Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:08 (GMT +7)
Ngày 4/10: Gần 10,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi; Có hơn 3.100 trẻ nhiễm virus Adeno
Thứ 3, 04/10/2022 | 09:03:59 [GMT +7] A A
Thống kê những ngày gần đây cho thấy, ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đều giảm so với cách đây vài tuần; hiện gần 10,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi. Đã có hơn 3.100 trẻ nhiễm virus Adeno, 9 trường hợp tử vong, tuy nhiên chuyên gia lưu ý người dân không xét nghiệm tràn lan...
Ca mắc COVID-19 mới, bệnh nhân nặng giảm so với giai đoạn cách đây vài tuần
Bộ Y tế cho biết, ngày 3/10 có 796 ca mắc COVID-19 mới, tăng hơn 300 ca so với trước đó; trong ngày 270 bệnh nhân khỏi, không có ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.481.314 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.027 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại nước ta đã khỏi là 10.593.181 ca; trong số 844 nghìn người đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 69 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 60 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, mấy ngày nay cả ca mắc mới và bệnh nhân nặng đều giảm so với cách đây vài tuần.
Theo Bộ Y tế, trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch;
Tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Đã có hơn 3.100 trẻ nhiễm virus Adeno, 9 trường hợp tử vong, chuyên gia lưu ý người dân không xét nghiệm tràn lan
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi khám và điều trị phần lớn số bệnh nhân mắc virus Adeno cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện này ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày.
Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Tuần từ 12-18/9 chỉ ghi nhận 168 ca. Tuần qua (26/9-2/10) ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi.
Đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực); 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy.
Theo PGS. TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc so với các năm trước, kèm theo đó là tỷ lệ nhập viện cao, trên 50% số ca phát hiện. Bệnh nhi nhiễm virus Adeno có triệu chứng sốt cao liên tục từ 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.
PGS.TS Trần Minh Điển đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm, đồng thời lưu ý người dân không cần xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí.
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Ngày 3/10: Có gần 800 ca COVID-19 mới, 69 bệnh nhân nặng đang điều trị
- Sáng 3/10: Nhiều nơi đã ghi nhận các biến thể mới lây lan nhanh hơn chủng gốc, cần đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
- Ngày 2/10: Có 490 ca COVID-19 mới, thấp nhất trong hơn 4 tháng qua
- Ngày 1/10: Có 671 ca COVID-19, thấp nhất gần 3 tháng qua; 1 bệnh nhân tử vong
- Vaccine Covid-19 có gây rụng tóc, giảm trí nhớ?
Liên kết website
Ý kiến ()