Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:21 (GMT +7)
Ngành Thuế gấp rút hoàn thành số thu ngân sách
Thứ 6, 20/12/2024 | 06:16:07 [GMT +7] A A
Năm 2024 với những thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, đặc biệt là cơn bão số 3 lịch sử gây thiệt hại nặng nề đã tác động lớn tới công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt là thu nội địa. Tỉnh Quảng Ninh nói chung và ngành Thuế nói riêng đang tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành số thu NSNN cao nhất.
Với hàng loạt khó khăn, nhất là khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, thay đổi pháp luật về đất đai, thị trường bất động sản trầm lắng và đặc biệt là cơn bão số 3 đã làm ngưng trệ nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tác động lớn tới công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh.
Tại Chi cục Thuế TP Hạ Long, bão số 3 làm giảm thu đột biến không nằm trong kế hoạch hơn 160 tỷ đồng, giảm thu từ thuê đất 1 lần hơn 1.322 tỷ đồng. Mặc dù ngành Thuế có nhiều giải pháp chống thất thu, như: Rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, hàng ăn, nhà nghỉ khách sạn, vận chuyển khách du lịch…; cưỡng chế thu nợ thuế và đặc biệt đôn đốc Công ty CP Khách sạn Trí Đức nộp số nợ hơn 1.000 tỷ đồng, qua đó đóng góp và tổng số khai thác tăng thu năm 2024 đạt 1.535 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12, Chi cục Thuế TP Hạ Long mới thu đạt hơn 4.919 tỷ đồng, bằng 54,5% dự toán.
Theo như ông Phạm Việt Hồng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thuế TP Hạ Long, các khoản thu thuế, phí cơ bản đảm bảo được tiến độ thu, nhưng hụt thu lớn nhất hiện nay là từ tiền sử dụng đất, do một số dự án diện tích sử dụng đất lớn gặp khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết. Vì vậy, khoản thu này mới đạt tỷ lệ 17% dự toán và qua đó ảnh hưởng tới tổng số thu của thành phố.
Cùng với hụt thu từ tiền sử dụng đất của các địa phương, một số chính sách chung về miễn giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai trong năm cũng đã tác động giảm một số khoản thu NSNN trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng Phòng nghiệp vụ Dự toán - Pháp chế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Một số chính sách chưa được dự báo trong quá trình lập dự toán như khoản giảm 2% thuế giá trị gia tăng đầu tiên chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu năm, nhưng để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định phục hồi sản xuất khoản giảm 2% thuế giá trị gia tăng tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng; việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm 30% tiền thuê đất, giảm 50% thuế trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước đã dẫn đến giảm thu khoảng 2.067 tỷ đồng. Từ đó tác động lớn đối với tổng số thu cục thuế phải thực hiện.
Với những khó khăn trong công tác thu NSNN năm 2024, đến hết ngày 10/12 tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh mới đạt trên 31.200 tỷ đồng bằng 73% dự toán tỉnh giao. Trong đó, 11/16 khoản thu vượt và đạt tốc độ thu bình quân (91%); còn lại 5/16 khoản thu không đạt tốc độ thu bình quân.
Theo kịch bản thực hiện nhiệm vụ các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh, tổng thu ngân sách những ngày cuối tháng 12 phải đạt hơn 7.400 tỷ đồng, trong đó ngành Thuế thực hiện nhiệm vụ trong thu nội địa hơn 6.600 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Trường, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Chưa có tháng cuối năm nào mà áp lực thu ngân sách lớn như năm nay, thời gian thực hiện không còn nhiều. Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành đã phân công giao chỉ tiêu thu tới từng CBCC và phải chủ động rà soát các khoản thu sắc thuế của các doanh nghiệp. Ở đây, cũng đã xác định được các địa chỉ cụ thể trong từng khoản thu. Cái gì gia hạn được thì sẽ thực hiện để chia sẻ đối với các doanh nghiệp ổn định, còn lại phải đôn đốc tập trung cao. Đặc biệt, khi tỉnh có bảng giá đất sẽ tháo gỡ trong việc xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến một số hồ sơ đất đang tồn đọng. Từ đó, phấn đấu hoàn thành 100% dự toán giao đối với các khoản thuế, phí cũng như đạt tổng số thu ngân sách nội địa ở mức cao nhất có thể.
Thành Công
Liên kết website
Ý kiến ()