Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:00 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 2 hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7
Thứ 4, 31/03/2021 | 17:09:20 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 31/3, Hội nghị lần thứ 7 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận hội nghị. |
Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào Đề án và dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các đại biểu thống nhất cho rằng, 10 năm qua, nhất là giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động, đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật, bứt phá, tạo động lực mạnh mẽ cho KT-XH phát triển nhanh, bền vững.
Tỉnh đã chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm thành công nhiều mô hình mới đột phá gắn với tinh giản biên chế; xây dựng đội ngũ CB,CC,VC có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển. Kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được nâng lên. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện; chỉ số PCI và chỉ số PAR Index đứng đầu cả nước 3 năm liên tiếp (2017-2019); Chỉ số SIPAS năm 2019 đứng thứ nhất; chỉ số PAPI và ICT đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc..., góp phần hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh 5 năm (2016-2020).
Các đại biểu phát biểu thảo luận tại hội nghị. |
Với quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ mệnh lệnh sang phục vụ-kiến tạo; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đồng bộ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, Quảng Ninh xác định công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số PCI, chỉ số PAR Index, chỉ số SIPAS và chỉ số PAPI. Đồng thời, Đại hội cũng đã thông qua 15 đề án, chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Đề án cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu trên, việc xây dựng Đề án và Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc; đến năm 2030 là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Đối với dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu cũng khẳng định: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn tập trung phát triển toàn diện chính trị, KT-XH, AN-QP vùng DTTS và miền núi biên giới, hải đảo.
Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có nhiều đổi mới; công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững ở khu vực này, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo, chênh lệch vùng miền trong tỉnh, cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.
Quang cảnh hội nghị. |
Thống nhất với các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá cao sự chuẩn bị rất công phu các đề án và dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí yêu cầu các đơn vị soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp.
Cho ý kiến về từng nội dung, đối với dự thảo Nghị quyết về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tới 3 yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng của CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, quyết định đến việc Quảng Ninh giữ được thành quả và quyết tâm đạt được mục tiêu giữ vững 4 chỉ số trong 5 năm tới. Đó là tổ chức bộ máy, con người, công nghệ và quy trình.
Về tổ chức bộ máy, con người, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu để xây dựng đội ngũ CBCCVC tinh gọn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phải tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại.
Về công nghệ, phải coi đây là giải pháp trọng tâm, hướng đến hiện đại hóa nền hành chính trên cơ sở hoàn thiện công nghệ thông tin cho cả chính quyền số và chính quyền điện tử với những bước đi nhanh, chắc.
Yếu tố quan trọng cuối cùng đó là quy trình. Phải thay đổi quy trình làm việc, quy trình kết nối liên thông giữa 3 cấp hành chính và quy trình phân cấp, ủy quyền trên nền tảng công nghệ số. Tất cả đều phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Nghị quyết về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phải giải quyết cả 3 yếu tố này và các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Đó là điều kiện tiên quyết để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục giữ vững 4 chỉ số: PCI, PAPI, PAR – Index, SIPAS như đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Đối với dự thảo Nghị quyết về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Nghị quyết này là bước phát triển tiếp theo của Đề án 196 - một đề án riêng có của tỉnh Quảng Ninh và đã được thực hiện rất hiệu quả những năm qua.
Đồng chí nhấn mạnh, giải pháp trung tâm của Nghị quyết này chính là tập trung giải quyết bài toán về phát triển sản xuất, liên kết sản xuất nhằm nâng cao thu nhập người dân. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện hạ tầng của các công trình phục vụ sản xuất; kết nối giữa hạ tầng chiến lược với nội huyện, nội xã để thúc đẩy giao thương; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái; tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào khu vực nông thôn, nông nghiệp; đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng trong tỉnh.
Cùng với đó, quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế khác trên địa bàn gắn với chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào DTTS đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng ngày, BCH Đảng bộ tỉnh cũng nghe và cho ý kiến về dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()