Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:35 (GMT +7)
Ngành Y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh
Thứ 2, 20/07/2020 | 16:28:15 [GMT +7] A A
Hiện nay đang có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, sốt xuất huyết, bạch hầu... để ứng phó với các loại dịch bệnh này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Hành khách làm thủ tục kiểm tra y tế và khai báo hàng không tại Sân bay quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Phương |
Tại Quảng Ninh, sân bay quốc tế Vân Đồn ngoài đón các chuyến bay nội địa thì đây vẫn là điểm đón các chuyến bay quốc tế đến từ vùng dịch.
Để phòng chống dịch Covid-19, tất cả hành khách từ các chuyến bay quốc tế xuống sân bay Vân Đồn đều được đón tiếp theo quy trình khép kín, thực hiện các thủ tục khai báo y tế bắt buộc, thủ tục nhập cảnh, hải quan tại khu vực phía bên ngoài nhà ga. Sau đó, được đưa về khu vực cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Tại đây, các y bác sĩ của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tiếp tục kiểm soát y tế chặt chẽ người nhập cảnh đến từ vùng dịch. Bác sĩ Ngô Mạnh Quý, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, cho biết: Trung tâm đã bố trí 5 y bác sĩ thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng cách ly cho tất cả khách nội địa và quốc tế. Trước đó, ngành Y tế đã đầu tư 4 máy đo thân nhiệt mới, do vậy việc giám sát thân nhiệt đạt hiệu quả cao. Xác định đây là dịch bệnh nguy hiểm, nên mỗi cán bộ y tế của Trung tâm đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, nhằm sàng lọc chính xác, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Các bệnh viện, khu cách ly tại Quảng Ninh tiếp tục giám sát các trường hợp nghi nhiễm. Tại Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh) đã có hơn 1.000 công dân hoàn thành thời gian cách ly, bảo đảm sức khỏe được trở về nơi cư trú. Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tiếp tục thực hiện giám sát xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, đảm bảo nhanh, chính xác, nhằm phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh. Theo đó, toàn tỉnh đã xét nghiệm 19.342 mẫu, trong đó có 9 trường hợp dương tính đã khỏi bệnh, còn lại là âm tính (số liệu đến 15/7).
Tiêm phòng vắc xin bạch hầu là biện pháp phòng bệnh an toàn và hữu hiệu nhất. (Trong ảnh: Tiêm phòng cho trẻ em tại Phòng tiêm Safpo, CDC Quảng Ninh) |
Đặc biệt với bệnh Bạch Hầu, tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh chưa ghi nhận ca bệnh. Tuy nhiên, đây là dịch truyền nhiễm nguy hiểm, đã xuất hiện tại các địa phương khác trong cả nước, do đó, ngành y tế Quảng Ninh đã có các biện pháp chủ động phòng tránh.
Trong đó, tập trung nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho các đối tượng trong độ tuổi. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiêm phòng DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi đạt 36,48%; tỷ lệ trẻ dưới 12 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong đó 3 mũi vắc xin phối hợp có thành phần bạch hầu là 41,04%.
Trước đó, năm 2019, Quảng Ninh đã tổ chức chiến dịch tiêm phòng bổ sung vắc xin Td (bạch hầu, uốn ván) đợt 1 cho trẻ 7 tuổi tại 169 xã, phường. Trong tháng 6/2020, Quảng Ninh tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin Td (bạch hầu, uốn ván) đợt 2 cho trẻ 7 tuổi tại 16 xã của TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, đạt 91,86%.
Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh, chia sẻ: Để phòng chống bệnh bạch hầu, Quảng Ninh sẽ tổ chức thêm 1 đợt tiêm chủng vắc xin Td cho trẻ dưới 7 tuổi vào cuối năm nay. Các bậc phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cũng cần lưu ý cho trẻ tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch để phòng tránh bệnh. Việc triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td nhằm ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh bạch hầu đồng thời bảo vệ vững chắc thành quả trong việc loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng tạo miễn dịch tốt trong cộng đồng.
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi đang khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, Quảng Ninh có 22 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện nay đang là đầu mùa dịch, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng các ca bệnh mắc sốt xuất huyết.
Ngoài ra, dịch tay chân miệng cũng có chiều hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám gia tăng nhanh chóng. Những ngày cao điểm, cứ 10 bệnh nhi đến khám, thì có từ 2 đến 3 bệnh nhi mắc bệnh. Ngoài phần lớn trẻ mắc tay chân miệng ở cấp độ 1, có thể tự điều trị tại nhà, thì còn có nhiều trẻ mắc bệnh ở cấp độ 2A, 2B phải nhập viện điều trị.
Virus EV71, đây là tuýp virus gây bệnh tay chân miệng có độc tính mạnh, nhiều khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương và để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời.
|
Theo CDC Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 34 ca mắc tay chân miệng. Trong đó ghi nhận 1 trường hợp dương tính với virus EV71, đây là tuýp virus gây bệnh tay chân miệng có độc tính mạnh, nhiều khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương và để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời.
“Các bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng, hay Covid-19 hiện chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là biện pháp hiệu quả nhất. Tất cả người dân cần thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và ngành Y tế nhằm phòng tránh dịch bệnh” - Bác sĩ Diệp, cho biết.
Nguyễn Hoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()