Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:56 (GMT +7)
Ngành Y tế tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, chuyên sâu
Thứ 3, 26/11/2024 | 05:27:56 [GMT +7] A A
Nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Quảng Ninh đã không ngừng xây dựng, đổi mới theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu” với nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại được triển khai, áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nhờ đó, người dân ngày càng tiếp cận đa dạng các dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và giảm tình trạng chuyển tuyến.
Hệ thống y tế ngày càng hiện đại
Trong những năm qua, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, phù hợp yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân ở tất cả các tuyến. Tính đến nay, tỉnh đã có hệ thống y tế phủ khắp với 171 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 7 phòng khám đa khoa khu vực; 13 trung tâm y tế (TTYT) và 3 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; tuyến tỉnh có 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và 6 trung tâm lĩnh vực y tế dự phòng. Sự nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở y tế đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng số giường bệnh phục vụ người dân, giải quyết tình trạng quá tải ở các tuyến. Số giường bệnh trên địa bàn tỉnh đã đạt 57,2 giường bệnh/vạn dân, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh cho người dân, hằng năm, Sở Y tế luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng quy mô cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế. Riêng năm 2023, tỉnh đã đưa vào hoạt động các công trình y tế trọng điểm tuyến tỉnh được xây dựng mới, gồm: Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cơ sở 2, tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long) quy mô 1.000 giường bệnh, đáp ứng hoạt động cho 48 khoa, phòng trên diện tích đất khoảng 10ha. Tỉnh cũng phê duyệt dự án cải tạo, xây mới TTYT TP Đông Triều; quy mô 400 giường bệnh với các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng II trong giai đoạn 2024-2025. Dự án cải tạo, xây mới trụ sở các trạm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 (giai đoạn 1) và sửa chữa, cải tạo trụ sở Trung tâm Kiểm nghiệm cũng đang được triển khai tích cực.
Nguồn lực con người luôn được tỉnh và ngành Y tế ưu tiên cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ bác sĩ toàn tỉnh đã đạt 17 bác sĩ/vạn dân. Tỉnh liên tục có những chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, nguồn nhân lực y tế cũng luôn được quan tâm, tạo điều kiện đi học tập nâng cao năng lực chuyên môn. Hoạt động này giúp bổ sung, củng cố đầy đủ đội ngũ nhân lực y tế các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cuối năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-HĐND “Quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”, với số lượng thu hút tối thiểu 298 người, trong đó: 10 tiến sĩ y khoa, bác sĩ CK II; 39 thạc sĩ y khoa, bác sĩ CKI, bác sĩ nội trú; 249 bác sĩ.
Việc tập trung đầu tư nguồn lực cho các cơ sở y tế giúp ngành Y tế tỉnh phát triển hệ thống y tế đồng đều tất cả các tuyến. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Tuấn, trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các TTYT, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã. Điều này giải quyết được tình trạng quá tải, xuống cấp của hệ thống y tế đã được đầu tư, xây dựng nhiều năm trước. Cùng với đó, tỉnh cũng có các chính sách thu hút, đào tạo và hỗ trợ nguồn nhân lực khi về làm việc tại đây. Điều này giúp thu hút, giữ chân nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn ở lại làm việc, cống hiến.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực là cơ sở quan trọng để các đơn vị y tế trong tỉnh phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các đơn vị đã không ngừng triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng, như đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh; chuẩn hóa quy trình chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao y đức, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với người dân; tăng cường tiếp nhận và giải quyết phản ánh ý kiến của người dân qua đường dây nóng... Đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh luôn đứng trong top 5 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT). Hiện, toàn ngành đã có 18/21 đơn vị đủ tiêu chuẩn triển khai Bệnh án điện tử của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Đầu tư cho y tế chuyên sâu
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã liên tục nghiên cứu, ứng dụng triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân (B.T.B, SN 1986, ở tỉnh Hải Dương), tưởng chừng khó qua khỏi, nhưng đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cứu sống thành công. Bệnh nhân vào viện với diễn biến rất nhanh, trong tình trạng viêm cơ tim biến chứng sốc tim, suy hô hấp, suy đa tạng. Xác định đây là ca bệnh rất nặng, các bác sĩ đã nhanh chóng áp dụng những kỹ thuật hiệu quả nhất trong hồi sức tích cực cho người bệnh như thở máy, lọc máu hấp phụ, hỗ trợ tuần hoàn, kiểm soát tình trạng rối loạn nhịp tim. Có những thời điểm bệnh nhân vô cùng nguy kịch, nhưng với sự tận tâm, theo dõi sát sao người bệnh và sử dụng rất hiệu quả những thiết bị, thuốc hỗ trợ nên tình trạng người bệnh đã dần tốt lên. Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân Dương Văn T. (33 tuổi, TP Hạ Long) đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Bãi Cháy phối hợp cứu sống ngoạn mục khi bị ngừng tuần hoàn (ngừng tim, ngừng thở) hơn 50 phút bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Với thiết bị hạ thân nhiệt theo phương pháp nội mạch, các bác sĩ đưa một ống thông chuyên biệt vào tĩnh mạch lớn của bệnh nhân và tiến hành hạ thân nhiệt trung tâm của bệnh nhân từ 37 độ C xuống còn khoảng 33 độ C và duy trì mức này trong vòng 24 giờ mục đích bảo vệ não sau ngừng tuần hoàn.
Đây là 2 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được cứu sống kịp thời nhờ được các bác sĩ ứng dụng hiệu quả và thành công những kỹ thuật mới, chuyên sâu trong chuyên ngành hồi sức tích cực. Tại 3 bệnh viện đa khoa hạng I, tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) đã sớm triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị hồi sức tích cực, quyết định đến tính mạng của người bệnh. Những kỹ thuật chuyên sâu trong chuyên ngành hồi sức tích cực được coi là kỹ thuật nền tảng quan trọng không thể thiếu được khi các bệnh viện triển khai những kỹ thuật cao, chuyên sâu khác.
Toàn ngành Y tế hiện có trên 100 bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Hằng năm, ngành đều có các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này. Cùng với thu hút và đào tạo nhân lực, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện cũng được trang bị hệ thống máy móc hiện đại cho lĩnh vực hồi sức tích cực. Bởi, hầu hết các bệnh nhân tại đây đều trong tình trạng nặng, phải điều trị, can thiệp bằng máy móc và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Nhất là các thiết bị y tế trong chuyên ngành hồi sức tích cực ở các Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được đầu tư hiện đại, ngang tầm Trung ương.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Hà Mạnh Hùng (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Nhờ sự đầu tư về trang thiết bị và đào tạo, cập nhật kiến thức mới, chúng tôi đã triển khai hiệu quả và thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trong chuyên ngành hồi sức tích cực. Nổi bật là kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, hạ thân nhiệt chỉ huy; lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp; lọc máu liên tục trong điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, sốc nặng, toan chuyển hóa, suy đa tạng…; ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể) điều trị các bệnh nhân sốc tim, suy đa tạng…; kỹ thuật PiCCO trong theo dõi huyết động cấp cao cho bệnh nhân sốc, suy tim cấp; lọc gan nhân tạo cho bệnh nhân suy gan cấp bằng hệ thống tái tuần hoàn hấp phụ phân tử (MARS)…
Với phương châm: “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Quảng Ninh cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó”, nhiều năm qua, các y, bác sĩ của Quảng Ninh đã triển khai được hàng nghìn kỹ thuật mới, chuyên sâu của tuyến Trung ương, như: Mổ tim hở, tim phổi nhân tạo, can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm (IVF), xạ trị ung thư, xét nghiệm miễn dịch tự động, sinh học phân tử real-time PCR, chụp cộng hưởng từ 1,5 tesla, chụp cắt lớp vi tính 512 lát cắt, lọc máu liên tục cấp cứu trẻ sơ sinh... Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng và phát triển các trung tâm y tế kỹ thuật cao, các chuyên khoa sâu tuyến tỉnh, với các chuyên ngành tim mạch, hỗ trợ sinh sản, ung bướu, phẫu thuật thần kinh - cột sống, thận nhân tạo, lão khoa, điều trị bệnh phổi…
Nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo trước kia phải chuyển lên tuyến Trung ương thì nay đã có thể điều trị hiệu quả ngay tại địa phương. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm qua từng năm. Theo thống kê trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ chuyển tuyến đúng tuyến do vượt quá năng lực chuyên môn: Tuyến tỉnh chuyển tuyến Trung ương khoảng 1,27%; tuyến huyện chuyển tuyến tỉnh: Khoảng 3,05%. Kết quả này đã khẳng định được năng lực của y tế Quảng Ninh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ y, bác sĩ.
Sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế của tỉnh đã và đang góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra. Đó là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()