Năm 2023, chị Diệu Hồng, 42 tuổi ở Hà Nội, từng thực hiện hai chuyến du lịch một mình đến Pù Luông, Thanh Hóa và Y Tý, Lào Cai. Cuối tháng 3 này, chị dự định đến Mai Châu, Hòa Bình. Không phải chuyến đi nào chị Hồng cũng muốn đi một mình, đôi lúc chị rủ bạn bè nhưng không phù hợp về thời gian và địa điểm. Đi chơi cả gia đình phải chuẩn bị kỹ, thường dịp hè mới có thể thực hiện.
"Tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội hay lãng phí thời gian. Tôi tự hỏi, sao mình không đi một mình? Thế là tôi trở thành solo traveller vài năm nay", chị Hồng cho hay.
Phụ nữ du lịch một mình không còn là chuyện mới ở Việt Nam và trên thế giới. Jessica Nabongo, người Mỹ, đã tới 151 quốc gia trên thế giới và 47 trong số này là những chuyến đi một mình. Trong nỗ lực trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đến mọi quốc gia, đôi khi cô phải đi một mình.
Jessica cho rằng du lịch cùng mọi người không thúc đẩy chúng ta gặp gỡ những người mới. Khi du lịch một mình, "tôi có xu hướng gặp người mới nhiều hơn và tạo mối quan hệ mới ở các quốc gia tôi đến", Jessica Nabongo nói với National Geographic.
Những phụ nữ thích du lịch một mình như chị Diệu Hồng và Nabongo ngày càng phổ biến. Giám đốc Điều hành của đơn vị cung cấp Tour Du lịch Mạo hiểm nước ngoài (OAT) và Solo Traveller, Brian FitzGerald, tại Mỹ nói với Forbes xu hướng du lịch một mình phổ biến hơn một thập kỷ trước và vẫn tiếp tục phát triển. Năm 2017, có 27% khách du lịch của công ty đi một mình, năm 2019, 39% và năm 2021 là 47%. Tháng 1/2024, con số này là 50%.
"Sau đại dịch, nhiều du khách không muốn lãng phí thời gian. Họ quyết định nếu không đi cùng thì sẽ đi một mình", ông FitzGerald nói.
Trong số những người chọn du lịch một mình, phụ nữ chiếm ưu thế. Theo khảo sát của Booking.com, 72% phụ nữ Mỹ thích đi du lịch một mình. Còn nghiên cứu của Astute Analytica, du lịch một mình được dự đoán sẽ tăng trưởng cao nhất vào năm 2027, trong đó phụ nữ chiếm 55%. Ở Việt Nam, theo số liệu năm 2019 của công ty nghiên cứu thị trường Outbox có trụ sở tại TP HCM, trong số khách du lịch một mình ở Việt Nam, 60% là phụ nữ. Họ ưu tiên trải nghiệm và kết bạn.
Lý giải vì sao phụ nữ đi du lịch một mình nhiều hơn đàn ông, Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ, Lisa Marie Bobby nói điều này có liên quan đến các mối quan hệ. Khi đàn ông nói về du lịch, họ nghĩ như một hoạt động theo nhóm và thường họ sẽ bị động.
"Khi bị bỏ mặc một mình, đàn ông không làm việc gì cả, còn phụ nữ sẽ xách ba lô lên và đi", Lisa Marie Bobby nói và cho biết ngày càng nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở độ tuổi 50, thích khám phá thế giới bên ngoài. Những kỳ nghỉ như vậy khiến phụ nữ thấy đặc biệt hơn. Họ ngày càng độc lập, chủ động kiểm soát cuộc sống và thích hưởng thụ nhiều hơn. Khi chọn du lịch một mình, họ cũng có nhiều chọn lựa, từ nghỉ dưỡng trong nước, khám phá nước ngoài hay thậm chí là tự lái xe, leo núi.
Nói về những điều lợi và bất lợi khi du lịch một mình, chị Hồng "thấy toàn được lợi". Chị chủ động về mọi mặt, thời gian và địa điểm muốn đi. "Phù hợp là đi thôi", chị Hồng nói.
Ngoài ra, điều chị thấy rõ nhất là được khám phá năng lực bản thân, tự tin hơn, thay đổi cách nhìn nhận về xã hội. "Những điều đang ấp ủ muốn làm, nhưng ngại ngần tuổi tác, ngại ngần sức khỏe hay nhiều thứ khác đều được dẹp bỏ, chỉ còn lại suy nghĩ đơn giản, muốn thì sẽ làm được", chị Hồng nói. Theo chị, đi một mình không có cảm giác cô đơn bởi mỗi lần đi chị đều quen bạn mới, được mời tham gia các hoạt động của họ.
Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng du lịch một mình thật sự vô vị. "Người ta vẫn nói đi đâu không quan trọng mà quan trọng là đi với ai. Việc đi du lịch cùng với 'đối tác' thật sự làm chuyến đi thú vị hơn nhiều", chị Hà Anh, 48 tuổi, ở Hà Nội, nói.
Chị Hà Anh cho rằng rất nhiều người không muốn đi nghỉ một mình và thừa nhận mình là một trong số họ. Ngoài e ngại không dám thử chị "thấy cô đơn khi phải đến một nơi xa lạ, chưa kể không biết nơi đó có an toàn với bản thân hay không".
Ý kiến ()