Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:30 (GMT +7)
Ngành thép tăng trưởng nhờ xuất khẩu
Thứ 4, 25/08/2021 | 12:41:04 [GMT +7] A A
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương khiến cho nhu cầu về xây dựng giảm sút, cùng với đó là chuẩn bị bước vào mùa mưa khiến cho tiêu thụ thép trong nước gặp khó khăn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, để giải quyết những khó khăn vướng mắc trên, các doanh nghiệp trong ngành đã phải tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu.
Báo cáo mới đây của VSA cho biết, sản xuất thép tháng 7/2021 các loại đạt gần 2,4 triệu tấn, giảm 6,48% so với tháng trước; tiêu thụ thép các loại đạt hơn 2,1 triệu tấn, ngang mức tháng 6/2021 và tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 658.207 tấn, tăng 5,96% so với tháng trước, và tăng 55% so với cùng kỳ tháng 7/2020.
Bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng VSA cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và yếu tố thời tiết mùa vụ, tình hình sản xuất bán hàng của ngành thép gặp nhiều khó khăn. Với tình hình dịch bùng phát mạnh như hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam, dự kiến việc sản xuất và tiêu thụ những tháng cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn.
Đại diện VSA cũng cho hay, sản lượng tiêu thụ có mức tăng chủ yếu nhờ vào sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp tăng.
Cụ thể, theo báo cáo từ VSA, lượng thép xây dựng bán ra trong 7 tháng năm 2021 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng 3% và xuất khẩu tăng 25,4%. Tiêu thụ thép xây dựng tháng 7 sẽ có nhiều khó khăn khi bước vào mùa mưa. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều công trình, và công trình dân dụng tạm thời hoãn lại, dẫn đến thị trường tiêu thụ thép trong nước khó khăn, đặc biệt khu vực phía Nam.
Sản xuất thép cuộn cán nóng đạt hơn 590.000 tấn, giảm nhẹ 1,21% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ đạt 559.487 tấn, giảm 6,75% so với tháng trước nhưng tăng 82,7% so với cùng kỳ 2020.
Với tôn mạ kim loại & sơn phủ màu, trong tháng 7/2021, tiêu thụ đạt 428.084 tấn, giảm 6,58% so với tháng trước, nhưng tăng 18,8% so với cùng kỳ 2020; trong đó xuất khẩu đạt 300.404 tấn, tăng 84,2% so với cùng kỳ 2020.
Ở lĩnh vực này, Tập đoàn Hoa Sen và Nam Kim đang đứng đầu về tiêu thụ tôn nói chung. Trong 7 tháng năm 2021, Hoa Sen đã bán ra gần 1,1 triệu tấn, giành 36,7% thị phần. Nam Kim tiêu thụ hơn 498.000 tấn, đứng thứ 2 với 16,8% thị phần.
Sản phẩm tôn mạ và ống thép của Hòa Phát cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Lãnh đạo Công ty cổ phần Sản phẩm thép Hòa Phát cho biết, sản lượng xuất khẩu ống thép và tôn mạ gần đây tăng cao chủ yếu nhờ nhu cầu phục hồi ở Mỹ và châu Âu sau đại dịch.
Với tình hình tiêu thụ sản phẩm thép trong nước tiếp tục gặp khó, doanh nghiệp ngành này cũng đang hướng đến xuất khẩu để đảm bảo công suất sản xuất.
Bà Trang Thu Hà cho biết, nếu như ở năm 2020, trong khoảng 6-7 tháng đầu, nhiều nước trong thời điểm này bị phong tỏa, đóng cửa hoàn toàn thị trường, chuỗi sản xuất bị đình trệ thì Việt Nam nhờ chống dịch tốt đã có sự phát triển mạnh về tiêu thụ thép trong nước. Các công trình xây dựng, dự án đầu tư công triển khai mạnh đã tạo tiền đề cho ngành thép phát triển.
Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh ngược lại của năm nay, những tháng đầu năm Việt Nam duy trì được sản xuất và thực tế trong nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp Việt Nam duy trì được sản xuất so với các nước. Song tại thời điểm tháng 6-7 vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, thậm chí phải đóng cửa nhiều hoạt động khiến nhu cầu thị trường trong nước suy yếu.
“Do vậy, chúng tôi dự báo số liệu về tiêu thụ trong quý III tới đây cũng sẽ không tốt. Còn Quý IV thì phải tiếp tục chờ đợi kết quả của việc phòng chống dịch bệnh”, bà Hà nhận định.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, hiện các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực sản xuất để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong miền Nam gặp khó khăn do dịch bệnh, xây dựng đình trệ... nên tăng trưởng vừa qua chủ yếu từ xuất khẩu.
“Hi vọng rằng với sự nỗ lực kiểm soát dịch của Việt Nam và các nước trên thế giới thì thời điểm cuối năm, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thép sẽ có bước tăng trưởng tốt hơn”, bà Trang Thu Hà nói.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho hay, để duy trì sản xuất và công việc cho người lao động, nhiều doanh nghiệp ngành thép nói riêng và nhiều ngành nghề phải tìm hướng xuất khẩu. Bởi lẽ thị trường trong nước vì ảnh hưởng của COVID-19, giãn cách xã hội mà việc vận chuyển, xây dựng bị dừng lại.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 23 tháng 8 năm 2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sắt thép, quặng sắt rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()