khống chế dịch bệnh thành công, góp phần rất thiết thực thực hiện “mục tiêu kép” của tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, ngành Y tế sẽ bám sát tình hình cụ thể, báo cáo Bộ Y tế tìm các nguồn vắc xin để tiêm sớm cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoàn thành trong quý I/2022. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chủ động có các phương án tầm soát xét nghiệm Covid-19 trong toàn dân. Ngoài tầm soát bằng hệ thống y tế công lập thì việc xét nghiệm tại nhà và hướng dẫn cho người dân tự xét nghiệm cũng là giải pháp quan trọng…
Khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin sớm nhất cho người dân trên địa bàn tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn thuốc điều trị F0 có chỉ định, đảm bảo công khai, minh bạch; nâng cao năng lực y tế của toàn hệ thống, trong đó ưu tiên y tế cơ sở, y tế dự phòng; ứng dụng triệt để khoa học công nghệ để truy vết, khoanh vùng nguồn lây; sử dụng hiệu quả bộ dữ liệu xét nghiệm Covid-19; người dân là trung tâm, chủ thể, chiến sĩ trong phòng, chống dịch đồng thời cũng là người thụ hưởng; thực hiện nghiêm quy tắc 5K, người dân tự xét nghiệm; nâng cao năng lực hệ thống chính trị ở cơ sở.
Sau mỗi nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, chủ toạ kỳ họp đều tóm tắt cụ thể lại vấn đề và định hướng một số giải pháp cụ thể triển khai giai đoạn tới; đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần nhìn nhận thẳng vào những điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ để sớm có giải pháp tháo gỡ liên quan đến thẩm quyền. Từ sự đổi mới, nâng cao chất lượng ở phiên thảo luận tại hội trường cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tin rằng các quyết sách được thông qua tại Kỳ họp lần này sẽ tiếp tục khơi thông những điểm nghẽn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Qua đó, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Ảnh: Minh Hà
Mạnh Trường - Lưu Linh
Liên kết website
Ý kiến ()