Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:17 (GMT +7)
Ngày Giải phóng Vùng mỏ 25/4
Thứ 3, 10/10/2023 | 07:44:13 [GMT +7] A A
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trên chiến trường Đông Dương. Ngày 20-7-1954, Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ). Pháp và các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Quán triệt sâu sắc chủ trương tranh thủ hoà bình của Trung ương Đảng, đánh bại âm mưu khiêu khích của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp, trong tháng 8 và tháng 9-1954, các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai, tỉnh Hải Ninh tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về Hiệp định Giơ-ne-vơ; tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng ta; các chính sách của Đảng đối với vùng giải phóng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đối với nguỵ quân, nguỵ quyền và chính sách tự do tín ngưỡng.
Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc chuyển quân và rút quân, tỉnh Hải Ninh là một trong những nơi địch rút sớm nhất miền Bắc, ngày 8-8-1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân xâm lược. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, thì quân Pháp ra sức càn quét cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tháo dỡ máy móc; khuyến khích các đảng phái phản động nổi lên chống phá cách mạng; tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, các địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài.
Tỉnh Quảng Yên, khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm trong kế hoạch cưỡng ép di cư của Mỹ và tay sai. Ở đặc khu Hòn Gai, chúng dựng lên “Tổng uỷ di cư” có trụ sở ở Hòn Gai do tên Voòng A Sáng cầm đầu. Dưới Tổng uỷ di cư, chúng lập ra các “Ban di cư xã hội”, ngoài ra còn có các tổ chức phản động, sự hỗ trợ của hàng nghìn lính Âu Phi, bảo an binh.
Đối với mỗi địa bàn, chúng tập trung cưỡng ép di cư vào một đối tượng nhất định. Ở địa bàn Hải Ninh, do chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã còn yếu, thậm chí nhiều xã chưa thành lập được chính quyền cách mạng, hoạt động cưỡng ép đồng bào di cư của địch diễn ra trắng trợn, điên cuồng. Địch tập trung ráo riết cưỡng ép đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng người Hoa. Ở địa bàn khu Mỏ, chúng tập trung cưỡng ép công nhân có trình độ kỹ thuật cao và tầng lớp cai ký, giám thị. Ở địa bàn Quảng Yên, chúng tập trung vào đồng bào Thiên Chúa giáo, những người trước đây là nguỵ quân, nguỵ quyền.
Cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam đã diễn ra liên tục từ cuối năm 1954 cho đến ngày ta tiếp quản vùng mỏ. Ở Hải Ninh, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với mạnh tay trấn áp bọn phản động đầu sỏ ngoan cố; thành lập 3 đoàn cán bộ tổ chức cứu đói ở các huyện Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu. Ở Đặc khu Hòn Gai, nơi đọ sức gay gắt giữa ta và địch trong vấn đề di cư, ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, tổ chức các Đại hội chống Mỹ ở Hoành Bồ, Cái Rồng. Nhân dân đã lập ra các Uỷ ban chống địch cưỡng ép di cư. Nhân dân xã Đoàn Kết, huyện Cẩm Phả và khu Lán Đạo, thị xã Hòn Gai còn ký giấy cam kết không di cư.
Ở Yên Trì (Quảng Yên), trước khi ta thực hiện công tác chống cưỡng ép di cư, có 64 gia đình định ra đi, sau khi được cán bộ giải thích, đã có 46 gia đình ở lại. Ở Lán Đạo (thị xã Hòn Gai), nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong số 47 gia đình định di cư đã có 35 gia đình tự nguyện ở lại, 137 gia đình đã làm đơn gửi Chính phủ và Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam phản đối thủ đoạn lừa bịp cưỡng ép giáo dân di cư của bọn phản động. Khi được cán bộ ta đến giải thích và vận động, nhiều gia đình ở Hà Gián (huyện Cẩm Phả) đang tập trung ở thị xã Cẩm Phả để di cư vào Nam đã tỉnh ngộ và trở về quê quán. Đến tháng 3-1955, toàn Đặc khu Hòn Gai chỉ có 216 gia đình với 2.145 người di cư trong tổng số hơn 70 nghìn dân của Đặc khu. Âm mưu cưỡng ép di cư của đế quốc Mỹ và tay sai về cơ bản bị thất bại.
Công tác đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép được chỉ đạo chặt chẽ. Cuối năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo Đặc khu uỷ Hòn Gai Các đội bảo vệ máy đã được thành lập trong công nhân mỏ. Ngày 18-12-1954, công nhân Cẩm Phả đã ngăn chặn được bọn chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Xông-đơ (Sondeur) xuống tàu. Chiều 9-3-1955, chủ mỏ dùng lính và bọn cai xếp người Pháp định chuyển 8 động cơ của Nhà máy điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam. Công nhân đã vây quanh nhà tên chủ, buộc chúng phải ngừng chuyển máy. Ngày 24/4/1955, công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy chủ định chuyển vào Nam, buộc chúng phải để lại ba máy.
Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 221/SL thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai (các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang). Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu uỷ Hồng Quảng quyết định thành lập 2 Đảng uỷ ở 2 thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, các Ban Cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Khu cũng thành lập một đoàn cán bộ tiếp quản vào tiếp thu cơ sở sản xuất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT).
Ngày 11/4/1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp. Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24/4, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Sáng ngày 25/4/1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.
Sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược Khu mỏ (12/3/1883), trải qua 9 năm cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí thế Bạch Đằng Giang lịch sử, với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, giai cấp công nhân mỏ và dân dân lao động khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh đã viết lên những trang sử hào hùng, giành được hoàn toàn quyền làm chủ mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Trích Đề cương Tuyên truyền 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023)
Liên kết website
Ý kiến ()